Thanh toán không tiền mặt, tiện lợi đôi đường - Bài 3

Cần sớm phát hành tiền kỹ thuật số

(PLO)- Nhiều giải pháp được các chuyên gia đưa ra để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, trong đó có việc phát hành tiền kỹ thuật số.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM hiện đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Thời gian qua, TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy người dân TTKDTM. Dù phương thức thanh toán này đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nhưng vẫn còn một số rào cản cần phải giải quyết.

Nhằm đưa ra những giải pháp để thúc đẩy người dân TTKDTM mang lại hiệu quả cao, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM.

tiền kỹ thuật số
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Người lớn tuổi chưa quen

. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về phương thức TTKDTM của người dân tại TP.HCM?

+ PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM: TP.HCM có tỉ lệ TTKDTM hiện nay cao nhất cả nước. Điều này cho thấy khả năng chấp nhận các phương thức này ở TP.HCM rất tốt và theo tôi đánh giá là thuộc vào loại tốt hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

Điều này có được là do quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, diễn ra rất mạnh mẽ trong thời gian qua. Cũng như với sự ra đời của các phương thức TTKDTM mới như ví điện tử, cổng thanh toán, mobile payment… bên cạnh việc sử dụng thẻ vật lý truyền thống.

Ngoài ra, TTKDTM cũng cho thấy mức độ cởi mở của người dân và sẵn sàng đón nhận các phương thức thanh toán này khá là tốt. Điều này đã mang lại những thành công bước đầu trong chiến lược phát triển hơn nữa việc TTKDTM trong dân cư.

. Dù việc TTKDTM có nhiều tiện ích cho người dân tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người ngại sử dụng hình thức thanh toán này, nguyên nhân do đâu, thưa ông?

+ Mặc dù có được những thành quả nhất định trong thời gian qua nhưng vẫn có một số rào cản trong việc phát triển các phương thức này ở TP.HCM.

Cụ thể, khả năng đáp ứng được những công nghệ mới trong fintech (công nghệ tài chính), thường khả năng này sẽ nhanh và dễ dàng hơn ở giới trẻ nhưng đối với những người trung niên và cao niên thì việc tiếp cận công nghệ này là một rào cản khá lớn.

Ngoài ra, việc tải app, dùng app hay những vấn đề xác thực, đặt mật khẩu, sinh trắc học… trở thành những vấn đề khá khó khăn đối với những người lớn tuổi, ngay cả khi họ đã được hướng dẫn tỉ mỉ bởi các nhân viên chăm sóc khách hàng.

Bên cạnh đó, các địa điểm chấp nhận thanh toán của các phương thức thanh toán mới cũng chưa thực sự phổ biến. Việc bị giam tiền trong các ví điện tử và đặc biệt là sở thích ưa thích tiền mặt hiện nay vẫn còn khá phổ biến trong người dân, dẫn đến tạo nên những rào cản cho việc TTKDTM.

Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu về tiền kỹ thuật số

. Xin ông cho biết giải pháp nào cần áp dụng trong phương thức TTKDTM của người dân tại TP.HCM đạt hiệu quả cao hơn?

+ Để có thể nâng cao tỉ lệ người sử dụng phương thức TTKDTM, về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên công bố tiền kỹ thuật số (CBDC) do ngân hàng Trung ương phát hành càng sớm càng tốt. Việc này nhằm hướng đến người dân sẽ thanh toán toàn bộ bằng tiền kỹ thuật số trên cả nước. Nếu dự án này được triển khai sớm thì tỉ lệ TTKDTM tôi tin là sẽ có bước nhảy vọt không chỉ ở TP.HCM mà còn trên phạm vi cả nước.

Hiện nay, NHNN cũng đang nghiên cứu về tiền kỹ thuật số, dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới như các nước trên thế giới, điển hình nhất là Trung Quốc khi họ đang trong quá trình thử nghiệm tiền kỹ thuật số.

Trong khi chờ đồng tiền kỹ thuật số của Việt Nam ra mắt, TP.HCM có thể áp dụng một số giải pháp như khuyến khích người dân sử dụng các phương thức TTKDTM bằng việc phối hợp với các đơn vị cung cấp các dịch vụ thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi để kích thích người dân sử dụng. Tổ chức các sự kiện để quảng bá, công bố cũng như thúc đẩy việc TTKDTM cũng là giải pháp cần được thực hiện.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải có các dự án tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ để họ hiểu và tham gia sâu hơn vào hệ thống tài chính, cũng như chấp nhận các phương thức thanh toán mới này.

. Xin cảm ơn ông.

Bốn giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Để đạt hiệu quả cao trong việc thúc đẩy TTKDTM tại TP.HCM, cần thực hiện bốn giải pháp cơ bản.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về sử dụng TTKDTM như truyền thông nhằm tăng cường hiểu biết của người dân về những lợi ích mà TTKDTM mang lại. Các ngân hàng tham gia hưởng ứng các phong trào ngày TTKDTM do NHNN tổ chức…

Thứ hai, cải thiện hạ tầng công nghệ để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ TTKDTM. Mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán và nhất là phát triển các giải pháp thanh toán tại các cửa hàng, nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm trở nên thuận lợi và tiện ích hơn.

Thứ ba, các tổ chức tín dụng tiếp tục hoàn thiện công cụ quản trị rủi ro, công nghệ bảo mật để đảm bảo an toàn tài chính cho người dùng và đơn vị chấp nhận. Ngoài ra, cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, để người dân và các đơn vị dễ dàng tiếp cận và đăng ký dịch vụ ngân hàng.

Thứ tư, NHNN mở rộng và đẩy nhanh tiến trình tích hợp dữ liệu quốc gia để các tổ chức tín dụng gia tăng được lớp bảo mật xác thực khách hàng, thuận tiện trong giao dịch số. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần chú trọng vào các giải pháp tăng cường an ninh và bảo mật để mọi giao dịch thanh toán diễn ra an toàn và tin cậy.

Lãnh đạo một ngân hàng tại TP.HCM

TRẦN MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm