Được gia đình chị cho phép, Pháp Luật TP.HCM xin đăng toàn văn bức thư cảm động này.
““Như chim mẹ giữa tán rừng cao lắm mưa nhiều nắng, ngậm cành kết lá để tạo cho con một chiếc tổ ấm êm. Như bầy trâu rừng giữa đêm hoang của rừng thẳm vẫn biết dồn những đứa con non vào giữa đàn, nơi an toàn nhất”.
Mỗi người đều có một nơi an toàn nhất. Nơi đó chính là mẹ”.
Đây là mở bài trong bài văn con viết để tả về mẹ hồi con học lớp 5 mà mẹ chỉ còn nhớ được như vậy. Nhưng những ngày qua, “mở bài” này nhiều lần trở đi trở lại trong đầu mẹ, nó khiến mẹ đôi khi khóc òa, đôi khi nước mắt chảy ngược vào trong, từng dòng, mặn chát. Mẹ đã không thể là “con chim mẹ”, là “con trâu rừng” để bảo vệ được con. Nhưng thật may mắn, con đã gặp “những người mẹ khác”:
- Mẹ nhớ tiếng thảng thốt, đầm đìa của em Ngọc khi đêm ngày thứ Năm gọi lên cho mẹ: “U ơi, con không thể nào ngăn chặn được, con có lỗi với anh Nam”.
- Mẹ nhớ ánh mắt buồn đến không thể buồn hơn được của bố vậy mà khi con vừa đi học về vẫn vui vẻ như chẳng có chuyện gì. Tối hôm thứ Sáu, bố mở băngXuân, hạ, thu, đông và gọi mẹ ngồi xem. Mẹ biết không phải bố muốn mẹ chiêm ngưỡng lại cảnh sắc rợn ngợp của bộ phim mẹ yêu thích, bố chỉ muốn cho mẹ được ngẫm lại những dòng kinh Bát nhã của chú tiểu khắc trên sân chùa: Có cũng như không, không chẳng khác có, nói gì nữa, có gì để nói...
- Mẹ nhớ hàng trăm tin nhắn, hàng trăm cuộc điện thoại có cùng nội dung: Gửi lời chúc yêu thương và mạnh mẽ đến con.
- Mẹ nhớ cô Lan ở HTV, chú Tôn Hồ Hiếu Anh ở VTV6, cô Hoàng Điệp báo Tuổi Trẻ, cô Lan ở Chúc bé ngủ ngon... những người mà con mới chỉ được gặp có một lần nhưng khi biết tin đã liên tục gửi tin nhắn động viên mẹ, mong mẹ đừng ngã lòng.
- Mẹ nhớ những cô PV ở báo VNExpress, báo Pháp Luật TP.HCM... ban đầu muốn mẹ trả lời phỏng vấn nhưng rồi chính các cô, bằng cái tâm của nhà báo đã nhắn tin lại và nói: “Chị giữ im lặng là đúng, em ủng hộ chị”.
- Mẹ nhớ bác Lê Phương Nga, trong ngày Chủ nhật, bác gọi vào máy mẹ nhiều cuộc điện thoại, xong rồi chỉ để nói vân vi, bàn chuyện xa gần. Mẹ tưởng bác không biết chuyện nên ban đầu không kể. Chỉ đến cuộc cuối cùng, khi mẹ không thể kìm nén, vừa nghẹn ngào “Cô à...” thì bác đã gạt đi: “Cô biết hết rồi, em quên chuyện đó đi!”.
- Mẹ nhớ sự nghẹn ngào của cô Thắng - Hiệu trưởng Trường LQĐ, cô Châu chủ nhiệm lớp 5, thầy Thắng, cô Hường, cô Dung và bao thầy cô khác từng dạy con, tất cả đều buồn và cảm thấy bất lực.
- Mẹ nhớ cuộc viếng thăm của bác Hùng và cô Mỹ Hạnh vào chiều thứ Hai. Mọi người ngồi cười nói vang nhà nhưng nhìn mắt bác Hùng và cô Hạnh mẹ vẫn thấy nằng nặng một nỗi buồn.
- Mẹ nhớ những FB của cô Thao Trieu, của Nhà Tôm, của Bansac và hàng trăm những FB khác đã bỏ qua những status của cá nhân mà chỉ hướng về con với một lòng yêu mến.
- Mẹ nhớ những bài viết của bác Phạm Xuân Nguyên, của nhà báo Hoàng Hường, của độc giả Ngọc Toàn..., những người mẹ chưa có may mắn gặp trong đời nhưng đọc bài viết, đằng sau những động viên ủng hộ là trĩu nặng một tấm lòng thương con trẻ.
- Mẹ nhớ những comment của hàng ngàn bố mẹ khác đã yêu thương con trai của mẹ như thể chính con mình vậy.
- Mẹ nhớ những người dù “nói ra” hay không nói vẫn lặng thầm theo dõi và chúc may mắn cho con.
- Mẹ nhớ....
- Và trên tất cả, mẹ nhớ nhất bức thư gửi qua email cho mẹ với nội dung: “Đồng chí ấy à, khi gặp bão nếu đại bàng bay thấp xuống, nó sẽ bị gió bão quật ngã nhưng nếu nó mạnh mẽ bay lên, nó sẽ bay được cao, rộng và xa”. Và tin nhắn qua điện thoại: “Đồng chí ấy ơi, hôm nay đồng chí tôi không muốn ôm đồng chí ấy nữa” - “Vì sao?” - “Vì người đồng chí toàn... mùi nước mắt. Tôi muốn đặt “thực đơn” mùi vị cho ngày mai là: mùi tiếng cười”...
Email và tin nhắn ấy có cùng chung tác giả là: CON.
Người ta nói: Mỗi khi buồn đau/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy. Lần này thì những điều “mẹ nhớ” ở trên chính là những “câu thơ” của mẹ. Mẹ vịn vào đó và cảm giác mình an toàn, mình không cô độc. Chính những người “mẹ nhớ” đó đã thay mẹ làm “con chim mẹ”, làm “con trâu rừng” cho con vào giữa và cho con thấy mình được bảo vệ, điều mà mẹ đã không thể làm được.
Mẹ viết những dòng này để tri ân với ân tình sâu nặng của mọi người và cũng là để tạ lỗi với con! Mẹ muốn mượn lời của người cha Trần Đình Dũng để nói: “Mẹ yêu con nhiều như hơi thở, nhiều như những lần mẹ chớp mắt trong đời”.