Biết trẻ nhiễm HIV, vẫn quyết nhận nuôi

Đứa trẻ tên Trần Thanh T. (bốn tuổi), ở với bà nội tên NTL (61 tuổi, gần chợ Long Yên, xã Long Thành Nam, Hòa Thành, Tây Ninh). Chị Đặng Mỹ Duyên (191 Nguyễn Văn Linh, ấp Long Đại, xã Long Thành Bắc, cùng huyện Hòa Thành) có duyên gặp bé T. khi được người quen chỉ: “Cô hay đi vận động sửa nhà cho người nghèo, sao không giúp cho hai bà cháu này. Cái nhà gì còn thua chuồng heo, hôi như ổ chuột”.

Hai bà cháu cùng quẫn

Vậy là chị Duyên tìm tới căn nhà “thua cả chuồng heo” của bà cháu bé T. Đó là căn nhà gần 25 m2, vách tre rách te tua, mái vá chằng chịt bởi những mảnh bạt cũ. Trong nhà ẩm mốc, hôi mùi nước tiểu trẻ con. Quần áo của hai bà cháu đều bẩn thỉu, cuộn nhét tùm lum trong nhà.

Hỏi ra chị được biết mẹ của bé T. đã mất từ lâu. Cha của bé nay đã 34 tuổi nhưng tâm trí không được như người bình thường, hàng xóm nói anh hơi “khờ khờ” và đi lang bạt khắp nơi làm mướn, ít khi về nhà.

Bà nội của bé T. trước đây đi bán vé số sống qua ngày. Sau đó bà lâm cảnh nợ nần nên đại lý không dám giao vé số cho bà bán nữa, trừ khi bà có tiền trả. Vậy là bà đi lượm ve chai kiếm sống. Nhiều hôm hai bà cháu chỉ mua một gói mì tôm nấu lên rồi sớt làm đôi. Hàng xóm cũng nói bà nội bé T. “khờ khờ”, nói chuyện không ai hiểu, gần như không thấy bà giặt phơi quần áo, hai bà cháu lúc nào cũng bốc mùi. Lên bốn tuổi mà con bé chỉ nặng có… 9,5 kg. Mỗi khi hàng xóm ghé qua thường thấy bé bị sốt, vậy nhưng bà nội cũng ngồi bó gối vì “tui biết làm gì giờ?”.

Chị Duyên tất tả đi gặp người quen, anh em chòm xóm để xin tiền sửa lại được căn nhà cho bà cháu bé T. Căn nhà mới được lợp lại tôn, quây lại bạt mới, thay vách cũ, nền nhà được nâng lên đổ xi măng. Bữa đó, bạn bè của chị góp cho vài bộ quần áo mới cho hai bà cháu. Chiều nào chị cũng chạy xuống nhà hai bà cháu để thăm nom và phụ chăm sóc bé T.

Chị Duyên tâm tư: “Định tới đây là xong rồi. Nhưng mấy lần con bé bị sốt mà miệng nó cứ ỏn ẻn đòi bế rồi đòi Hai ở lại nha. Lúc đó cảm giác của tôi hệt như lúc ẵm bồng con gái của mình hai chục năm về trước”.

Chị Duyên đang chăm sóc bé T. tại nhà bà nội. Ảnh: H.MINH

Về nhà má Hai, bé T. rất thích tô màu và muốn đi học. Ảnh: H.MINH

… Rồi họ trở thành mẹ con

Thấy bé thường xuyên bị sốt, chị Duyên gom hết tiền để ẵm bé T. xuống BV Nhi đồng khám bệnh. Ở cùng bé mấy ngày dưới bệnh viện, chị bị một cô điều dưỡng mắng xối xả: “Mẹ thì mập mạp vậy mà để con bé suy dinh dưỡng nặng. Thiệt không biết chăm con kiểu gì”. Chị chỉ cười trừ.

Đến khi bệnh viện thông báo bé T. không chỉ bị bệnh tim, bị suy dinh dưỡng mà còn bị nhiễm HIV, chị lặng người đi.

Con gái chị - tên Thanh, là cô giáo mầm non động viên chị bình tĩnh đón nhận mọi chuyện. Mỗi khi rảnh, Thanh giúp mẹ đến chăm sóc và chơi đùa với bé T. Chỉ chưa đầy một tháng, bé đã tăng một ký, không còn sốt nhiều ngày. Thấy con gái chăm sóc bé T., chị Duyên có cảm giác bé T. là đứa út trong nhà. Chị rớt nước mắt, nói: “Sau này cũng có thể tôi mất nó nhưng muốn con sẽ có những tháng ngày hạnh phúc dù không biết thời gian của chúng tôi bên nhau được bao lâu…”. Nhiều hôm chị đưa bé T. về nhà chăm mấy ngày cho bà nội rảnh tay, rồi lại mang cháu sang nhà để có hơi ấm của bà.

Bạn bè của chị mang đến nhà bà nội cho bé T. mấy lốc sữa, hôm sau đến nhà không còn thấy đâu. Chị hỏi thì biết bà nội bé đã mang bán rẻ lấy tiền trả nợ. Chị giận lắm nhưng cố kìm lại. Chị vẫn kiên nhẫn “kèm” bà nội bé việc tắm rửa hằng ngày, cho bé uống thuốc đúng giờ. Riêng việc nấu cơm chị vẫn phải làm hết vì bà nội bé vẫn chỉ biết nấu duy nhất món mì tôm.

Con gái chị đã dạy bé T. hát được Bà ơi bà cháu yêu bà lắm… Bé T. đã có thể chạy ra đón má Hai chứ không phải lần thành giường đứng lên khó nhọc như trước. Bé cũng đã biết tô màu vào bức tranh, nhận biết được các màu. Mới đây, bé T. thủ thỉ: “Con muốn đi học, Hai cho con đi học nha…”. Chị quay mặt đi, gạt nước mắt. Chị biết rằng mình không thể làm gì khác hơn điều này: Đón bé út của chị về ở hẳn nhà cùng để sang năm lo cho bé đi học.

Hoàn cảnh bà cháu bé T. rất khó khăn, phải nói là cực nghèo. Căn nhà hiện nay do bà con dựng cho cũng nằm trên đất công của xã. Mấy lần tôi gặp bà bế cháu đi bán vé số, chúng tôi đã khuyên bà nên để xã đưa cháu vào trung tâm bảo trợ nhưng bà L. nói bà chỉ có mỗi bé T. làm nguồn vui. Vậy nên chúng tôi cố gắng quan tâm, có suất hỗ trợ nào đều ưu tiên cho cháu. Chúng tôi ghi nhận tấm lòng của chị Duyên và bà con đã giúp sửa nhà, chăm sóc cho bà cháu bé T.

Ông NGUYỄN HỒNG QUANG, Phó Chủ tịch UBND
Long Thành Nam

Tôi là học trò của cha Mỹ Duyên nên tôi biết tính Duyên. Nó thích gánh vác chuyện nhà người ta. Cuộc sống của nó còn rất khó khăn. Nó thường viết văn, thơ, truyện ngắn gửi báo, đó là nguồn thu nhập chính hiện nay của nó.

Vậy mà vẫn cứ lăng xăng đi giúp nhiều người khác. Biết vậy nên tôi luôn ủng hộ nó. Hôm làm nhà cho bà cháu bé T., tôi bị gãy tay chưa khỏi hẳn nhưng cũng xuống phụ công làm nhà tám ngày.

Ông PHAN CÔNG TÂM (Phường 4, thị trấn Hòa Thành)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm