Huyện Bình Chánh là đầu mối giao thông nối TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL, huyện có hàng loạt khu công nghiệp, bệnh viện, khu xử lý chất thải và hàng trăm dự án đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đây được xem là những thế mạnh của Bình Chánh trong việc phát triển kinh tế đô thị.
Cần tạo giá trị gia tăng lâu dài
Góp ý cho quy hoạch huyện Bình Chánh, TS Phan Sỹ Châu, nguyên Phó Giám đốc Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM, nhận định: Huyện có diện tích lên tới 25.255 ha, gồm diện tích rừng phòng hộ, đất nông nghiệp và một hệ thống hàng trăm con kênh, rạch lớn nhỏ. Đây là vùng đất thấp, nếu chúng ta cứ chăm chăm tính đến chuyện lấp đi thì sẽ làm mất một tiềm năng rất lớn của Bình Chánh.
Chuyên gia nhận định với quỹ đất nông nghiệp chiếm đến 58,1% diện tích đất tự nhiên, huyện Bình Chánh đang “ôm” hũ vàng khổng lồ trước khi lên TP. Ảnh: NGUYỆT NHI
“Do đó, chúng ta phải biến điểm bất lợi thành cái thuận lợi bằng cách biến vùng đất thấp thành hồ nhân tạo kết nối với nâng cấp hệ thống sông, kênh rạch liên hoàn, tạo thành luồng giao thông đường thủy. Nếu làm được điều này sẽ vừa đảm bảo việc tiêu thoát nước nhanh vừa tạo cơ hội phát triển du lịch sinh thái, đồng thời tiết kiệm chi tiêu trong việc xây dựng hạ tầng khi quy hoạch đô thị” - TS Châu phân tích.
Cũng theo TS Châu, quy hoạch huyện Bình Chánh phải tạo được tiền đề biến các yếu tố bất lợi thành động lực bổ sung phát triển. Trong đó, bao gồm cả chuyển đổi công năng đất các khu công nghiệp ô nhiễm thành công nghiệp sạch, khu vực chôn rác thành khu vực cây xanh.
“Quan trọng là điều chỉnh quy hoạch xây dựng phải làm rõ mối quan hệ bố cục không gian và chức năng đô thị của Bình Chánh trong tổng thể nội thành của TP.HCM” - TS Châu nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Hiếu, ĐH Việt Đức, cho rằng: Rừng ở huyện Bình Chánh là khu vực đất ngập nước thì hãy coi đây là chuỗi giá trị, các doanh nghiệp bất động sản sẽ phát triển dự án xung quanh khu vực này. Tổ chức như vậy thì chúng ta vừa giữ lại được vùng đất ngập nước vừa giữ được rừng mà vẫn phát triển các dự án bất động sản.
“Có rất nhiều cách khai thác giá trị gia tăng chứ không nhất thiết phải bê tông hóa, bởi điều này có thể tạo ra sản phẩm ngay nhưng nó sẽ “chết cứng” ở đó. Nếu huyện Bình Chánh làm theo mô hình nấc thang, tức là làm xong dự án trọng điểm này mới triển khai dự án trọng điểm khác, nhằm khai thác tốt lợi thế không gian, điều kiện sống xanh và cân bằng điều kiện tự nhiên thì chúng ta sẽ đi xa hơn rất nhiều” - TS Ngọc Hiếu cho hay.
Cần có giải pháp gia tăng quy mô dân số
TS-KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng quản lý quy hoạch chung, Sở QH-KT TP.HCM, cho biết: Trong thời gian tới, cần có giải pháp gia tăng quy mô dân số theo quy hoạch cho địa bàn huyện Bình Chánh. Mục đích là làm cho dân số tương ứng với tỉ lệ diện tích đất, khai thác hiệu quả vốn đầu tư hạ tầng rất lớn.
“Tăng dân số cần đi kèm chính sách quản lý quỹ chỉ tiêu dân số này, tránh tình trạng “xin chỉ tiêu” để quá trình đầu cơ đẩy giá đất lên quá cao, làm giảm tính khả thi trong triển khai thực hiện quy hoạch. Các chỉ tiêu sử dụng đất phải làm cơ sở cơ chế đầu tư hạ tầng và cơ chế quản lý và những chỉ tiêu này phải đi liền với cơ chế tổ chức thực hiện quy hoạch” - TS Tuấn cho hay.
Liên quan đến việc khai thác nguồn lực, TS Nguyễn Ngọc Hiếu cho rằng: “Cách làm tốt nhất là tập trung vào những dự án chiến lược, đạt được mục tiêu tổng hợp thúc đẩy hệ sinh thái dịch vụ đô thị, rồi cần thêm đất tới đâu thì lấy tới đó. Việc bê tông hóa và tôn nền diện rộng sẽ làm giảm khả năng chống chịu và tăng rủi ro thiên nhiên”.
Do đó, TS Hiếu cho rằng cần giữ lại nguồn lực để tạo giá trị gia tăng lâu dài và bảo vệ hạ tầng xanh gắn với năng lực chống chịu biến đổi khí hậu mới là cách phát triển bền vững.
Ở góc độ liên kết quận, huyện, ông Trần Hữu Phúc Tiến, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và TP.HCM, cho rằng: “Huyện Bình Chánh có thể phối hợp với quận Bình Tân hình thành các khu kỹ thuật y tế cao phục vụ cho dân cư phía tây nam TP.HCM. Từ đó, góp phần giải quyết tình trạng quá tải của các cơ sở y tế trong trung tâm TP.•
Thuận lợi khi xây dựng các dự án nhà mới ở Bình Chánh Dựa vào quy hoạch của TP và định hướng phát triển của huyện Bình Chánh, TS-KTS Trần Quốc Ngọc, Sở QH-KT TP.HCM, cho rằng: Huyện Bình Chánh là một trong năm huyện ngoại thành có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị. Trong bối cảnh người dân ở tỉnh lẻ đến TP.HCM sinh sống, học tập và làm việc ngày càng đông, phần lớn họ còn gặp khó khăn nhất định về tài chính. Trong khi đó, giá trị căn hộ cho người thu nhập thấp cao gấp 40 lần tiết kiệm hằng năm của người có thu nhập trung bình khiến người lao động có thu nhập thấp mua nhà là điều vô cùng khó khăn. “Vì vậy, các vùng ven đô - khu vực như huyện Bình Chánh là khu vực thuận lợi để xây dựng phát triển các dự án nhà ở mới, nhà ở xã hội cho người nhập cư, người lao động tại các khu công nghiệp do còn nhiều quỹ đất trống hoặc các không gian đô thị chưa sử dụng” - TS Ngọc nêu quan điểm. |