Nhọc nhằn nghề chăm sóc trẻ nhiễm HIV

Cái sai của năm cô bảo mẫu đánh trẻ nhiễm HIV ở Trung tâm Linh Xuân đã quá rõ, gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, để bạn đọc có cái nhìn thấu đáo, khách quan về công việc của các bảo mẫu, chúng tôi ghi nhận lại công việc hằng ngày của những người mẹ đặc biệt này.

Hầu hết các em nhiễm HIV đều có thể trạng yếu, mắc nhiều chứng bệnh như thiểu năng trí tuệ, lao phổi, hô hấp…

Nếu không yêu thương, đã bỏ cuộc

Khoa Măng non chiều 7-4 như một tổ ong vỡ tổ bởi tiếng la hét của các em nhỏ và các cô bảo mẫu. Chưa kịp la bé VA bị thiểu năng không được nhéo bé TM bị liệt, mù thì chị Nguyễn Thị Đông Quỳnh - nhân viên bảo mẫu phải vụt chạy ra khỏi phòng để lôi bé HNT bị tăng động sắp leo lên cầu thang. Mới chỉ nói bé H. sao chưa đi ăn cơm là em đã mếu máo, nước mắt nước mũi chảy dài. Chị Quỳnh tâm sự trong tiếng nói hụt hơi vì cả ngày phải la hét quá nhiều: “Các bé có hoàn cảnh đặc biệt đều gộp ở đây hết. Như bé LA có vấn đề về tai nên mỗi lần nói chuyện phải như hét vào tai thì em mới nghe. Bé TM và CT bị mù, liệt nên phải thường xuyên thay tã, tập nạng cho bé và giúp bé nhận biết các đồ vật. Không để ý là bé T. chạy lung tung quơ đổ cơm, đổ cháo sạch trơn. Chăm sóc các em mà không la, không rầy cũng khó”.

Đến giờ ăn, không khí càng huyên náo bởi tiếng đập bàn của một số bé. Bé T. và Th. bị thiểu năng trí tuệ nên hai bảo mẫu phải kèm riêng để cho ăn. Bé TM và CT được cho ăn sau vì mắt không thấy đường. Riêng bé CT miệng mở ra không được nên phải đút cháo vào miệng bé từ từ. Chị Giang Thị Mỹ Chi, Trưởng khoa Măng non, tâm sự: “Một bà mẹ chăm sóc một trẻ bình thường ở nhà nhiều khi còn vất vả. Các bảo mẫu ở đây phải chăm đến mấy chục em không được bình thường. Mỗi ca trực chỉ có từ ba đến bốn cô mà phải quản lý đến 26 trẻ. Đâu chỉ mỗi việc cho trẻ ăn, còn phải theo dõi bệnh tình, vệ sinh, tắm rửa, xức thuốc cho các em, giặt đồ… Nếu không có tình yêu thương đối với trẻ, không ngại lây nhiễm thì các cô bảo mẫu đã sớm bỏ cuộc từ lâu”.

 
Chăm sóc trẻ tại trung tâm. Ảnh: HL

Lo nhất là bé ốm

Ngoài lịch trực một tuần gồm ba ca đêm, bốn ca ngày, mỗi khi các bé bị ốm, các bảo mẫu phải thay phiên nhau vào bệnh viện kể cả đó là đêm giao thừa. BV Lao Phạm Ngọc Thạch và BV Nhi đồng 2 không lạ gì các cô bảo mẫu ở trung tâm phải vạ vật ở ngoài hành lang để chờ đọc tên mỗi khi bệnh viện quá tải. Khi con đầu của chị Nguyễn Thị Nga được chín tuổi cũng là khoảng thời gian chị gắn bó với công việc ở trung tâm, thời gian chị gần các bé có lẽ còn nhiều hơn cả dành cho hai con của mình. Mỗi lúc các bé ốm, cả tuần liền chị không về nhà, cứ thế thay phiên với các bảo mẫu khác. Chị kể chỉ trừ những lúc con ốm nặng thì mới xin nghỉ để ở nhà chăm sóc con, còn lại là trông cậy vào ông xã. Trước đây, chị gái của chị cũng từng làm việc tại đây và bị phơi nhiễm HIV khi chăm sóc một em bé bị viêm vòm họng. “Lúc đó, đang coi tình trạng của bé thì bất ngờ bé ho, ọc cả máu vào mặt chị tôi. Sau đó bé cũng ra đi vì bệnh quá nặng. Vì không có ai chăm con nên chị đành nghỉ ở nhà chứ thực tâm chị vẫn muốn tiếp tục chăm sóc các bé” - chị nói.

