Những biến chứng từ gãy xương do chấn thương

Theo quan niệm cũ của nhiều người dân là khi bị gãy xương, họ thường tìm đến thầy lang để nắn bóp, xoa rượu thuốc gia truyền. Với trường hợp chấn thương nhẹ thì có khả năng tự phục hồi được. Ngược lại, nếu có gãy xương thì thường để lại di chứng nếu không nắn chỉnh đúng phương pháp.

Đến giai đoạn xương không lành hoặc lành nhưng bị biến dạng, không thẳng trục dẫn đến chi bị mất chức năng thì việc điều trị gãy xương đòi hỏi thầy thuốc cần có kiến thức giải phẫu xương, hiểu được sự phân bố mạch máu, sự bao bọc xung quanh của mô mềm.

Khi bị gãy xương, bệnh nhân cần phải được sơ cấp cứu kịp thời và đúng cách, nếu không sẽ để lại di chứng. Ảnh minh họa

Hiểu được các biến chứng sớm và muộn của gãy xương sẽ cứu được bệnh nhân khỏi tử vong do sốc đau đớn, mất máu… Tránh được các di chứng muộn như liệt thần kinh, xương không lành thẳng trục, khớp giả…

Các biến chứng sớm và muộn của gãy xương: 

 - Sốc do mất máu và đau đớn: Có  thể gây tử vong nếu sơ cứu ban đầu không đúng, bất động xương không vững chắc. Trường hợp này thường xảy ra ở các xương dài, lớn như xương đùi, xương chậu, xương cẳng chân.

Lượng máu mất do tai nạn này có thể lên đến cả lít, bệnh nhân sẽ suy sụp tuần hoàn nếu không được truyền máu và cố định xương kịp thời. Việc cố định xương ban đầu và gây tê ổ gãy đúng phương pháp sẽ giúp bệnh nhân thoát sốc.   

- Tắc mạch máu do mỡ: Khi bị gãy xương, đặc biệt là xương dài và gãy nhiều xương, lượng mỡ từ tủy xương chảy ra gây tăng áp lực và ngấm trở lại vào máu. Diễn tiến lâm sàng là bệnh nhân kích thích, vật vã, lơ mơ và dần đi vào hôn mê.

Cùng với đó là khó thở, thở nhanh và nông, suy hô hấp. Có hiện tượng xuất huyết dưới da, kết mạc mắt... Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới rối loạn đông máu. Xét nghiệm cận lâm sàng hồng cầu, tiểu cầu, ôxy, hematorit đều giảm...

Biến chứng này có thể gây tử vong cao nếu không được phát hiện kịp thời. Việc điều trị là cần cho bệnh nhân thở ôxy và pha truyền hydrocortisone theo đường tĩnh mạch.

Gãy xương cẳng chân. Ảnh minh họa

- Chèn ép khoang: Hệ thống khoang ở chi trên, chi dưới chứa đựng các cơ quan như mạch máu, thần kinh, cơ… Một khi bị gãy xương sẽ gây tổn thương mạch máu, cơ và thần kinh, lượng máu chảy ra gây tăng áp lực và chèn ép khoang.

Hậu quả là có thể gây hoại tử chi dưới nếu không chẩn đoán kịp thời. Một vài trường hợp thấy chi sưng to thì cho là gãy xương thông thường, đi bó thuốc Nam, bó bột làm cho chi thâm tím, phải cắt cụt mới cứu được bệnh nhân.

Triệu chứng lâm sàng khi bị chèn ép khoang là chi sưng to, căng đau liên tục, không đáp ứng với thuốc giảm đau. Mạch ngoại vi bắt nhẹ, sau đó không bắt được, cảm giác tê buốt và hạn chế vận động chi.

- Viêm xương, gãy xương hở: Đầu nhọn của xương gãy có thể đâm thủng da biến gãy kín thành gãy hở. Vết thương dập nát và dính nhiều dị vật (đất, cát…) xung quanh ổ gãy xương.

Một số người kém hiểu biết có thể sẽ đưa bệnh nhân đi bó thuốc Nam khi dị vật chưa được loại trừ, hậu quả không thể tránh khỏi sẽ là nhiễm trùng và viêm xương.

Trong trường hợp này, cần phải chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế để được cắt lọc mô bầm dập, loại trừ dị vật (nếu có). Sau đó điều trị bằng kháng sinh chống nhiễm trùng. Việc cố định bên trong và chỉnh xương cầu toàn không nhất thiết phải đặt ra lúc này.

- Tổn thương mạch máu, thần kinh: Khi bị gãy xương, đầu xương gãy có thể gây tổn thương mạch máu và thần kinh lân cận. Mức độ tổn thương có thể bầm dập hoặc đứt thần kinh, mạch máu. Nếu không phát hiện kịp thời biến chứng này có thể dẫn tới liệt, mất chức năng hoặc phải cắt cụt chi.

- Khớp giả, chậm lành xương, can xương lệch: Đây là biến chứng muộn sau điều trị gãy xương. Điều trị không đúng phương pháp, lỏng lẻo, bó thuốc Nam mà không được nắn chỉnh hoặc bệnh nhân tự ý tháo bột sớm… Trường hợp này, bệnh nhân không đau đớn nhiều nhưng chi không vận động được, đi lại không bình thường hoặc xương lành trong trạng thái lệch trục, bị cong, gây mất thẩm mỹ.

Hiện nay, BV Nhân dân 115 TP.HCM, BV Chợ Rẫy, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình… đều có chuyên ngành sâu về chấn thương chỉnh hình và điều trị các bệnh lý cơ, xương khớp. 


 TS-BS NGUYỄN ĐÌNH PHÚ, BV Nhân dân 115 TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.