Tại hội thảo Đề án đầu tư huyện Bình Chánh thành quận hoặc TP thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030 vào ngày 22-9, nhiều đại biểu đã ủng hộ phương án đưa huyện này lên TP.
Bình Chánh muốn lên thành phố phức hợp
“Chúng ta cần hướng đến TP Bình Chánh là TP phức hợp: Công nghiệp công nghệ cao, đô thị sáng tạo, đô thị thông minh, đô thị xanh, nông nghiệp đô thị ứng dụng dựa trên địa lý, văn hóa và cơ cấu kinh tế hiện nay” - ông Trần Văn Nam, Bí thư huyện Bình Chánh, nêu quan điểm.
Phát biểu trong hội thảo sáng 22-9 tại trụ sở UBND huyện Bình Chánh, ông Nam khẳng định quyết tâm của cán bộ, viên chức Bình Chánh là đưa huyện này lên TP vì xác định để lên quận thì huyện không thể đáp ứng các tiêu chí.
“Việc lên TP cần được nhận thức, hành động thống nhất trong huyện, đồng thời gắn kết với sở, ngành thực hiện các công việc, phân kỳ ra các giai đoạn. Trên cơ sở đó tính toán tập trung thực hiện cái gì trước, cái gì sau. Ví dụ hạ tầng Bình Chánh rất yếu, không chỉ hạ tầng giao thông, hiện Bình Chánh còn thiếu 900 phòng học” - ông Nam phân tích.
Theo ông Huỳnh Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, địa phương có thuận lợi là cửa ngõ phía tây của TP, kết nối 13 tỉnh ĐBSCL với các trục đường giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, đường Trần Văn Giàu, đường Nguyễn Văn Linh và các dự án đang triển khai như đường vành đai 3, Quốc lộ 50 song hành…
“Bên cạnh những thuận lợi đầy tiềm năng phát triển cũng còn không ít khó khăn. Huyện Bình Chánh sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khi dân số tăng cơ học hơn 30.000 người/năm” - ông Cường nói.
Vì vậy, lãnh đạo huyện cho rằng để giải quyết các bài toán về mặt quy hoạch, kinh tế - xã hội, dân số, tận dụng các lợi thế của mình thì việc huyện chuyển đổi mô hình hành chính từ cấp huyện lên TP là vấn đề bức thiết.
Nhiều yếu tố thuận lợi
“Đề án đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh thành quận hoặc TP thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030 được thực hiện theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ là sẽ xây dựng, chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021-2030” - bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, nêu.
Theo bà Thắm, trong quá trình triển khai thực hiện, rà soát đánh giá theo tiêu chí về phân loại đô thị đã cho thấy cả năm huyện ngoại thành TP nếu muốn lên quận là rất khó, bởi vì tiêu chí quận cao hơn tiêu chí TP thuộc TP.
Nên chăng xây dựng Bình Chánh là TP của sông nước phía nam TP.HCM, đây là đặc điểm không ở đâu có.
“Giai đoạn này chúng ta xây dựng đề án để đầu tư, dựa trên thực trạng của huyện để xây dựng các tiêu chí còn thiếu, còn yếu, khi đủ điều kiện thì chúng ta mới lập đề án thành lập huyện Bình Chánh thành TP trực thuộc TP.HCM” - bà Thắm nói.
ThS Nguyễn Hoàng Mỹ Lan, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết với những điều kiện hiện tại của huyện thì việc lựa chọn lên TP sẽ phù hợp hơn lên quận.
“Xét theo tiêu chí lên quận, huyện có bốn xã không có khả năng chuyển thành phường là xã Bình Lợi, xã Quy Đức, xã Đa Phước và xã Hưng Long do có khá nhiều tiêu chí chưa đạt” - bà Lan phân tích.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cũng đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh trở thành TP trực thuộc TP.HCM. Đặc biệt khi đó TP Bình Chánh sẽ là TP còn cấp xã, đây là điều rất quý, đặc trưng xây dựng trong tương lai.
“Huyện có thuận lợi là có bốn khu công nghiệp, làng đại học, công viên rừng, di tích văn hóa lịch sử, có thể đầu tư thành một địa điểm du lịch xanh. Tuy nhiên, giao thông còn yếu, ô nhiễm, đô thị hóa nhanh nhưng tự phát…” - bà Thảo góp ý.
Bà Thảo cũng cho rằng Bình Chánh hoàn toàn có triển vọng trở thành TP thuộc TP trong tương lai không xa. Huyện cần thêm giải pháp để đẩy nhanh tiến trình này như giải pháp về quy hoạch và thiết kế đô thị, thiết kế nông thôn, triển khai du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông nghiệp đô thị gắn với thiết kế ruộng vườn, chuyển khu công nghiệp thành khu công nghiệp công nghệ cao…
Góp ý thêm, bà Võ Thị Hiệp, nguyên Chủ tịch huyện Bình Chánh, cho hay huyện cần xem xét có cần cứng nhắc các tiêu chí không, như khu Nam TP là một phần đất quận 7 và đa số đất Bình Chánh, cho thấy đô thị Bình Chánh phát triển rất mạnh.
“Nên chăng xây dựng Bình Chánh là TP của sông nước phía nam TP.HCM, đây là đặc điểm của TP.HCM mà không ở đâu có. Chúng ta tận dụng đường sông, từ chợ Đệm lên Bình Lợi, đầu tư để có tuyến đường sông đẹp, thông thương tốt” - bà Hiệp góp ý.•
Phải cải thiện bảy tiêu chí chưa đạt
Cách trung tâm TP.HCM khoảng 20 km, huyện Bình Chánh với diện tích 252,56 km2, có dân số hơn 815.000 người, là cửa ngõ phía tây của TP.HCM, có tốc độ phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, hạ tầng cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh.
Theo Đề án đầu tư huyện Bình Chánh thành quận hoặc TP thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030 của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, về tiêu chí lên TP: Về phân loại đô thị, vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt, trong đó có tổng cộng bảy tiêu chí trong phân loại đô thị loại III chưa đạt.
Bảy tiêu chí này là tỉ lệ đất giao thông so với đất đô thị, mật độ đường giao thông, tỉ lệ hồ sơ chưa qua xử lý dịch vụ công trực tuyến, mật độ đường cống thoát nước chính, quy chế quy hoạch quản lý kiến trúc đô thị, công trình xanh, khu chức năng đô thị - khu đô thị mới...
Nhìn chung, kế hoạch cải thiện bảy tiêu chí về phân loại đô thị từ đây đến năm 2025 là khả thi, ngoại trừ tiêu chí về mật độ đường giao thông (đạt tối thiểu 6,0 km/km2 ) đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn mới có thể hoàn thành.