Ông Chu Vĩnh Khang dự đại hội Đảng tháng 10-2007 ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters |
Theo báo Tài Tân, không chỉ riêng gia đình của em út Chu Nguyên Thanh, nhiều thành viên trong gia đình của người em thứ hai là Chu Nguyên Hưng (qua đời tháng 2-2014 do bị ung thư xương) cũng đang điêu đứng vì bị điều tra. Cơ quan điều tra đã hai lần ra lệnh xét nhà ông Chu Nguyên Hưng và phát hiện nhiều thùng rượu quý và vàng thỏi.
Một ngày sau khi đăng tải thông tin trên, Tài Tân đã gỡ bài viết xuống và thay vào đó là phiên bản tiếng Anh có cùng nội dung nhưng lời lẽ ít mang tính chỉ trích hơn.
Dựa hơi anh cả
Nếu ai đó muốn tìm việc làm hoặc một công ty nào đó gặp vấn đề, người ta sẽ tìm đến các cháu của Chu Vĩnh Khang để nhờ giúp đỡ” Tài Tân dẫn lời một dân làng |
Tài Tân cho biết gia đình hai người em trai của vị nguyên ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc phất lên như diều gặp gió nhờ vào ảnh hưởng của người anh cả quyền lực. Theo lời kể của nhiều người dân sống tại Vô Tích (tỉnh Giang Tô) - quê hương của Chu Vĩnh Khang, ảnh hưởng của gia đình nhà họ Chu lớn đến nỗi các quan chức địa phương đã phải quỵ lụy để mong được chiếu cố.
Không chỉ “giúp đỡ” việc thăng quan tiến chức, con cháu của ông Chu Nguyên Hưng còn thầu cả việc chạy án và chạy trường. Tài Tân dẫn lời nguồn tin thân cận với gia đình họ Chu cho biết một quan chức đã chi 150.000 nhân dân tệ (khoảng 24.500 USD) để thắng kiện và giúp các sinh viên thi rớt có một chân trong trường cảnh sát ở Giang Tô.
“Chu Nguyên Hưng phất lên quá nhanh. Khi anh cả của ông này làm việc tại Công ty dầu khí CNPC, họ trở nên giàu có. Ông ấy hút toàn thuốc lá đắt tiền và uống toàn loại rượu hảo hạng” - báo Tài Tân dẫn lời một người dân ở Vô Tích cho biết gia đình Chu Nguyên Hưng còn điều hành một đại lý rượu Ngũ Lương Nghiệp, đặc sản tại tỉnh Tứ Xuyên.
Tài Tân cho biết cảnh sát đã hai lần lục soát nhà của ông Chu Nguyên Hưng hồi tháng 12-2013 và tịch thu nhiều tài sản có giá trị. Những người chứng kiến cho biết trong số đó có nhiều loại rượu đắt tiền và cả vàng thỏi. Ông Chu Nguyên Hưng bị cáo buộc “sở hữu một lượng lớn tài sản không nguồn gốc”.
Trước đó, người em út Chu Nguyên Thanh và vợ là Chu Linh Anh cũng bị bắt vì cáo buộc tham nhũng. Theo báo Tân Kinh, khi còn là giám đốc phòng tài nguyên - đất đai quận Huệ Sơn, thành phố Vô Tích, ông Chu Nguyên Thanh và vợ có mối quan hệ mập mờ với cấp dưới quyền của CNPC. Bà Chu Linh Anh là đối tác của Tập đoàn năng lượng Côn Lôn (do CNPC điều hành).
Nhờ thế lực của gia đình, bà Chu không ngừng thao túng ngành khí thiên nhiên hóa lỏng. Ngoài ra, bà Chu còn là một nhà đầu tư chính trong một đại lý trị giá nhiều triệu USD của Hãng ôtô Audi và thành công của bà này “có rất nhiều mối liên hệ” với Chu Bân - con trai ông Chu Vĩnh Khang. Nhiều nguồn tin cho rằng ông Chu Bân cũng bị bắt giữ vì liên quan đến nhiều dự án đáng ngờ của CNPC.
