Anh Trung lớn lên trong một gia đình nghèo. Hằng ngày bố mẹ Trung phải làm đủ việc để có tiền trang trải cuộc sống. Dù vậy, mỗi lần nấu cơm Trung luôn thấy bố mình bốc vài nắm gạo bỏ vào một cái hũ bên cạnh. Cuối tháng bố lại xách hũ gạo đó kèm theo những bó rau muống đạp xe đi. Nhiều lần Trung tò mò hỏi bố mang gạo đi đâu, bố chỉ cười và nói lớn lên con sẽ hiểu.
Bài học từ trái tim
Anh Trung kể: “Khi tôi tròn 16 tuổi, bố gọi tôi xách bao gạo rồi cùng bố lên đường. Dừng xe trước một con hẻm nhỏ sình lầy, bố xốc bao gạo lên lưng rồi hai bố con men theo một lối mòn ra sông Hương nơi có một căn nhà xập xệ, tồi tàn nghiêng ngả như muốn đổ… Một bà cụ bị mù, khoảng 80 tuổi liền đẩy cửa ra chào: “Chú Lung (Trần Văn Lung, 65 tuổi, bố của anh Trung - NV) lại đến nữa à!”. Bố tôi liền hỏi bà còn gạo ăn không, vì mấy ngày nước lớn bố không đưa gạo tới cho bà được. Bà mù nói như khóc: “Hôm chú đưa gạo đến tôi để trong hũ nhưng nước tràn vào cuốn trôi hết, mấy ngày rồi ăn rau cầm chừng thôi...”. Nghe bà mù nói, mắt bố tôi đỏ hoe. Sau khi đưa gạo vào nhà cho bà, bố tôi không quên làm một cái kệ cao đặt bao gạo lên… Xong việc, hai bố con tôi ra về, bà mù nắm lấy tay bố tôi bật khóc: “Cảm ơn chú đã giúp thân già này. Kiếp này tôi không biết lấy gì trả hết nợ cho chú…”. Hình ảnh đó khiến tôi nhớ mãi. Và cũng từ đó mỗi lần bố tôi bớt hai nắm gạo, tôi lại chạy tới bớt thêm nắm nữa. Bố nhìn tôi cười. Sau này, mỗi dịp bố mang gạo đến với những người nghèo tôi đều lẽo đẽo theo. Và những phận đời cơ cực cứ ăn sâu vào tâm trí khiến tôi lúc nào cũng trăn trở và mơ ước sau này lớn lên mình sẽ giúp được hết những người nghèo khó”.
Anh Trần Nam Trung (ngoài cùng bên trái)trao gạo hằng tháng cho những người nghèo ở TP Huế.
(Ảnh nhân vật cung cấp)
Ngày anh Trung nhận bằng cử nhân khoa Ngoại ngữ (Trường ĐH Tổng hợp Huế) cũng là lúc bố anh bị bệnh, sức khỏe giảm sút. Bệnh tật khiến ông không thể tiếp tục công việc đưa gạo đến với người nghèo được nữa nhưng mỗi tháng ông đều đóng tiền, gạo cho các quỹ từ thiện.
Những trăn trở của người bố đã khiến anh Trung quyết định không rời Huế mà ở lại đây kiếm công việc, rồi lập gia đình và “nối nghiệp” bố mình thực hiện ước mơ giúp đỡ những người nghèo.
Hạnh phúc khi được chia sẻ
Tiếp nhận “sự nghiệp” lá lành đùm lá rách của bố vào năm 2000, với danh sách những gia đình khó khăn tại TP Huế và các huyện lân cận từng được bố tiếp gạo thường xuyên, anh Trung bắt đầu gom góp gạo của gia đình theo cách của bố kèm theo những đồng lương của mình mang đến cho người nghèo. “Hơn ba tháng bố nằm bệnh viện không ai cho gạo, nay nhận lại những cân gạo nghĩa tình ai cũng rưng rưng vì vui sướng. Mỗi bao gạo trao tận tay họ, tôi cảm thấy thật ấm lòng và hạnh phúc. Trên đường quay về tôi mới thực sự hiểu vì sao khi cuộc sống gia đình trước đây éo le mà bố tôi vẫn luôn mang gạo cho người nghèo…” - anh Trung nhớ lại.
Cuộc sống vợ chồng anh Trung dần ổn định, có thu nhập khá. Do quen biết nhiều người, anh Trung tiếp tục vận động bạn bè góp tay ủng hộ việc chia sẻ gạo cho người nghèo. Số người nghèo được anh cấp gạo mỗi tháng trên 100 người (mỗi người 10 kg gạo/tháng và dầu ăn).
Phát áo ấm cho trẻ em miền núi. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh Trung lập Facebook kết nối bạn bè để quyên góp tiền ủng hộ người nghèo: “Ngoài những gia đình được phát gạo hằng tháng, tôi bắt đầu có nhiều chương trình phát áo ấm, gạo cho những người dân miền núi Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam… Nhìn những đứa trẻ khoác lên mình chiếc áo mới ấm áp chạy nhảy trên sân trường và khắp ngõ xóm lòng tôi cảm thấy ấm áp vô cùng…”.
Bên cạnh những người được phát gạo, anh Trung cũng thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại nhờ giúp đỡ: “Cách đây hai tháng, chị Mai Thị Hòa ở phường Hòa Vang (Đà Nẵng) có con sáu tháng tuổi bị bệnh tim. Nhà nghèo, chồng làm xe ôm, vợ nhặt ve chai nên không có tiền chữa trị. Chị Hòa điện thoại nhờ tôi giúp đỡ. Tôi liền đi vào Đà Nẵng giúp chị ít tiền để chị lo viện phí và chi tiêu hằng ngày. Nhưng do bệnh tình bé quá nặng nên không qua khỏi”.
Mùa bão vừa qua, chị Nguyễn Thị Liễu ở phường Hương Sơ, TP Huế cũng viết thư nhờ con mình mang đến cho anh Trung. Trong thư chị kể chồng mất, một mình chị nuôi năm đứa con bằng nghề nhặt ve chai quanh TP. Nhưng mấy hôm liền chị bị bệnh nặng nên không có gạo ăn… “Đọc xong thư, mẹ tôi liền đi chợ mua bảy cân thịt heo, rau quả…, còn vợ tôi đi mua áo quần và đưa gạo xuống cho gia đình chị. Nhận được quà từ gia đình tôi, chị bật khóc. Từ đó, tháng nào tôi cũng cấp gạo cho chị…” - anh Trung kể thêm về một trường hợp khác.
Anh Trung từng đi nhiều nơi để giúp đỡ người nghèo nhưng không phải sau chuyến đi nào lòng anh cũng thanh thản. Cách đây ba năm, anh đi cứu trợ đồng bào Rục ở Minh Hóa (Quảng Bình) và đã chứng kiến cuộc sống cơ cực của bà con, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng khiến không ít người bệnh tật. Trước đó, Nhà nước đã có nhiều dự án nước sạch cho bà con bằng cách đào giếng nhưng do họ đào quá nông nên không gặp mạch nước ngầm mà chỉ lấy được nước nông, sử dụng vài tháng váng bẩn đã tạo thành từng lớp dày cộm người dân không thể dùng. Vì vậy, người Rục ai cũng ước mơ có một nguồn nước ngầm sạch. “Tôi bắt đầu đến đây khảo sát nhiều tuần liền nhưng chi phí để đào ba giếng ngầm cho ba thôn tốn trên 1 tỉ đồng, ngoài dự đoán trước đây, tôi buộc phải hoãn việc đào giếng để chờ kinh phí từ người thân và bạn bè. Gần đây, một tổ chức phi chính phủ nhận lời tài trợ tiền cho dự án nước sạch đến người Rục. Sau khi khảo sát thực địa chuẩn bị tiến hành khoan giếng thì tổ chức này xin rút do vướng thủ tục. Dự án một lần nữa chưa thể thực hiện.Tôi cảm thấy buồn và còn nợ người nghèo” - anh Trung tâm sự. _____________________________________________ Hiện nay tôi đang khảo sát xem trên địa bàn TP Huế có bao nhiêu người làm nghề xích lô, xe thô, vé số… Sau đó tôi sẽ mở một quán cơm từ thiện với giá 2.000 đồng và phát thẻ cho những người này vào ăn cơm. Ngoài ra, tôi sẽ lập đường dây nóng theo số điện thoại 0935.499.090 để nhận giúp đỡ những cảnh đời không may mắn cũng như đón nhận sự đóng góp của mọi người… Anh TRẦN NAM TRUNG, TP Huế |
VIẾT LONG