Trao đổi với AP ngày 3-7, ông Omar Reygadas, một trong 33 thợ mỏ từng bị mắc kẹt 69 ngày trong tai nạn sập hầm mỏ ở Chile năm 2010 và trải qua cuộc giải cứu lịch sử được cả thế giới theo dõi, cho biết ông tin tưởng cuộc giải cứu đội bóng nhí Thái Lan sẽ thành công.
“Tội nghiệp các cậu bé còn quá nhỏ nhưng tôi tin chúng rất mạnh mẽ, đủ để vượt qua mọi chuyện đến khi được cứu ra ngoài”.
Ông Omar Reygadas từng bị mắc kẹt 69 ngày trong tai nạn sập hầm mỏ ở Chile năm 2010. Ảnh: AP
“Chúng không cần thấy xấu hổ vì sợ. Vì chúng tôi cũng từng rất sợ. Chúng tôi cũng từng khóc. Thậm chí chúng tôi đã khóc dù chúng tôi là người lớn” - ông Raygadas kể lại.
Theo ông, 12 cậu bé và HLV cần khích lệ tinh thần nhau chờ đến lúc được giải cứu, vai trò của người HLV rất quan trọng. Tốt nhất lúc này là bọn trẻ “chỉ nên nghĩ về việc được giải cứu và được gặp lại cha mẹ”.
Hầm mỏ San Jose bị sập ngày 5-8-2010. Ảnh: REUTERS
Ông Reygadas và 32 thợ mỏ khác bị mắc kẹt gần 700 m bên dưới sa mạc Atacama ở Chile khi hầm mỏ khai thác vàng và đồng San Jose ở Bắc Chile đổ sập ngày 5-8-2010.
17 ngày sau tai nạn, lực lượng cứu hộ mới xác định được 33 thợ mỏ còn sống sau khi nhận được mẩu giấy nhắn của họ gắn vào que thăm dò từ mặt đất gửi xuống.
Hình ảnh mình còn sống dưới hầm được các thợ mỏ gửi qua một đường khoan lên bên trên mặt đất vào ngày 21 sau tai nạn. Ảnh: TELEGRAPH
25 ngày sau tai nạn, công tác giải cứu bắt đầu. Cuộc giải cứu lịch sử kéo dài trong hơn hai tháng.
Đường hầm giải cứu bắt đầu được đào từ ngày 25 sau khi tai nạn xảy ra. Ảnh: PBS
Lực lượng cứu hộ đào đường hầm và đưa lồng cứu hộ xuống nơi các thợ mỏ bị mắc kẹt để đưa họ lên.
Lồng cứu hộ đang được thử nghiệm. Ảnh: REUTERS
67 ngày sau tai nạn sụp hầm, từng thợ mỏ được đưa lên.
Ông Florencio Ávalos, thợ mỏ đầu tiên được cứu lên mặt đất, được Tổng thống Chile Sebastian Pinera ôm siết chào mừng. Ảnh: REX
Thợ mỏ đầu tiên được đưa lên mặt đất bằng lồng cứu hộ này. Ông Reygadas được cứu lên mặt đất vào ngày thứ 69 sau tai nạn.