Theo tờ New York Times, thợ lặn đầu tiên phát hiện đội bóng nhí còn sống vào khuya 2-7 là ông John Volanthen (người Anh). Lý do khá hy hữu, ông Volanthen đang vừa lặn vừa neo dây thừng dẫn đường bên trong hang động để tìm kiếm đội bóng thì hết chiều dài dây thừng, ông trồi lại lên mặt nước và phát hiện ra các cậu bé.
“Chúng ở đó, tất cả 13, chăm chú nhìn ông ấy qua ánh đèn trên đầu ông” -New York Times mô tả.
Nếu dây thừng ngắn hơn chỉ 5 m thôi, ông Volanthen có lẽ đã không nhìn thấy các cậu bé và quay lưng. Đội bóng nhí có thể đã phải trải qua thêm một đêm lo sợ và cầu nguyện được cứu trong màn đêm tối đen trước khi các thợ lặn mang thêm dây thừng vào tìm kiếm lần nữa.
“Về lý thì ông ấy đã hoàn tất phần lặn của mình, cắm phần đầu dây thừng vào bùn” - thợ lặn Vernon Unsworth, bạn ông Volanthen, nói ngày 3-7.
Hai thợ lặn John Volanthen (phải) và Richard Stanton trong chiến dịch cứu hộ đội bóng nhí ở hang động Tham Luang. Ảnh: AP
Đi cùng ông Volanthen trong đợt lặn này là ông Richard Stanton, một thợ lặn người Anh khác. Ngoài hai thợ lặn Stanton và Volanthen còn có một thợ lặn người Anh thứ ba cũng tham gia tìm kiếm đội bóng nhí tại hang động Tham Luang là Robert Harper.
Nhóm thợ lặn người Anh được hoan nghênh không chỉ ở Thái Lan mà cả thế giới vì năng lực tìm kiếm đội bóng bị mắc kẹt trong một trong những hang động dài nhất ở Thái Lan. Nhiệm vụ này từng được xem là bất khả thi khi hang động ngập sâu trong lũ và không hề có một bản đồ chi tiết nào về hang động.
Thợ lặn Anh trong một đợt lặn tìm kiếm đội bóng nhí Thái Lan trong hang động Tham Luang. Ảnh: BANGKOK POST
Hai ông Stanton và Volanthen là những thợ lặn thuộc hàng giỏi nhất thế giới, từng tham gia nhiều cuộc cứu hộ khó khăn và nguy hiểm nhiều nơi.
“Hai thợ lặn Stanton và Volanthen thuộc toán xung kích trong đội tìm kiếm. Họ phụ trách lặn chặng cuối, tiếp cận khu vực đội bóng nhí đang ẩn náu” - thợ lặn Bill Whitehouse, thuộc Hội đồng Lặn cứu hộ hang động Anh, cho biết.
Theo ông Whitehouse, quá trình tìm kiếm đội bóng rất khó khăn.
“Họ phải bơi ngược dòng nước, len lỏi giữa các bờ đá. Tôi tính toán khoảng cách họ phải lặn khoảng 1,5 km, một nửa chiều dài ngập nước của hang động” - ông Whitehouse nói, cho biết tổng thời gian lặn của hai người này là ba giờ.
Thợ lặn Stanton năm nay hơn 50 tuổi, thành tích lớn nhất của ông là giúp cứu hộ sáu binh sĩ Anh kẹt trong một hang động ở Mexico năm 2004.
“Họ bị giam chín ngày và chúng tôi phải dạy họ cách lặn ra ngoài. Mất khoảng chín tiếng để đưa toàn bộ họ ra” - ông Stanton nói với Coventry Telegraph năm 2012.
Hai thợ lặn người Anh John Volanthen (trái) and Richard William Stanton (phải) bàn bạc phương án cứu hộ với nhân viên người Thái trước cửa hang động Tham Luang, ngày 3-7. Ảnh: AFP
Ông Stanton và ông Volanthen từng tham gia tìm kiếm nhà khám phá núi đá đầy kinh nghiệm của Pháp Eric Establie bị kẹt trong một hang động vùng Ardeche (miền Nam Pháp). Thi thể ông Establie được tìm thấy tám ngày sau khi ông mất tích.
“Tất cả chiến dịch cứu hộ hang động đều rất ấn tượng nhưng thách thức lớn nhất là chiến dịch ở Pháp” - ông Stanton từng nói trong một cuộc phỏng vấn.
“Bản thân tôi và một thợ lặn nữa đã ở đó 10 ngày, và đó là thời gian cực kỳ căng thẳng. Đó là một chiến dịch lặn rất nguy hiểm, trong một hang động rất nguy hiểm” - ông Stanton nhớ lại.
Dù thế, ông Stanton khẳng định lặn vẫn là một sở thích mà ông bắt đầu từ năm 18 tuổi, sau khi xem một bộ phim tài liệu về thể thao trên truyền hình. Ông Stanton từng được nhận Huân chương Danh dự từ nữ hoàng Elizabeth II cho công việc lặn cứu hộ của mình.
Thợ lặn Volanthen hơn 40 tuổi. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Sunday Times năm 2013, ông cho biết lặn trong hang động đòi hỏi phải có một cái đầu lạnh, rằng sợ hãi có thể xảy ra trong tình huống nào đó nhưng không được trong tình huống đang lặn trong hang động.
Không chỉ về năng lực, các thợ lặn Anh cũng được đánh giá cao về thái độ chuyên nghiệp trong công việc. Từ khi đến Thái Lan, đội thợ lặn Anh thường xuyên né tránh sự tiếp cận của truyền thông. Ông Volanthen nói với các nhà báo khi đến hang động Tham Luang: “Chúng tôi có việc phải làm”.