Không có thống kê chính xác có bao nhiêu trẻ tự kỷ tại TP.HCM nhưng số lượng thay đổi từng ngày theo đà tăng lên. Hiện nay toàn TP.HCM có 16 trường chuyên biệt công lập có nhận trẻ tự kỷ, đáp ứng một cách hạn chế cho con em trong địa bàn TP vì họ phải nhận trẻ nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Mỗi cơ sở nhận trong quận, huyện thôi đã quá tải.
Trường chuyên biệt luôn quá tải
Bà Võ Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Khai Trí (quận Bình Thạnh), cho biết nhu cầu nhiều nhưng chỉ tiêu mỗi năm các trường chuyên biệt nhận vào rất ít. Mỗi cô giáo chỉ phụ trách 2-3 trẻ, chưa kể hầu hết các trường phải nhận trẻ có nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Hiện Trường Khai Trí nhận chủ yếu các đối tượng từ bệnh viện giới thiệu đến nhưng phải phụ thuộc vào khả năng của trường. “Mỗi năm bé phát triển tốt được đưa ra học hòa nhập bên ngoài, khi đó trường mới nhận thêm trẻ. Nếu nhận nhiều quá sẽ gây quá tải cho các cô, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục. Một số phụ huynh khó khăn về kinh tế hoặc không còn chỗ để xin cho con học phải đứng ngoài đường khóc thôi, trường cũng không biết phải làm sao” - bà Thùy chia sẻ.
Đồng thời, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM, cho biết các trường chuyên biệt công lập cũng chưa phải là môi trường phù hợp cho trẻ vì cơ sở vật chất chật hẹp, đội ngũ hạn chế, chủ yếu để hỗ trợ về tâm vận động và phát triển ngôn ngữ giao tiếp cho trẻ. Thêm nữa, học phí cho trẻ rất cao vì trang thiết bị nhiều và mỗi giáo viên chỉ hỗ trợ 2-3 trẻ.
Nhu cầu của phụ huynh gửi con tự kỷ rất nhiều, bao gồm cả những người đưa con từ các tỉnh, thành khác lên TP. “Điều này dẫn đến vấn đề trẻ tự kỷ trở nên “hot” và là mảnh đất màu mỡ nên các cơ sở tư thục, dân lập bên ngoài mọc lên. Nhiều cơ sở này “quên” vai trò phụ huynh mà chủ yếu chú trọng đến đứa trẻ. Như vậy cũng không tốt đến sự phát triển của trẻ” - ông Tâm nói.
Các phụ huynh trao đổi về cách dạy con trong lúc chờ con tan học trước cổng Trường chuyên biệt Gia Định. Ảnh: T.MẬN
Phải ngồi lại cùng nhau
Mặt khác, vấn đề quản lý hiện nay cũng đang bị bỏ ngỏ. “Việc cấp phép chủ yếu do Phòng Giáo dục, phòng lại thiếu chuyên môn và đội ngũ nên chủ yếu chỉ quản lý về mặt hành chính. Khi tư nhân mở cơ sở, Phòng Giáo dục không biết phải làm sao, không cấp cũng khó, cấp thì không quản lý được. Điều này dẫn đến nhiều nguy cơ thiệt thòi cho trẻ nếu các địa phương cũng thiếu trách nhiệm giám sát chặt” - bà Thùy cho biết.
Trước thực trạng này, theo ông Nguyễn Thanh Tâm, vấn đề quan trọng nhất là cần phải có một trung tâm chuyên biệt cho trẻ tự kỷ. Ở đó sẽ có sự kết hợp giữa ngành y, giáo dục và tâm lý để phối hợp trị liệu tốt cho trẻ. Đồng thời, vấn đề nâng cao nhận thức cho phụ huynh, cộng đồng xã hội về vấn đề này cần phải đặt lên hàng đầu, từ nhìn nhận đến phương pháp hỗ trợ. “Về quản lý, với đối tượng này chủ yếu là các ngành phải ngồi lại và phối hợp với nhau cùng làm, từ y tế, giáo dục, tâm lý… Có như thế mới hỗ trợ tốt nhất cho trẻ trong quá trình hòa nhập” - ông Tâm nói.
Theo quy định, cái gì liên quan đến giáo dục thì giao cho ngành giáo dục quản lý nhưng “với những trẻ tự kỷ hoặc các dạng khuyết tật khác lại thuộc dạng giáo dục đặc biệt, trong đó có trị liệu và chăm sóc lại thuộc y tế. Ngành giáo dục sẽ quản lý không sâu về chuyên môn đặc biệt, y tế quản lý cũng rất khó đảm bảo. Cơ sở pháp nhân để các cơ sở hoạt động thì có nhưng quản lý chuyên môn dường như đang bỏ ngỏ vì không biết y tế hay giáo dục quản lý. Tốt nhất là các ngành phải ngồi lại với nhau để phối hợp về chuyên môn, hỗ trợ qua lại trong công tác quản lý thì mới hiệu quả. Hơn nữa, phụ huynh phải hợp tác cùng giáo viên để hỗ trợ trẻ, theo dõi trẻ phát triển như thế nào, xem trẻ có thích đến trường hay không thì mới giúp trẻ tiến bộ và hòa nhập tốt” - bà Thùy nói.
Khi thực hiện loạt bài này, phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã cố gắng liên hệ với Sở GD&ĐT TP.HCM để xin ý kiến, tuy nhiên đại diện của Sở cho biết do vừa xảy ra sự việc của Trường Anh Vương, tuy không liên quan gì đến Sở nhưng thời gian này Sở không trả lời báo chí bất kỳ thông tin gì liên quan đến trẻ tự kỷ(?).
PHẠM ANH
Cha mẹ là người trị liệu gần gũi nhất Để điều trị tốt hội chứng tự kỷ, việc quan trọng là cần một chẩn đoán đúng thì mới có thể đưa ra hướng trị liệu phù hợp. Các chẩn đoán hội chứng tự kỷ (HCTK) có tính pháp lý ở nước ta phải do các bác sĩ ở các phòng khám tâm lý của bệnh viện (BV) Nhi, BV Tâm thần hay khoa Thần kinh của BV đa khoa thực hiện. Các bậc cha mẹ có nghi ngờ con mình mắc HCTK cần cân nhắc khi đưa con đi khám ban đầu. Tại TP.HCM, khoa Tâm lý của BV Nhi đồng I và II, Phòng Khám trẻ em của BV Tâm thần được các phụ huynh tín nhiệm. Tuy nhiên, hiện các cơ sở này luôn ở mức quá tải do phải tiếp nhận cả bệnh nhân đến từ các tỉnh phía Nam. Không ít phụ huynh do ngại chờ đợi hoặc quá nôn nóng đã tìm đến các cơ sở kém chuyên môn hơn. Theo phụ huynh bé M. ngụ đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TP.HCM, để hẹn được lịch trị liệu với bác sĩ, chị đã phải chờ hơn một tháng và chị vẫn thấy may mắn hơn nhiều người. Việc quá tải ở các cơ sở uy tín dẫn đến các cơ sở trị liệu tư thục thành lập ồ ạt để đáp ứng nhu cầu. Một thực tế nữa là hiện đội ngũ các nhà trị liệu tự kỷ quá mỏng, tập trung ở các thành phố lớn. Hiện nghề giáo viên giáo dục đặc biệt (GDĐB) ở nước ta còn khá mới mẻ, chưa phổ biến. Thậm chí trong danh mục ngành nghề của Bộ Nội vụ nước ta còn chưa có danh mục giáo viên GDĐB. Các cơ sở đào tạo giáo viên GDĐB ở nước ta chỉ mới phát triển trong 15 năm gần đây và cũng chỉ tập trung ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tại các trường mầm non hay phổ thông, chưa có quy chế bắt buộc phải có giáo viên GDĐB để hỗ trợ trẻ tự kỷ và các trẻ khuyết tật khác. Hầu như không có giáo viên hỗ trợ trẻ tự kỷ ở trường học, như vậy cơ hội được trị liệu tốt không phải là dễ dàng tìm được cho các em. Dù chưa có thuốc chữa khỏi HCTK nhưng sự kết hợp các biện pháp tâm lý trị liệu, các dược phẩm hỗ trợ và chế độ ăn uống phù hợp được xem là những cách hiệu quả. Để thực hiện được việc trị liệu này, cần có sự phối hợp của tam giác: Bác sĩ - giáo viên - gia đình. Tuy nhiên, sự phối hợp của ba nhóm này khá khó khăn. Mắt xích hổng nhất trong tam giác này là gia đình. Gia đình cần phải hiểu được quá trình trị liệu để phối hợp tốt với bác sĩ và giáo viên vì phần lớn thời gian trẻ ở với gia đình, cha mẹ chính là người trị liệu gần gũi nhất. Thực tế không nhiều cha mẹ có đủ kiến thức nền hoặc đủ nghị lực để tìm hiểu về bệnh và tạo cho con môi trường phù hợp để trị liệu. Nhiều người không hiểu rằng việc trị liệu là một quá trình xây dựng hành vi cho trẻ mọi lúc mọi nơi. Những trẻ tự kỷ có tiến triển tốt và hòa nhập xã hội phần nhiều nhờ nỗ lực của gia đình. Nhiều bậc phụ huynh còn lập trang web để chia sẻ kinh nghiệm nuôi con tự kỷ. Chị O., một phụ huynh có con tự kỷ, còn kiên trì học tập trở thành giáo viên GDĐB để có thể hỗ trợ tốt cho con mình. Nhưng đó chỉ là số ít, còn nhiều trẻ tự kỷ bị bỏ mặc sau khi chẩn đoán vì gia đình không đủ hiểu biết, đủ kinh tế, đủ nghị lực để hỗ trợ con mình. Sau khi phát hiện con bị HCTK, tâm lý của phụ huynh thường hoang mang, một số không thừa nhận con đã bệnh, thậm chí một số phụ huynh còn đổ lỗi cho nhau, ly dị và chối bỏ trách nhiệm nuôi con. ThS Phan Thanh Hà, khoa Giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM |