Nghị định 22/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5-5-2021 thay thế Nghị định 44/2009/NĐ-CP.
Cụ thể:
Điều 35. Chế độ, chính sách trong Khu kinh tế - quốc phòng quy định: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chế độ, chính sách đối với các lực lượng làm nhiệm vụ tại Khu kinh tế-quốc phòng theo quy định sau đây:
- Đối với quân số thuộc biên chế của Đoàn kinh tế - quốc phòng được hỗ trợ về đất ở để ổn định cuộc sống, yên tâm công tác tại địa bàn Khu kinh tế - quốc phòng; được đảm bảo các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
- Lực lượng trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng được các hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Người lao động, công nhân làm việc trong Khu kinh tế - quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được nhà nước hỗ trợ đóng BHYT và các chế độ chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Điều 36. Hỗ trợ tài chính trong Khu kinh tế - quốc phòng quy định:
- Đoàn kinh tế - quốc phòng được hỗ trợ kinh phí mua, sửa chữa trang thiết bị y tế, giáo dục, phương tiện giao thông vận tải, phương tiện truyền thông, nhiên liệu và vật tư trang thiết bị khác; hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác chính sách xã hội, tuyên truyền, vận động quần chúng, định canh định cư, giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề cho nhân dân trong Khu kinh tế - quốc phòng.
- Doanh nghiệp quốc phòng an ninh được giao nhiệm vụ xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng được hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
- Hộ dân sinh sống hợp pháp tại Khu kinh tế - quốc phòng được hưởng các quy định về hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ về nhà ở, công trình sinh hoạt thiết yếu và BHYT theo quy định của pháp luật.
Lực lượng trí thức trẻ tình nguyện, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự đến công tác tại Khu kinh tế - quốc phòng được hưởng các chế độ chính sách, ưu đãi theo quy định của pháp luật.