Nó tạo ra sự nghi ngờ công lý. Rằng việc xét hỏi làm rõ tại phiên toà có cần thiết hay không, là do ý chí của người xét xử chứ không phải như nó cần hoặc buộc phải có. Và nguyên tắc suy đoán vô tội chỉ được áp dụng khi cơ quan xét xử thấy cần.
Nói qua một chút về nguyên tắc suy đoán vô tội.
Theo cách hiểu nôm na, dân gian nhất thì suy đoán vô tội có nghĩa là với những chứng cứ có thể suy đoán theo hướng buộc tội lẫn hướng không có tội đối với một người, thì phải suy đoán và hành xử theo hướng người đó không có tội.
Mục đích tối thượng của nguyên tắc suy đoán vô tội xuất phát từ chỗ cá nhân người bị xét xử luôn yếm thế trước bộ máy công quyền được giao cho quyền lực nhà nước; tránh làm oan người vô tội.
Nguyên tắc suy đoán vô tội không tự nhiên mà có. Nó là kết quả của một quá trình phát triển về nhu cầu, nhận thức và khoa học pháp luật hình sự.
Trong chưa đầy một thế kỷ nay, thì nó xuất hiện trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Tại Việt Nam, nó được quy định trong Hiến pháp và trong Luật.
Điều 11 tuyên ngôn Nhân quyền 1948 quy định:
1) Bị cáo về một tội hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi có bằng chứng phạm pháp trong một phiên xử công khai với đầy đủ bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ.
2) Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế hiện hành; mà cũng không bị tuyên phạt một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp.
Và xuất hiện trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, tại Điều 14, Điều 15, với nội dung tương tự Điều 11 của Tuyên ngôn 1948.
Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013 tại Điều 31 như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Và nó được cụ thể hoá tại Điều 13 Bộ Luật Tố tụng Hình sự.
Điều 13. Suy đoán vô tội:
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Áp lực, sự khó khăn của HĐXX là rất lớn. Đôi khi vì trình tự thủ tục luật định; vì sự mâu thuẫn giữa lời khai nhân chứng, người liên quan với lời khai bị cáo; do thu thập, bảo quản và đánh giá chứng cứ ở giai đoạn điều tra, truy tố... nhiều thẩm phán đành ngậm đắng nuốt cay nhìn tội phạm nhởn nhơ. Không ít trường hợp thẩm phán gần như tin chắc bị cáo có tội và đang cười cợt mình, vẫn tuyên không đủ cơ sở kết tội.
Nhưng đắng cay đó, thậm chí thiệt hại về mối quan hệ, về bổ nhiệm và tái bổ nhiệm, thăng tiến hay thành tích... vẫn nhỏ hơn những gì xã hội bị thiệt hại khi tuyên một bản án thiếu thuyết phục. Nó cũng nhỏ hơn rất nhiều so với sự thiệt hại về sự tiến bộ tư pháp.
Xâm phạm nguyên tắc suy đoán vô tội nguy hiểm không chỉ ở chỗ nó có thể làm oan một người, mà ở chỗ nó tạo cho những người còn lại cảm giác mình có thể đang là một tù nhân dự bị.