Trong tuần qua, loạt bài “Những “bến cóc” trá hình ở TP.HCM” do PV báo Pháp Luật TP.HCM thực hiện đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Loạt bài đã ghi nhận nhiều “bến cóc” ở khu vực TP Thủ Đức hoạt động kiểu bán công khai để che mắt cơ quan chức năng. Các “bến cóc” này bán vé, đón trả khách gây bát nháo khu vực.
Một số bạn đọc cho rằng việc tồn tại các “bến cóc” này không chỉ mất an ninh trật tự, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, mà tình trạng này sẽ khiến môi trường kinh doanh vận tải trở nên không lành mạnh, cơ quan chức năng khó quản lý. Bạn đọc đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm xử lý dứt điểm những “bến cóc” trá hình, tránh tình trạng xử xong rồi đâu lại vào đấy.
Khi có dịch vụ tốt, “bến cóc” sẽ không còn
Bạn đọc Nguyễn Vinh nêu: “Đứng về góc độ là khách hàng, người sử dụng dịch vụ xe khách, tôi biết rằng việc tồn tại những “bến cóc” sẽ gây mất an ninh trật tự, tuy nhiên có đôi lúc tôi vẫn có nhu cầu. Bởi nó tiện điểm đón, hơn là phải di chuyển ra các bến xe khách ở xa. Chính vì thế, cơ quan quản lý và đặc biệt của các bến xe nhà nước, cần tìm hiểu và khắc phục những bất tiện của khách khi đến tại bến bãi đúng quy định để làm sao thu hút khách. Một khi giải quyết những câu chuyện tiện lợi về đưa đón khách thì người dân sẽ chọn đến các bến xe được Nhà nước quản lý để sử dụng dịch vụ. Đồng thời, khi các xe khách đậu ở “bến cóc” không còn khách chọn lựa thì họ buộc phải chọn cách kinh doanh lành mạnh, đúng quy định và chịu sự quản lý của cơ quan chức năng”.
“Những “xe dù, bến cóc” đã tồn tại từ lâu và đây không phải là vấn đề mới tại TP.HCM. Chính quyền địa phương cũng đã liên tục chỉ đạo, đưa ra nhiều giải pháp xử lý nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đây chắc cũng là câu hỏi mà nhiều người đặt ra là tại sao cơ quan chức năng xử lý “bến cóc” trá hình nhưng bắt cóc bỏ đĩa. Theo tôi, chỉ có một câu trả lời là cơ quan chức năng chưa làm quyết liệt. Vì thế theo tôi, cần quy trách nhiệm của người quản lý địa phương, nơi nào có “bến cóc” trá hình thì xử lý cán bộ quản lý. Đồng thời, đối với những người vi phạm cần phạt nghiêm, tránh tình trạng mỗi lần có đoàn kiểm tra thì ngưng hoạt động, xong rồi đâu lại vào đấy” - bạn đọc Hải Hà chia sẻ.
Bạn đọc Nhung Hoang có ý kiến: “Nhu cầu của người dân khi đi xe khách là chọn được chỗ đưa đón khách thuận tiện, nhanh chóng, giá thành rẻ, chất lượng tốt, an toàn cao... Người dân rất sợ cảnh chạy ra bến xe xếp hành vào những đợt cao điểm. Vì vậy đã đến lúc cần xem lại phương thức tổ chức cũng như hình thức kinh doanh vận tải hành khách để xây dựng luật cho phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục vụ tốt khách hàng hơn...”.
Mức phạt đối với việc lập “bến cóc” đón trả khách
Trước những thông tin một số xe khách hoạt động tại các “bến cóc” gây mất an ninh trật tự, một số một đọc thắc mắc nếu cá nhân, tổ chức vi phạm thì sẽ bị xử phạt ra sao?
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Theo Điều 23 Nghị định 100/2019, hành vi không chạy đúng tuyến đường, lịch trình, hành trình vận tải quy định; điều khiển xe niêm yết hành trình chạy xe không đúng với hành trình đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì người điều khiển ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự ô tô chở hành khách có thể bị phạt tiền 600.000-800.000 đồng.
Đối với lỗi vi phạm như đón trả hành khách không đúng nơi quy định trên những tuyến đường đã xác định nơi đón trả hành khách hoặc dừng đón trả hành khách quá thời gian quy định; đón trả hành khách tại nơi cấm dừng, cấm đỗ, nơi đường cong tầm nhìn bị che khuất; đón trả hành khách không đúng địa điểm đón trả hành khách được ghi trong hợp đồng thì người vi phạm có thể bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.
“Đối với hành vi thành lập điểm giao dịch đón trả hành khách trái phép (“bến cóc”) thì người vi phạm bị phạt tiền 10-12 triệu đồng đối với cá nhân, 20-24 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, theo quy định tại khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019 (được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021)” - luật sư Hoan cho hay.
Sẽ tăng cường duy trì việc tuần tra, xử lý
Từ ngày 23-1, báo Pháp Luật TP.HCM khởi đăng loạt bài “Những “bến cóc” trá hình ở TP.HCM”, sau khi báo đăng, Công an TP Thủ Đức đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với hoạt động vận tải hành khách trên tuyến đường liên phường, đoạn qua phường Phú Hữu, TP Thủ Đức.
Chiều cùng ngày, tổ công tác thuộc Đội CSGT - Trật tự Công an TP Thủ Đức phối hợp với Đội Thanh tra giao thông số 5 (Sở GTVT TP.HCM) và Công an phường Phú Hữu tiến hành tuần tra, xử lý vi phạm dọc tuyến đường Liên Phường.
Đại diện Đội CSGT - Trật tự Công an TP Thủ Đức cho hay việc tuần tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động vận tải hành khách trên tuyến đường Liên Phường được thực hiện xuyên suốt từ lâu, thời gian tới sẽ tăng cường duy trì việc tuần tra, xử lý.
Công an phường Phú Hữu cũng cho hay đơn vị cũng nhiều lần xử lý đối với các xe khách vi phạm trên tuyến đường Liên Phường được thực hiện liên tục.
NGUYỄN YÊN