Hôm qua (22-5), trong phiên làm việc buổi sáng ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) đã thảo luận, thông qua nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến công tác nhân sự.
Cụ thể, QH tiếp tục làm quy trình để bầu Chủ tịch nước. Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Tô Lâm (64 tuổi, quê Hưng Yên), Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Với 472/473 đại biểu có mặt tán thành, QH đã thông qua nghị quyết bầu ông Tô Lâm giữ chức vụ Chủ tịch nước.
“Nhận thức sâu sắc trách nhiệm to lớn...”
Ngay sau đó, tân Chủ tịch nước Tô Lâm đã tuyên thệ nhậm chức. “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước QH và đồng bào, cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó” - Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ.
Trong phát biểu sau lễ nhậm chức, tân Chủ tịch nước Tô Lâm đã bày tỏ cảm ơn QH đã tín nhiệm bầu và giao cho ông trọng trách Chủ tịch nước. Ông cũng trân trọng cảm ơn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tin cậy giới thiệu ông đảm nhận trọng trách cao cả này.
“Tôi ý thức sâu sắc rằng đây là vinh dự, là trách nhiệm to lớn, đồng thời là cơ hội để cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư dốc toàn bộ tâm sức, trí lực phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân…” - Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ.
“Đây là vinh dự, là trách nhiệm to lớn, đồng thời là cơ hội để tôi cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư dốc toàn bộ tâm sức, trí lực phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân…”
Chủ tịch nước Tô Lâm
Tân Chủ tịch nước cũng nói sẽ nguyện mãi mãi khắc ghi và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh; của các bậc tiền bối, của hàng triệu anh hùng liệt sĩ, những người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và nghĩa vụ quốc tế cao cả. Những đóng góp to lớn của Nhân dân, những người đã quên mình trong lao động, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thân yêu của chúng ta.
Ông khẳng định dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, nhạy bén của Đảng; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân; sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay.
“Đây là những tiền đề hết sức quan trọng để tôi có thể hoàn thành tốt trọng trách được giao trên cương vị Chủ tịch nước” - ông nói và nhấn mạnh việc này cũng đặt ra yêu cầu, kỳ vọng cao hơn trong giai đoạn phát triển mới nhằm tạo ra những kỳ tích mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
“Nhận thức sâu sắc trách nhiệm to lớn trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân, tôi xin hứa sẽ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước đã được hiến định. Tích cực thực hiện nhiệm vụ đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh của đất nước; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các tổ chức trong hệ thống chính trị phát huy nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”. Nỗ lực thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối của Đảng, trước hết là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu của đất nước 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là CHXHCN Việt Nam, đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng XHCN” - tân Chủ tịch nước nói.
Kiên định đường lối ngoại giao “cây tre Việt Nam”
Chủ tịch nước Tô Lâm nói ông sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân trong giai đoạn mới. Song song đó là kiến tạo nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, tiên tiến, phát triển; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại…
Ông cũng cho biết sẽ chăm lo xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của Nhân dân.
“Tôi sẽ cùng với các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” - ông nói và khẳng định sẽ thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; phát huy dân chủ XHCN đi đôi với củng cố trật tự, kỷ cương.
Tân Chủ tịch nước khẳng định ông sẽ kiên định và triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, mang đậm bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam”, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; kết hợp chặt chẽ đối ngoại của Đảng với ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân…
“Tôi xin hứa đoàn kết thống nhất trong tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các lãnh đạo chủ chốt, không ngừng rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, đề cao trách nhiệm nêu gương, ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cuối bài phát biểu, ông mong nhận được sự chỉ đạo, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, địa phương và đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài để hoàn thành trọng trách được giao.
Sáng 22-5, QH đã phê chuẩn Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn là ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, với 100% đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành.
Hiện cơ cấu của Hội đồng Quốc phòng và An ninh gồm Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; phó chủ tịch hội đồng là Thủ tướng. Bốn ủy viên hội đồng gồm Chủ tịch QH, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bộ trưởng Bộ Công an, bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
*****
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ được giao điều hành Bộ Công an
Cũng trong sáng 22-5, với đa số đại biểu tán thành, QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công an với Đại tướng Tô Lâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có quyết định giao Thượng tướng Trần Quốc Tỏ (ảnh), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, điều hành hoạt động của Bộ Công an cho đến khi kiện toàn chức danh bộ trưởng Bộ Công an.
Ông Trần Quốc Tỏ 62 tuổi, quê Ninh Bình. Ông là phó giáo sư ngành khoa học an ninh, tiến sĩ tội phạm học và điều tra tội phạm. Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa XII và XIII; đại biểu QH, ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH khóa XIV và XV.
Ông được phong cấp hàm Thượng tướng vào tháng 1-2022. Ông có thời gian dài công tác trong ngành công an và kinh qua nhiều vị trí quan trọng. Tháng 3-2014, ông giữ chức vụ phó bí thư Tỉnh ủy rồi phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên, bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Từ tháng 5-2020 đến nay, ông giữ cương vị thứ trưởng Bộ Công an.
*****
Ý KIẾN
Ông NGUYỄN VĂN PHÚC, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH:
Xử lý cán bộ vi phạm giúp củng cố lại niềm tin của Nhân dân
Là một công dân, một đảng viên, một cựu đại biểu QH, thời gian qua tôi rất quan tâm theo dõi những diễn biến về công tác nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước. Có thể nói là chưa từng có trong các nhiệm kỳ trước.
Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần khẳng định rằng các quyết định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất sáng suốt, kiên quyết và mạnh mẽ. Tôi nhận thấy đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân rất tán thành, ủng hộ các quyết định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đối với các cán bộ cấp cao như vừa qua.
Việc nhiều cán bộ cấp cao vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước và những biến động nhân sự như thời gian qua đã phần nào tác động đến tâm lý của cán bộ, đảng viên và người dân cũng như một số nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc các cán bộ đó vi phạm bị kỷ luật, bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, bị thay thế, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự như vừa qua cũng góp phần lấy lại, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và người dân đối với chế độ ta.
Tham nhũng, tiêu cực vẫn còn thì cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn. Chắc chắn cán bộ tham nhũng, tiêu cực cho dù ở cấp nào cũng sẽ bị xử lý và thay thế. Vấn đề là phải quán triệt đúng đắn, hợp tình, hợp lý các quy định của Đảng, thượng tôn hiến pháp và pháp luật, làm thế nào để bảo đảm ổn định, phát triển và hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của Nhân dân.
--------
Cử tri NGUYỄN HỮU NGỮ, quận Bình Tân, TP.HCM:
Phải luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết
QH vừa kiện toàn các vị trí nhân sự lãnh đạo chủ chốt của đất nước. Đây là việc vô cùng hệ trọng mà cử tri chúng tôi mong chờ và kỳ vọng.
Tôi cho rằng đội ngũ nhân sự có ổn định thì mới phát triển đất nước được. Lúc này trong bối cảnh chung với thế giới, nước ta cũng gặp những khó khăn nhất định về kinh tế - xã hội. Nếu bên trong, chúng ta cũng có những biến động thì làm sao đất nước phát triển, hội nhập được.
Hơn hết, tôi mong rằng lãnh đạo chủ chốt phải là những cán bộ thật sự gương mẫu, phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Đất nước không thể phát triển nếu những người cán bộ đầu tàu lại là người sai phạm, tham nhũng. Tôi mong Chủ tịch nước nguyên là bộ trưởng Bộ Công an, phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi đặt tay lên cuốn Hiến pháp và tuyên thệ sẽ thực sự đặt lợi ích của dân tộc lên hàng đầu.
----------
Cử tri NGUYỄN HỮU CHÂU, quận 3, TP.HCM:
Cán bộ phải luôn rèn luyện, “tự soi, tự sửa”
Theo dõi kỳ họp QH lần này, thấy Trung ương kiện toàn các nhân sự lãnh đạo chủ chốt, cử tri chúng tôi mừng nhưng cũng lo. Những cán bộ trước, cử tri gửi gắm, đặt để kỳ vọng rất nhiều nhưng họ đã không giữ mình được.
Những cán bộ lần này được tín nhiệm đều là những người đã có thời gian trải qua rèn luyện ở nhiều vị trí và có cống hiến nhất định cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tôi mong các vị sẽ luôn giữ phẩm chất trong sáng, sống và làm việc hết mình vì dân, xứng đáng với sự hy sinh xương máu của đồng bào, anh hùng liệt sĩ.
Cán bộ làm ở vị trí càng cao càng phải lắng nghe người lao động, càng phải yêu nước, yêu dân. Quyền lực của cán bộ càng lớn thì càng phải nhớ đến quyền lợi của người dân, vì chung quy anh là đại diện của người dân, được QH - đại diện tiếng nói cử tri - bầu ra.
Tôi mong rằng các cán bộ chủ chốt sẽ luôn luôn rèn luyện, “tự soi, tự sửa” hằng ngày như rửa mặt vậy; phải liêm chính, trong sáng, lấy dân làm gốc.
CHÂN LUẬN - LÊ THOA ghi