Liên quan đến một số đoàn viên, người lao động gửi thông tin đến PLO băn khoăn về việc nhận quà tết 300.000 đồng bằng voucher, ngày 24-1, trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, khẳng định đây chỉ là một trong nhiều hoạt động chăm lo tết của tổ chức công đoàn.
Theo đó, Tết Nguyên đán 2024, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức bốn hoạt động chính.
Thứ nhất, chuẩn bị quà cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm và chúc tết đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Thứ hai, chi tiền mặt cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với mức tiền 500.000 đồng.
Thứ ba, chỉ đạo công đoàn các tỉnh, thành căn cứ vào nguồn lực để chăm lo tết cho đoàn viên, người lao động.
Thứ tư, tổ chức “Tết sum vầy - xuân chia sẻ”, với nhiều hoạt động như phát vé tàu xe miễn phí, gói bánh chưng…
Ngoài ra, năm nay lần đầu tiên Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức Chợ Tết công đoàn trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki. Theo đó, đoàn viên, người lao động được tặng một voucher có giá trị 300.000 đồng để vào các sàn thương mại điện tử mua hàng, với 15.000 mặt hàng.
Ông Phan Văn Anh khẳng định thực tế đây là chương trình không mới, những năm trước công đoàn cũng tổ chức chợ tết công đoàn, nhưng bằng hình thức trực tiếp. Đoàn viên, người lao động đến tham gia và nhận voucher có giá trị mua hàng 300.000 đồng để mua hàng tại chợ tết này.
Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết, tổ chức công đoàn nhận thấy việc tổ chức này có hạn chế, chẳng hạn chi phí thuê địa điểm, lắp đặt gian hàng, thuê bảo vệ trông coi rất tốn kém. Tính ra việc tổ chức chợ tết trực tiếp mất đi 70-80% kinh phí, người lao động hưởng thụ trực tiếp từ chương trình chỉ còn 20%.
“Rút kinh nghiệm các năm, năm nay chúng tôi tổ chức trên sàn giao dịch điện tử”- ông Anh nói và cho biết cùng với hoạt động này, công đoàn cơ sở cũng được giao căn cứ nguồn lực và thực hiện kêu gọi xã hội hóa để tổ chức chợ tết cho đoàn viên, người lao động.
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng việc triển khai chợ tết trên sàn giao dịch điện tử cũng hướng tới chủ trương không dùng tiền mặt, mà đoàn viên phải là người đi đầu. Song song đó, chương trình còn giúp đoàn viên, người lao động tiếp cận công nghệ, “sau này đi làm không có thời gian có thể mua hàng qua mạng”.
Về việc một số đoàn viên, người lao động từ chối nhận voucher vì thấy bất tiện, ông Anh cho biết sáng nay (24-1), đơn vị đã họp và nhận thấy một số hạn chế trong triển khai chương trình, mà nguyên nhân do đoàn viên, người lao động không nắm được thông tin. Đây có thể do công tác truyền thông chưa tốt, các cấp công đoàn cuối năm tổ chức nhiều hoạt động tết nên hướng dẫn chưa tận tình. Từ đó một số đoàn viên, công đoàn “chưa đồng tình”.
Vì vậy, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã yêu cầu các cấp công đoàn cử người hướng dẫn cho người hưởng. Trường hợp cá nhân không có điện thoại thông minh cần hỗ trợ bằng các hình thức khác.
Ngoài ra, tổ chức công đoàn cũng thống nhất kéo dài thời hạn của voucher thêm hai tuần nữa để đoàn viên, người lao động được hưởng thụ chính sách. “Còn tiền mặt không phải chúng tôi không phát mà đã phát 500.000 đồng rồi. Việc tổ chức chương trình nhằm đa dạng, phong phú hoạt động chăm lo tết cho đoàn viên, người lao động”- ông Anh cho hay.
Cuối cùng, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, khẳng định với các hoạt động trên, “nhìn chung Tết Nguyên đán 2024 việc chăm lo cho đoàn viên, người lao động rộng hơn”.