Hiện nay quan điểm và tư duy pháp lý của thẩm phán chưa hoàn toàn đồng nhất. Luật của ta (nhất là luật dân sự) chưa theo kịp diễn biến phức tạp của đời sống, dễ dẫn đến tình trạng mỗi tòa tuyên một kiểu khi xét xử cùng một vụ án có nội dung giống nhau. Trong quá trình hành nghề, tôi đã từng gặp nhiều trường hợp cùng một vụ án mà tòa cấp trên xử khác hẳn tòa cấp dưới, chẳng hạn một vụ “Tranh chấp hợp đồng thuê khách sạn” xảy ra tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Năm 2005, ông NHB cho một doanh nghiệp tư nhân (DN) thuê một tòa nhà để kinh doanh khách sạn, có lập hợp đồng thuê tại phòng công chứng. Giá thuê ghi trong hợp đồng là 102 triệu đồng/tháng, được quy đổi tương đương 7.000 USD, thời hạn thuê là 10 năm. Trong năm năm đầu, bên thuê thanh toán rất sòng phẳng, tiền thuê dao động theo tỉ giá (mức chênh lệch do bên thuê thanh toán trong năm thứ năm so với năm đầu là khoảng 40 triệu đồng/tháng).
Đến năm thứ sáu, viện cớ kinh doanh khó khăn, bên thuê chỉ thanh toán cho ông B. tiền thuê là 102 triệu đồng mỗi tháng và giải thích là “thanh toán theo đúng thỏa thuận tại hợp đồng” . Sau đó ông B. khởi kiện ra tòa án TP Vũng Tàu yêu cầu chấm dứt hợp đồng do bên thuê vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Trong khi tòa đang giải quyết, DN trên phản tố yêu cầu ông B. phải hoàn trả số tiền mà bên thuê cho rằng đã thanh toán dư (chênh lệch giữa số tiền bên thuê đã thanh toán trong năm năm so với số tiền 102 triệu đồng/tháng, nhân với năm năm), tổng cộng lên đến hơn 1 tỉ đồng. Tòa sơ thẩm xét xử chấp nhận chấm dứt hợp đồng thuê, đồng thời bác yêu cầu phản tố vô lý của bên thuê với lý do bên thuê đã tự nguyện thanh toán tiền thuê trong một thời gian dài, lại là doanh nghiệp kinh doanh có hệ thống kế toán chặt chẽ thì không thể có chuyện “thanh toán dư” mà không biết.
Xét xử phúc thẩm, tòa cấp tỉnh lại chấp nhận yêu cầu của bên thuê, buộc ông B. phải hoàn trả số tiền “thanh toán dư”. Bản án phúc thẩm đã bị viện trưởng VKS tỉnh kháng nghị.
Chuyện vụ kiện đơn giản thế thôi nhưng nó có thể khiến ông B. mất bạc tỉ. Hiện ông B. rất hồi hộp đón chờ kết quả giải quyết giám đốc thẩm, bởi ông và gia đình có bao nhiêu của cải đã dồn hết vào việc mua đất xây dựng khách sạn. Những vụ việc tương tự trường hợp ông B. không phải ít, gây nên nhiều tình huống dở khóc dở cười. Quyền lợi của đương sự đôi khi bị thiệt hại không hề nhỏ chỉ vì sự đánh giá chứng cứ không đầy đủ, chưa có “quy tắc” hướng dẫn từng trường hợp cụ thể nên các thẩm phán ít kinh nghiệm dễ cảm tính, lúng túng khi gặp án khó và phức tạp. Không chỉ trong lĩnh vực dân sự, mà trong các lĩnh vực khác như hành chính, kinh doanh thương mại… cũng cần có án lệ. Án lệ trong hình sự cũng cần, nhất là việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ khác theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự để hạn chế áp dụng tùy tiện, hình phạt không tương xứng động cơ và hành vi phạm tội.
Hy vọng khi án lệ được áp dụng vào thực tiễn xét xử thì tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” của tòa án các cấp sẽ hoàn toàn bị xóa sổ.