Trong ký ức của tuổi thơ mình, tôi vẫn nhớ như in những cái Tết thời còn nghèo khó thời “bao cấp”. Cứ mỗi khi cận Tết Nguyên đán, thường là sáng 29 hay 30 Tết, xóm tôi có "phong tục" mổ heo để chia (bán giá rẻ, gọi là "cây nhà lá vườn") để cho bà con trong xóm nghèo như gia đình tôi có chút thịt mang về nhà ăn Tết.
Tôi nhớ, hồi đó nhà chú thím hai Hơn gần sát nhà tôi được coi là một trong những gia đình khá giả, giàu nhất nhì trong "xóm nghèo". Cứ chừng 7h sáng 30 Tết là chú hai Hơn bắt đầu mổ, làm thịt heo. Mỗi khi nghe tiếng heo kêu "eng éc" là lũ trẻ con trong xóm nghèo biết nhà chú thím Hai bắt đầu mổ heo nên mấy đứa lật đật chạy qua đứng túm tụm xem chú thím, người lớn mổ, làm thịt heo.
|
Con heo chú mổ, làm thịt để "chia", bán rẻ cho bà con nghèo trong xóm nặng lên đến cả tạ. Để nuôi heo lên đến cả tạ rồi xẻ thịt vào dịp Tết Nguyên đán tôi nghe chú thím nói phải nuôi và "thúc" mấy tháng liền. Vì thịt heo nuôi nhà, nên chú thím chỉ cho ăn cám gạo, mắm heo, rau chuối, rau lang... vì thế mà thịt rất thơm ngon, nhiều nạc và ít mỡ, bà con trong xóm ai cũng thích.
Khi thịt heo mổ xong, thường thì chú thím phân loại và đặt vào trong cái nong phơi lúa thiệt to để bà con trong xóm dễ dàng lựa chọn, mua thịt. Chú thím vừa bán vừa cho vì "bà con mình trong xóm đều còn nghèo khó, ai cũng đông con, san sẻ với bà con miếng thịt heo để ai cũng có được cái Tết đủ đầy, nhà nào cũng có miếng thịt heo cho con trẻ có cái ăn trong ba ngày Tết là chú thím vui rồi". Có khi bà con trong xóm chưa có tiền trả khi lấy thịt, chú bảo "cứ mang thịt heo về nhà, còn tiền thì tính sau cũng được, không sao hết...".
Tôi hay lẽo đẽo đi theo má qua nhà chú thím để xem chia thịt heo. Biết nhà tôi nghèo nhất nhì trong xóm, ba má tôi làm nông lại đông con nên có khi chú thím vừa bán vừa cho rồi bào má tôi cứ mang thịt, mang lòng heo về xào cúng rồi cho mấy đứa nhỏ ăn, qua Tết lúc nào có tiền mang trả cho chú thím cũng được.
Thường thì những ký thịt heo, xương heo và một ít lòng heo (gan, phổi, phèo, bao tử...) má mang về nhà rồi phân loại và chia ra để làm những món ăn mà anh em tôi rất thích được thưởng thức trong những ngày Tết. Ngoài món thịt heo ngâm nước mắm, món thịt heo hon (hay còn gọi là xá xíu), canh khổ qua nhồi thịt, anh em tôi còn rất thích món lòng heo xào nghệ vàng um chiều 30 Tết trong mâm cúng rước ông bà, tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu của má.
Để làm món lòng heo xào nghệ má thường rửa lòng rất kỹ qua nhiều nước và để thật ráo sau đó mới thái nhỏ để bắt đầu làm món lòng heo xào nghệ mà mấy anh em tôi rất thích. Khi chảo nóng má cho một ít mở heo (thời đó thường dùng mở heo là phổ biến để chiên xào lòng chứ không phải dùng dầu như bây giờ) vào và không quên khử một ít hành tím cho thơm. Khi mùi hành phi bốc mùi thơm ngào ngạt trong gian bếp má mới bắt đầu bỏ mớ lòng vào rồi liên tục dùng đũa đảo qua đảo lại thật đều tay. Lòng heo trong chảo đã săn lại má mới bắt đầu cho chén nghệ tươi vàng ươm và chén hẹ thơm lựng vào nồi rồi nêm nếp vừa miệng.
Thú thật, ngồi trong gian bếp ngày 30 Tết trong cái se lạnh kèm theo những cơn mưa phùn lất phất ngày cuối cùng của năm cũ chuẩn bị đón giao thừa, chào đón năm mới, mùi thơm ngào ngạt của món lòng xào nghệ cứ xộc vào mũi làm cho tôi thèm thuồng đến nhỏ dãi và mong muốn nhanh được sớm thưởng thức...
Theo thời gian, cuộc sống ở xóm nghèo quê tôi giờ đây cũng đã khấm khá với những cái Tết Nguyên đán đủ đầy hơn xưa rất nhiều. Những mái nhà được xây dựng khang trang, sạch đẹp hơn mỗi khi Tết đến xuân về. Bọn trẻ con bây giờ không thiếu thứ gì mỗi khi Tết đến. Gia đình tôi cũng thế, cuộc sống đã khấm khá, đủ đầy hơn xưa. Có lẽ vì thế mà "Tập tục" mổ heo để chia sẽ cùng bà con nghèo trong xóm vào sáng ngày 30 nhiều năm qua cũng không còn duy trì nữa.
Anh em tôi đi làm ăn xa, mỗi năm dịp Tết Nguyên đán thường tranh thủ về thăm nhà, thăm má, để sum họp bên cạnh gia đình trong ba ngày Tết rồi nhắc lại những cái Tết thời nghèo khó. Má biết mấy anh em tôi thích ăn món lòng heo xào nghệ nên năm nào má cũng tranh thủ làm món lòng xào nghệ ngày 30 Tết, trước hết là để dâng cúng ông bà tổ tiên, sau nữa là để anh em, con cháu tề tựu về nhà thưởng thức món lòng xào nghệ má làm.
Chú hai cũng đã qua đời cách đây nhiều năm trước vì tuổi già sức yếu. Còn thím hiện nay cũng đã khá lớn tuổi. Thế nhưng đối với bà con "xóm nghèo" cũng như đối với gia đình tôi sẽ không bao giờ quên tấm lòng, cái tình người thật đẹp của chú thím đối với bà con trong những cái Tết thời "bao cấp" còn nhiều thiếu thốn, nghèo khó mỗi sáng 30 Tết qua nhà chú thím Hai để "chia thịt" heo mang về nhà.
Đó còn là những cái Tết của tình làng nghĩa xóm, là sự sẻ chia thật ấm áp và đầy ắp tình người trong những năm tháng còn nhiều khốn khó, gian khổ không bao giờ mờ phai trong ký ức của tuổi thơ tôi cũng như của bà con nơi xóm nghèo “thời bao cấp” mỗi dịp Tết đến xuân về.