Nhổ răng hổ
Chỉ trong vòng hai năm kể từ khi ông Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu, không chỉ những thành viên trong gia tộc họ Chu mà hàng loạt người thân tín của ông này cũng lần lượt sa lưới. Một dàn lãnh đạo cấp cao trong CNPC, trong đó có ông Tưởng Khiết Mẫn - cựu chủ tịch Ủy ban quản lý và giám sát tài sản công kiêm chủ tịch CNPC, Lý Hoa Lâm - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Côn Lôn kiêm phó tổng giám đốc của CNPC. Kế đến là một loạt quan chức cấp dưới của Chu Vĩnh Khang khi ông này làm bí thư tỉnh từ năm 1999-2002. Trong số đó gồm phó chủ tịch tỉnh Hải Nam Ký Văn Lâm, phó chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường.
Bên cạnh đó, nhiều nhân sự cấp cao trong ngành an ninh có liên hệ mật thiết với ông Chu như thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh cũng bị điều tra. Mới đây nhất là cục trưởng Cục an ninh quốc gia thành phố Bắc Kinh Lương Khắc. Ông Lương bị điều tra hồi tháng 1-2014. Chính quyền Bắc Kinh không nói rõ lý do vì sao cách chức ông Lương. Tuy nhiên, nguồn tin của tờ New York Times cho biết Lương Khắc đã bí mật thông tin cho Chu Vĩnh Khang về mạng lưới gián điệp trong cục an ninh, các cuộc do thám điện thoại và về người nắm giữ thông tin tuyệt mật nhằm giúp đỡ Chu Vĩnh Khang.
Hôm 2-3, người phát ngôn Hội nghị Chính trị hiệp thương Trung Quốc Lã Tân Hoa không phủ nhận thông tin về việc ông Chu Vĩnh Khang bị điều tra mà chỉ tìm cách nói tránh đi. Đây được xem như một động thái “bật đèn xanh” cho truyền thông Trung Quốc. Ngay sau đó một ngày, báo Tân Kinh đưa thông tin vợ chồng ông Chu Nguyên Thanh bị điều tra. Thời Báo Hoàn Cầu và các tờ báo lớn khác của Trung Quốc đã dẫn lại nguồn tin này. Giới phân tích dự đoán chẳng bao lâu nữa “con hổ lớn” Chu Vĩnh Khang sẽ sa lưới sau khi bị nhổ hết răng.
Trừng phạt không thương xót quan chức tham nhũng Chính quyền Trung Quốc sẽ xây dựng một hệ thống chống tham nhũng và trừng phạt “không thương xót” các quan chức vi phạm, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết trong báo cáo khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hôm 5-3. Theo ông Lý, Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp chống tham nhũng và quyết đưa các quan chức vi phạm luật pháp và kỷ luật ra trước công lý. Giới quan sát dự đoán rất có thể số phận của ông Chu Vĩnh Khang sẽ được định đoạt sau khi cuộc họp Quốc hội Trung Quốc kết thúc. Các đại biểu quốc hội khá kín miệng về thông tin ông Chu bị điều tra. “Chu Vĩnh Khang là một lãnh đạo quốc gia, nếu phạm sai lầm ông ấy phải bị điều tra. Nếu ông ấy vi phạm pháp luật, chúng tôi sẽ dùng hệ thống pháp lý để giải quyết” - đại biểu tỉnh Cát Lâm trả lời Reuters khi được hỏi về trường hợp Chu Vĩnh Khang. Trong khi đó một số đại biểu khác không trả lời hoặc lảng tránh câu hỏi có liên quan đến quan chức cấp cao này. |
Một thời thét ra lửa
Trước khi về hưu, Chu Vĩnh Khang là người nắm giữ các chức vụ trọng yếu nhất trong ban lãnh đạo Trung Quốc. Chu đảm nhận chức vụ bí thư Ủy ban chính pháp trung ương - cơ quan giám sát cơ quan tư pháp, công an và các cơ quan an ninh quốc gia - và có chân trong Ban thường vụ Bộ Chính trị. Trong năm năm nắm quyền (từ 2007-2012), quyền lực của Chu phủ bóng mọi lĩnh vực.
Do an ninh và ổn định đóng vai trò trọng yếu trong chính sách của Bắc Kinh, quyền lực của bí thư Ủy ban chính pháp trung ương thời Chu Vĩnh Khang cao hơn bất kỳ ủy viên thường vụ Bộ Chính trị nào. Giới truyền thông Trung Quốc miêu tả ông Chu là nhân vật “dưới một người, trên vạn người”. Sau khi Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu, người kế nhiệm là Mạnh Kiến Trụ không có chân trong ban thường vụ Bộ Chính trị. Theo giới quan sát, động thái trên nhằm giảm bớt quyền lực của người giữ chức vụ này.
Theo Đông Phương (TTO)