Trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ sáng 21-5, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình.
Điểm thắng cảnh không thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ
Dự thảo Luật được chỉnh sửa nội dung 82 Điều, trong đó chỉnh lý 260 khoản, 203 điểm; bỏ 7 Điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới và sắp xếp lại vị trí 3 điều.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật đã được tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với mục tiêu xây dựng Luật, đủ điều kiện báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua.
Trong báo cáo tóm tắt, ông Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến đề nghị quy định về trạm dừng nghỉ dưới hai hình thức là điểm thắng cảnh và điểm dừng đỗ xe, đổ xăng, nghỉ ngơi.
Lý do là hiện nay nhiều nơi có cảnh đẹp nhưng đường cao tốc đi qua sẽ không dừng lại được. Chính vì vậy, nếu quy định như vậy sẽ giúp người dân khi đi trên đường cao tốc qua các điểm danh lam thắng cảnh có thể rẽ vào nghỉ ngơi, ngắm cảnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trạm dừng nghỉ là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng dọc theo các tuyến đường bộ để cung cấp dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông.
“Điểm thắng cảnh không thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ, không trực tiếp phục vụ hoạt động giao thông đường bộ nên quy định trong dự thảo Luật này là không phù hợp” – Thường vụ Quốc hội nêu và đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình.
Cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ là hệ thống thông tin rất đồ sộ
Liên quan đến cơ sở dữ liệu đường bộ, ông Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến cho rằng dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đường bộ. Như vậy, cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ là hệ thống thông tin rất đồ sộ, đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình, nguồn lực đầu tư phù hợp.
Đồng thời, ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng được sử dụng, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giao thông…
Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và chỉ đạo chỉnh lý Điều 6, quy định cơ sở dữ liệu đường bộ được thiết kế, xây dựng, vận hành theo khung kiến trúc tổng thể quốc gia số nhằm bảo đảm tính kết nối, chia sẻ.
Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (đoàn TP Hà Nội) cho biết điểm a, khoản 1, Điều 6 dự thảo Luật quy định cơ sở dữ liệu về quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ. Do đó, cần bổ sung phương án phát triển đường bộ trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch hạ tầng đô thị và các quy hoạch khác liên quan để đảm bảo đầy đủ các dữ liệu về quy hoạch.
Còn đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu thêm về quản lý, sử dụng tài sản công là công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ.
Đại biểu Nam dẫn chứng theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công, các tài sản công là công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức giao quyền khác theo quy định.
Với công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ được đầu tư thông qua huy động các nguồn lực xã hội khác cũng phải được theo dõi, quản lý.
“Việc xác lập cơ sở dữ liệu đường bộ hết sức rõ ràng, cụ thể và phân định trách nhiệm theo dõi, quản lý tổng thể, cụ thể và đầy đủ cả về hiện vật, giá trị, đối tượng và nguồn lực sử dụng, hiện trạng và quá trình quản lý, sử dụng” – ông Nam nhìn nhận.
Đại biểu Nam cũng cho rằng thời gian qua cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công nên việc theo dõi chưa đầy đủ, cập nhật chưa kịp thời…
Từ thực tế đó, ông đề nghị cần sửa đổi, bổ sung về hình thức xử lý, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện cho phù hợp với đặc thù tài sản và thực tế.