Như chúng tôi đã thông tin trong bài trước, xuất phát điểm của thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG là từ văn bản ngày 15-10-2014 của ông Phạm Nhật Vũ gửi lãnh đạo Bộ TT&TT lúc đó.
Từ văn bản của AVG đến việc thêm ngành nghề cho MobiFone
Văn bản ấy đề cập đến việc có đối tác nước ngoài muốn mua từ 49% đến 75% cổ phần của AVG theo hai giai đoạn. Theo văn bản của ông Phạm Nhật Vũ, đối tác nước ngoài đã đặt cọc 10 triệu USD và mua giá cao gấp bảy lần. Tính ra, AVG theo giá mà “đối tác nước ngoài” muốn mua sẽ vào khoảng 700 triệu USD.
Theo Thanh tra Chính phủ, Sau khi nhận được văn bản của ông Vũ, bộ trưởng Bộ TT&TT lúc đó đã bút phê chuyển văn bản cho lãnh đạo Bộ, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH-TTĐT), Cục Viễn thông. Theo đó, bộ trưởng đã giao cho Cục PTTH-TTĐT tổng hợp ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư năm 2012 về vấn đề cấp phép đầu tư hạ tầng cho AVG.
Sau đó một tháng, Cục PTTH-TTĐT đã có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ TT&TT khẳng định: Thủ tướng đã chỉ đạo cho phép thí điểm AVG hợp tác với Đài PTHH Bình Dương xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng, cho phép AVG được thử nghiệm dịch vụ truyền hình qua vệ tinh; không có ý kiến chỉ đạo nào của Thường trực Ban Bí thư.
Mấy ngày sau, lãnh đạo bộ này đã gửi công văn sang Bộ Công an đề nghị cho ý kiến việc AVG bán cổ phần cho “đối tác nước ngoài” về các vấn đề liên quan đến góc độ an ninh để có căn cứ xem xét hướng dẫn Công ty AVG chuyển nhượng cổ phần đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật.
Trong khi chờ đợi Bộ Công an trả lời thì ngày 1-12-2014, Tổng Công ty MobiFone ra đời và được Bộ TT&TT quyết định thêm cho ngành nghề “kinh doanh truyền hình”. Như vậy, MobiFone được bổ sung ngành nghề “kinh doanh truyền hình” sau khi AVG gửi văn bản hỏi ý kiến Bộ TT&TT về việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.
“Triển khai đúng tiến độ về thời gian” Theo Cổng TTĐT của Bộ TT&TT, ngày 25-12-2015, tại lễ kỷ niệm một năm thành lập và hội nghị tổng kết năm của Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, bộ trưởng Bộ TT&TT đã chỉ đạo. “Đặc biệt, đối với dự án đầu tư dịch vụ truyền hình, MobiFone cần chủ động triển khai theo đúng tiến độ về thời gian, tận dụng các ưu thế và lợi ích của dự án, nghiên cứu để có các dịch vụ tích hợp giữa viễn thông - truyền hình nhằm thúc đẩy sự phát triển giữa hai lĩnh vực kinh doanh viễn thông và truyền hình, tạo ra sự khác biệt với các doanh nghiệp khác trên thị trường”. |
Đã từng có nhiều ý kiến khác
Sau khi Bộ TT&TT đồng ý để MobiFone đàm phán mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số (tháng 2-2015), theo đề nghị của MobiFone thì cuối tháng 3-2015, MobiFone và AVG đã ký biên bản ghi nhớ về việc MobiFone sẽ mua cổ phần của AVG.
Và kể từ đây, quá trình thuê tư vấn thẩm định giá AVG, đàm phán… giữa AVG với MobiFone bắt đầu, cuối cùng là lãnh đạo Bộ TT&TT đã phê duyệt dự án.
Ngày 2-10-2015, đích thân Bộ TT&TT đã chủ trì buổi làm việc giữa MobiFone, Công ty AVG, các cổ đông AVG và thống nhất giá mua 95% cổ phần AVG.
Tuy vậy, trước đó, trong quá trình thẩm định dự án đầu tư và báo cáo Chính phủ về dự án này, nhiều ý kiến trong tổ thẩm định do Bộ TT&TT lập đã nêu ra những vấn đề. Chẳng hạn chúng tôi đã đề cập đến ý kiến của Vụ trưởng Vụ Pháp chế Võ Thanh Lâm nói không cần mua 95% cổ phần AVG vì chỉ cần từ 51% đến 65% là MobiFone đã chi phối tuyệt đối.
Hoặc ý kiến một cục trưởng khác cho rằng: AVG muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài thì phải xin ý kiến UBND và Đài PTTH Bình Dương. Vì điều kiện tiên quyết để AVG được thí điểm cấp phép xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng và thử nghiệm dịch vụ truyền hình trực tiếp qua vệ tinh là AVG phải hợp tác và chịu sự quản lý nội dung chương trình của Đài PTTH Bình Dương.
Đích thân vị cục trưởng này cho rằng: Nếu AVG hợp tác kinh doanh với nhà đầu tư nước ngoài thì cần phải lập đề án và lấy ý kiến của UBND, Đài PTTH Bình Dương. Sau đó, trình Thủ tướng chấp thuận và AVG phải làm thủ tục trình sửa đổi bổ sung giấy phép đầu tư.
Tuy thế, các ý kiến trên đã không ảnh hưởng mấy đến các quyết định thực hiện thương vụ này.
Và vẫn quyết định phê duyệt
Trong một báo cáo vào cuối tháng 10-2015 gửi Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến về dự án mua AVG thì lãnh đạo Bộ TT&TT đều nhất quán ghi rõ: Dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG là “dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của MobiFone có mức đầu tư 8.900 tỉ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ”. Lãnh đạo Bộ TT&TT khi đó đã kiến nghị “Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư”.
Tuy nhiên, khi chưa có văn bản quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì lãnh đạo bộ này đã ký ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau cuộc họp tổng kết cuối năm của MobiFone ngày 25-12-2015, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo các bên, chủ tịch HĐTV MobiFone đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG và tám cổ đông AVG.
Hôm nay công bố, triển khai kết luận thanh tra Nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho hay dự kiến hôm nay (23-3), Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức buổi công bố kết luận thanh tra (KLTT) toàn diện dự án MobiFone mua 95% cổ phần Công ty AVG. Theo đó, giấy mời về buổi công bố đã được phát hành từ ngày 21-3 đến các cơ quan cụ thể gồm: Bộ TT&TT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Công an và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, người đã thay mặt tổng Thanh tra Chính phủ ký KLTT hôm 14-3, sẽ chủ trì buổi công bố. Một thành phần khác trong buổi công bố này là các công ty tư vấn do MobiFone trực tiếp mời. Trước đó, ngay sau khi được Thanh tra Chính phủ báo cáo, chiều 14-3, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, được sự phân công của Thủ tướng, đã có ý kiến đồng ý với các kiến nghị, đề xuất của Thanh tra Chính phủ được thể hiện trong KLTT. Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan kiểm điểm, xử lý trách nhiệm về những khuyết điểm, vi phạm được chỉ ra trong KLTT, đồng thời yêu cầu Thanh tra Chính phủ công khai nội dung KLTT theo quy định của pháp luật… Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm điểm, làm rõ những vấn đề mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra trong KLTT 355 ngày 14-3-2018. Đồng thời đồng ý với Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra Bộ Công an để làm rõ một số vấn đề của thương vụ mà Thanh tra Chính phủ nhận định là “vụ việc kinh tế nghiêm trọng”. Trong KLTT về vụ việc này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra dự án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần AVG để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật. |