Sáng 23-12, tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đã diễn ra buổi giới thiệu sách Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri.
Cuốn sách ra đời nhân dịp 100 năm ngày sinh nhà văn Bùi Hiển, do các thế hệ con cháu của ông biên soạn, xem đó như là món quà, cũng là lời cám ơn gửi đến người cha, người ông của mình.
Một người chồng, người cha, người ông đôn hậu
Trong ký ức của chị Bùi Cẩm Hà, cháu nội của nhà văn Bùi Hiển thì ông là một người rất tinh tế, chịu khó học hỏi không chỉ trong học thuật, dịch thuật hay ngoại ngữ mà còn trong cả những ứng xử hằng ngày.
Chị kể lại đó là lần ông đi nước ngoài, gặp gỡ rất nhiều văn nghệ sĩ người nước ngoài, đặc biệt là nữ giới. Ông có mời một cô nhà văn người Pháp đi dạo bên ngoài, thấy trời lạnh thì ông mới ngỏ lời với nữ nhà văn là cùng đi trở vào bên trong phòng. Nhưng khi vào phòng, ông thấy những người đàn ông Tây phương cởi áo khoác bên ngoài ra để mặc cho những người bạn nữ, ông cũng học hỏi và làm theo. Lần khác, khi sang Tây phương thấy đàn ông có ý thức giúp đỡ phụ nữ rất tốt, họ sẵn sàng xách đồ cho phụ nữ. Về nước, ông thấy điều đó hay nên cũng áp dụng.
Trong cảm nhận của chị, ông còn là một người ấm áp, luôn là người đắp xây nên những giá trị tinh thần cho gia đình và lưu giữ nó. Sau này, khi xem lại những kỷ vật của ông, chị mới vỡ òa ra rằng ông ghi lại cả ngày giờ chị sinh ra đời, từng giai đoạn chị lớn lên, những hành động, suy nghĩ và thói quen nhỏ của chị cũng được ông ghi chép cẩn thận. Bài báo đầu tiên của chị được đăng trên báo Hà Nội Mới vào năm 14 tuổi cũng được ông ghi chép lại. Không chỉ riêng chị, ông cũng làm điều tương tự với cả những người con, người cháu khác trong nhà. Những điều ông làm chỉ âm thầm và đơn giản vậy thôi nhưng vô tình lại là sợi dây kết nối, lưu giữ tình cảm gia đình êm ấm với nhau.
Nhà văn Bùi Hiển lúc sinh thời cùng con cháu trong gia đình. Ảnh: Tư liệu
Cuốn sách công bố nhật ký và thư từ cá nhân của nhà văn Bùi Hiển. Ảnh: TT
Hành trình văn chương an hòa
Nói về nhà văn Bùi Hiển, PGS-TS Võ Văn Nhơn nhắc đến truyện Ánh mắt, phản ảnh con người một cách chân thực trong chiến tranh. Tiếp theo là truyện Cái bóng cọc, kể về một người ở khu tập thể, dậy sớm tập thể dục và ấn tượng ở khả năng đứng yên như cái cọc. Nhưng rồi một hôm nhân vật chính phát hiện ra ông này đứng yên như vậy cạnh vòi nước ai đó quên tắt và nước cứ thế chảy lãng phí...
PGS-TS Võ Văn Nhơn chia sẻ điều ông tâm đắc nhất ở nhà văn Bùi Hiển chính là vấn đề về con người. Nhà văn Bùi Hiển luôn có quan điểm sáng tác là xem mỗi con người luôn có hai mặt tốt, xấu. Dựng một nhân vật cần có cả hai mặt tốt, xấu và cuộc đấu tranh của hai mặt ấy.
PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân đặt vấn đề rằng gia đình và giới nghiên cứu cần có sự bắt tay để làm toàn tập về nhà văn Bùi Hiển. Bà nói: “Có lẽ khoa Văn của chúng tôi cũng sẽ có các công trình, đề tài nghiên cứu về Bùi Hiển trong thời gian tới”. |
TS Nhơn cũng cho biết ông cảm nhận rõ Bùi Hiển là một người con hiếu thảo, một người chồng, người cha đôn hậu và là một nhà văn kiên trì với quan điểm nghệ thuật của mình.
PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân cho biết khi chạm được vào cuốn nhật ký và những trang thư mà gia đình công bố trong cuốn sách, bà cảm thấy có một thế giới rất khác. “Một thế giới riêng tây của nhà văn mà gia đình còn giữ được thật quý giá. Tôi thấy mình phải bước nhẹ, rón rén vào tập nhật ký này của ông” - bà Xuân nói.
Từ tập sách, bà cũng đã tự tìm dấu ấn Bùi Hiển trong chính bản thân bà. Đó là “nụ cười nhẹ” trong văn chương Bùi Hiển. Bà lý giải nụ cười đó bắt nguồn từ những tiếng cười to, vang, rộng mở của những người dân chài quê ông.
“Nụ cười nhẹ của Bùi Hiển là nụ cười của một trí thức viết văn và những nụ cười đó làm nên cốt cách của ông. Tiếng cười nhẹ của ông hòa trong tiếng cười to của dân chài” - bà cảm nhận.
TS Xuân cũng cho rằng nhà văn Bùi Hiển là người sống, viết trong tự tại và niềm hạnh phúc. Ông cực kỳ nhạy bén trong việc nắm bắt những chi tiết của đời sống theo một cách rất tự nhiên, gắn với thế giới con người.
Nữ tiến sĩ cũng cảm nhận rằng hành trình văn chương của nhà văn Bùi Hiển rất an hòa. Ông có cốt cách văn chương khiêm nhường và có đời văn suôn sẻ, liền mạch, không gián đoạn. Ông chứng kiến nhiều biến động của lịch sử văn học hiện đại nước nhà và bình thản vượt qua.
Lan tỏa giá trị truyền thống cốt lõi Chị Bùi Cẩm Hà chia sẻ ban đầu gia đình chỉ có ý tưởng làm sách và lưu hành nội bộ trong gia đình để con cháu đời sau có thể biết được về giá trị truyền thống cốt lõi mà gia đình đã xây dựng. “Nhưng quả thật là sau khi tiếp cận với các thư từ của ông, chúng tôi nhận thấy những tài liệu này nên được công bố ra cho công chúng vì những giá trị cả về mặt tư liệu và tinh thần. Nó không chỉ phù hợp với gia đình nhỏ của nhà văn Bùi Hiển mà nên được lan tỏa tới những gia đình nhỏ khác trong cộng đồng, xã hội nước ta. Nhất là trong thời buổi mà với sự lan truyền của mạng xã hội, mọi người đang đánh giá cao những gì gọi là giật gân, là mì ăn liền, cái gì đó rất bóng bẩy thì gia đình nhận thấy mình nên chia sẻ những điều này với mọi người, thế hệ mai sau về tinh thần của nhà văn Bùi Hiển nên quyết định in thành sách, phát hành ngoài thị trường” - chị Hà cho biết thêm. |