Làn sóng thứ 4 của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế trong đó có ngành ngân hàng.
Trong báo cáo ngành vừa công bố của Công ty chứng khoán Vndirect cho thấy đơn vị này đã hạ dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2021 xuống 10-12% từ mức 13% trước đó.
Tương tự, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho biết: Doanh nghiệp nhỏ và vừa và những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ là 2 nhóm khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.
Hiện nay, 2 nhóm khách hàng này đóng góp ở mức trung bình 75% - 80% cơ cấu cho vay của toàn ngành. Do đó, khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu tín dụng của 2 nhóm này có thể giảm mạnh, từ đó giảm tăng trưởng về tín dụng chung của toàn ngành.
Lý giải về việc hạ dự báo tăng trưởng tín dụng, các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán Vndirect đánh giá cầu tín dụng chưa phục hồi bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay.
Ở kịch bản cơ sở, số lượng ca nhiễm mỗi ngày sẽ giảm và việc đi lại sẽ được nới lỏng vào cuối tháng 9. Nhờ vậy, nhu cầu tín dụng sẽ tăng trở lại vào cuối quý 4-2021.
Đồng quan điểm, khi đánh giá về lợi nhuận của các nhà băng năm nay, các chuyên gia phân tích thị trường tại Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của toàn ngành sẽ giảm 5% so với dự báo trước đó.
Việc hạ kì vọng về lợi nhuận chủ yếu đến từ việc trích lập dự phòng các khoản nợ của Thông tư 03 trong nửa sau năm 2021 và kỳ vọng chất lượng tài sản giảm nhẹ do dịch bệnh.
Việc lợi nhuận của ngân hàng bị giảm diễn ra trong bối cảnh các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch thì các ngân hàng buộc phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giúp doanh nghiệp vay vốn giảm bớt khó khăn trong thời gian dịch bệnh như BIDV, VCB, ACB, Agribank, MB, SHB, MSB, Sacombank...
Mức giảm lãi suất cho vay từ 1% - 1,5% cho gần như toàn bộ các khoản vay, thời gian giảm lãi suất từ đầu thán 7-2021 đến hết năm nay. Các ngân hàng ước tính sẽ giảm một phần thu nhập lãi để hỗ trợ trong cả năm 2021. Bên cạnh đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam làm dấy lên lo ngại về việc giảm chất lượng tài sản cũng làm tăng chi phí tín dụng của ngân hàng.
Tuy nhiên, BSC nhận định: “Mặc dù có giảm chất lượng tài sản, nhưng với chính sách kiểm duyệt tín dụng chặt chẽ và tỉ lệ bao phủ nợ xấu cao, các ngân hàng có thể quản lý chất lượng tài sản tốt và giữ ở mức như hiện nay. Nhiều ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng, và cải thiện mạnh tỉ lệ bao phủ nợ xấu như là tại các ngân hàng BID, MBB, TCB, VCB,...
Ước tính tỉ lệ trích lập của các ngân hàng ở mức thấp, các khoản nợ tái cơ cấu tiếp tục giảm và nhiều ngân hàng dự kiến mức độ trích lập chỉ còn khoảng 3%-5% tổng dư nợ hiện tại. Do đó, nợ tái cơ cấu sẽ không phải vấn đề lớn trong thời gian tới với ngành ngân hàng”.
Trong khi đó, ngân hàng World Bank lại cho rằng: Tỉ lệ nợ xấu đang thấp do Ngân hàng Nhà nước ban hành các biện pháp tạm thời cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn. Ngoài ra, rủi ro mất khả năng trả nợ tăng lên có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực tài chính theo thời gian.