Chị cho biết muốn các cháu khỏe thì phải cho các cháu ăn uống đầy đủ nhưng không phải cháu nào cũng chịu ăn nên phải nghĩ ra nhiều phương pháp. “Bé khó ăn mà mình bỏ đói luôn thì sao được. Trẻ có HIV thì thể trạng yếu, dễ bệnh nên chúng tôi ráng ép cho ăn. Thấy bé khỏe mạnh, mình thấy nhẹ nhàng, còn bé mệt mỏi mình cũng mệt mỏi lây” - chị tâm sự. Mỗi khi thấy các bé chảy máu thì về nguyên tắc, các bảo mẫu phải đeo bao tay để xử lý. Nhưng thỉnh thoảng các bé hiếu động chạy nhảy bị té thì có cô quýnh quá, không kịp mang bao tay vì xót xa, may là kiểm tra định kỳ không sao. Biết các em khao khát hơi ấm gia đình nên lễ, tết các cô thường đưa bé về nhà chơi. Có cô bảo mẫu còn nhờ mẹ ruột đến làm bà nội “nuôi”, thường xuyên đến thăm bé ở trong trung tâm vì bé thèm có bà nội.

Do không có sức đề kháng nên các bé hay bệnh, quấy khóc. Chỉ vào bé BM đang ngủ ngon lành, chị Bùi Thị Nhã Lan cho hay ban đêm bé thường la to làm các bé khác thức giấc. Mỗi khi có bé nào ốm là các chị phải thức canh thâu đêm chứ không dám rời mắt.

Đã đến giờ giao ca chiều nhưng nỗi lo toan vẫn còn hiện rõ trên dáng vẻ tất tả của các chị bảo mẫu. Không biết trước được, có khi ngay trong đêm nay các chị lại phải tất tả lên đường vào bệnh viện…

Tạm đình chỉ công tác giám đốc Trung tâm Linh Xuân

Chiều 7-4, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiên, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, từ ngày 7 đến hết ngày 21-4 để kiểm điểm những vụ việc xảy ra tại đơn vị trong thời gian qua.

Đồng thời, ông Trần Trung Dũng phân công ông Lê Chu Giang - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội phụ trách, chỉ đạo, điều hành toàn diện hoạt động tại trung tâm. Bà Tiên có trách nhiệm bàn giao công việc điều hành cho ông Lê Chu Giang. 

Đảng ủy Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ bí thư chi bộ Trung tâm Linh Xuân nhiệm kỳ 2010-2015 đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiên.

Cùng ngày, đoàn thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM do ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở, dẫn đầu đã đến Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân để tiến hành công tác thanh tra toàn bộ hoạt động quản lý, chăm sóc trẻ của trung tâm. Theo ông Dũng, vụ việc năm bảo mẫu của trung tâm đánh trẻ bị nhiễm HIV trong bữa ăn khiến dư luận bức xúc nên Thanh tra Sở phải vào cuộc ngay. Ông cho biết sau bảy ngày làm việc, Sở sẽ có kết luận thanh tra chính thức và kiến nghị xử lý vi phạm. 

Ông Nguyễn Văn Trung, nguyên giám đốc Trung tâm Linh Xuân:

Hết lòng chăm sóc trẻ HIV

Tôi thật là bàng hoàng và vô cùng buồn bực vì những hành vi của các bảo mẫu đã đánh đập khi cho trẻ ăn.

Nhớ những ngày đầu năm 2000, trẻ nhiễm HIV/AIDS chỉ có mấy em bị bỏ rơi tại Trung tâm Tam Bình, sự kỳ thị lúc đó vô cùng lớn, tuyển dụng hoài nhưng không ai dám vào để chăm sóc trẻ nhiễm HIV/AIDS. Lúc đó chỉ có một số cô là trẻ mồ côi trưởng thành tình nguyện xung phong đảm nhận chăm sóc các em. Số trẻ tăng lên dẫn đến năm 2002, Cơ sở II Linh Xuân ra đời. Các cô phải ăn ở ngày đêm chăm sóc các em trong điều kiện lây nhiễm cao. Các em lên cơn sốt, các cô ôm em dỗ dành. Việc video phát tán là điều may cho trung tâm để chấn chỉnh những sai sót không đáng có mà do nhận thức chủ quan của một số cô (tất yếu các cô này sẽ bị xử lý thích đáng vì vi phạm điều cấm của trung tâm).

Tôi mong mọi người hãy có cái nhìn khách quan, hãy đến trung tâm để thấy cuộc sống thực tế của các em và nỗ lực của các cô đã chăm sóc các em vất vả như thế nào, để hiểu được vì sao các em nhiễm HIV mà vẫn khỏe mạnh, được đến trường học bình thường như các em bên ngoài (điều mà không nơi nào trên cả nước làm được). Ở Trung tâm có cô đã bị lây nhiễm HIV/AIDS từ trẻ mà vẫn đeo bám cùng các em đến ngày hôm nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm