Lần đầu được cầm trên tay chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhưng những em nhỏ ở xã Cán Chu Phìn (Huyện Mèo Vạc, Hà Giang) đã chụp được những bức hình khiến nhiếp ảnh gia, người nhận nhiệm vụ biên tập chọn ảnh phải choáng vì những thông điệp ngoài bức hình lẫn giá trị nghệ thuật.
Khuôn viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Cán Chu Phìn ngày 13-11 diễn ra một triển lãm đặc biệt. Triển lãm có tên “Em yêu cao nguyên đá”. Đặc biệt ở chỗ những bức ảnh trưng bày hôm nay được chụp bởi các em nhỏ ở Cán Chu Phìn.
Những em nhỏ có người bàn tay chỉ quen lên nương, lên rẫy đã bấm máy để chụp những gì các em thấy thân thuộc xung quanh.
Từ sáng sớm, em Ly Thị Và đã bỏ lên nương để đến trường thật sớm ngắm bức ảnh của mình đang được trưng bày. Ly Thị Và không được đến trường, em chỉ quen lên nương lên rẫy nhưng từ khi được phát máy ảnh và hướng dẫn chụp em là một trong những người tích cực nhất.
Bức ảnh của em chụp toàn cảnh khuôn viên Trường THCS Cán Chu Phìn từ trên cao. Em giải thích: “Em cũng muốn đi học nhưng không ai giúp cha mẹ trông em. Sau này thầy cô động viên em đi học thì em không muốn đi nữa vì lớn rồi, ngại lắm. Em muốn các bạn nhỏ đều được đi học”.
Những bức ảnh được trưng bày ngoài phản ánh cuộc sống xung quanh em, những người thân thiết còn là câu chuyện về văn hóa quê hương, về cả những khó khăn mà những bạn cùng trang lứa đang phải gánh chịu.
Em Giàng Thị Dính năm nay 13 tuổi chụp em trai mình đang địu phân đi trồng đậu. Cậu em chín tuổi của Dính đã quen với công việc này từ nhỏ. Một cậu em khác của Dính đã biết cày nương từ năm 10 tuổi.
Bức ảnh của Cáy chụp bốn em nhỏ người Mông
Trong một bức ảnh khác, tác giả Vừ Thị Súng chụp ảnh em trai mình là Vừ Mí Dình đang bế con dê con lên vách đá để theo mẹ. Súng kể, em trai mình sau giờ học phải thả bốn con dê ở nhà đi ăn cỏ. Đó cũng là tài sản giúp cha Dính bán lấy tiền mua vở, mua quần áo cho em đi học: “Em còn nhỏ nhưng đã phải đi làm vất vả, cuộc sống của bọn em rất vất vả, toàn đá là đá chỉ trồng được mỗi ngô thôi” - Súng nói bên cạnh bức ảnh của mình.
Lọt vào danh sách những bức ảnh ấn tượng nhất trong triển lãm là ảnh của Lầu Thị Cáy, 14 tuổi. Nhưng ấn tượng hơn cả là ước muốn của em qua bức ảnh này. Em tâm sự: “Em mong các em lớn nhanh và được đi học. Còn có đồ chơi và quần áo để mặc nữa”. Bức ảnh của Cáy chụp bốn em nhỏ người Mông, có em lấm len không có quần để mặc.
Dù cầm máy trong một thời gian ngắn nhưng những bức hình của em thật sự gây ấn tượng mạnh với người xem. Ông Lương Xuân Trường, người biên tập ảnh của các em, nhận xét: “Những bức ảnh của các em không chỉ đẹp mà còn có những góc nhìn riêng, có những câu chuyện riêng. Nhiều bức ảnh thật sự khiến người xem phải choáng vì không nghĩ các em trong đó có những em chưa được đến trường lại chụp được như thế”.
Triển lãm kể trên là một phần kết quả từ dự án chuỗi hoạt động “Hành động cùng trẻ em gái Mông” do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và tổ chức Plan International thực hiện tại Trường THCS Cán Chu Phìn.
Theo đại diện dự án, chuỗi chương trình nhằm trao cho các em cơ hội thu nhận và phản ánh thế giới bằng chính con mắt của các em, giúp các em bày tỏ mong ước và suy nghĩ của mình đến cộng đồng và xã hội, đồng thời tạo thêm cơ hội để các em tiếp xúc với thế giới rộng lớn bên ngoài.
Trong chuỗi chương trình, học sinh tại Hà Giang sử dụng tư liệu thu thập được để tạo ra các sản phẩm truyền thông (như bài viết, ảnh, video, kịch, văn nghệ…) về bản thân mình và cuộc sống xung quanh mình; tổ chức các buổi truyền thông tại nhà trường và cộng đồng (như các buổi phát thanh, các buổi biểu diễn văn nghệ…).
Một số bức ảnh tại triển lãm: