Những cán bộ khu phố, ấp nửa đời người cống hiến thầm lặng

Những cán bộ khu phố, ấp nửa đời người cống hiến thầm lặng

(PLO)- Nhiều người hoạt động khu phố, ấp cống hiến thầm lặng cả nửa đời người vẫn không thể nào quên ký ức của những ngày tháng chống dịch COVID-19.

Sau đợt sắp xếp khu phố, ấp hồi tháng 4 vừa qua, bên cạnh hàng ngàn người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố, tổ nhân dân đã tạm biệt vai trò của mình thì có những người vẫn miệt mài gắn bó với nhiệm vụ chính trị thầm lặng và cao cả.

Dù lúc này họ còn làm hay đã “về hưu thực sự”, TP.HCM ngày hôm nay luôn tri ân, biết ơn các đóng góp, cống hiến, hy sinh thầm lặng ấy của họ.

nhung-can-bo-khu-pho-ap-nua-doi-nguoi-cong-hien-tham-lang-nguyen-khac-em.jpg
Ông Nguyễn Khắc Êm (79 tuổi, phường Bến Nghé, quận 1) trong suốt 48 năm làm tổ trưởng tổ dân phố vẫn cọc cạch trên chiếc xe đạp để đến nhà dân mỗi ngày. Ảnh: LÊ THOA

Mấy mươi năm giúp đỡ dân

Nhâm nhi tách trà, ông Nguyễn Khắc Êm (79 tuổi, phường Bến Nghé, quận 1) từ tốn kể lại hành trình 48 năm làm công tác ở khu phố.

Năm 1976, sau giải phóng, ông Êm được địa phương vận động làm tổ trưởng tổ dân phố, chẳng mấy đắn đo, ông nhận lời ngay. “Tôi thấy mọi người tín nhiệm thì tôi làm thôi. Hồi đó, tôi nghĩ đơn giản làm tổ trưởng là giúp đỡ bà con. Những ai khó khăn, trắc trở thì mình giúp đỡ, không giúp được thì báo cáo lên phường; rồi phụ với chính quyền, có thông tin thì đưa xuống cho bà con” - ông Êm kể và nói đến nay ông đã làm tổ trưởng của nhiều tổ dân phố tại khu phố 3 trước khi TP.HCM sắp xếp.

Hằng ngày cọc cạch trên chiếc xe đạp, ông gõ cửa từng nhà dân, tỉ tê từng câu chuyện. Nhớ lại giai đoạn mới công tác, ông Êm cho biết công việc đặc thù hơn do miền Nam mới giải phóng không lâu. “Lúc đó phải quản lý sổ gạo, sổ dầu của dân, lấy về, tập hợp người dân để phân phối rồi kiểm tra sổ sách…” - ông Êm nói.

Trong thời gian ấy cũng mấy lúc khó khăn nhưng ông Êm vẫn kiên định tâm niệm giúp đỡ người dân để tiếp tục công việc này mà không đắn đo, nghĩ ngợi. Chính vì vậy, khi nghe được TP tuyên dương, ông rất bất ngờ nhưng cũng rất vui. Dù nay sức khỏe đã yếu nhưng ông Êm bảo nếu được địa phương mời tiếp tục công việc thì ông vẫn luôn sẵn lòng.

Cũng mang tâm niệm ấy, ông Trần Hữu Cần (69 tuổi, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) làm tổ trưởng từ thời điểm quận chưa thành lập. Lúc bấy giờ nơi này vẫn thuộc huyện Bình Chánh, đến năm 2003 quận Bình Tân được thành lập trên cơ sở ba xã thuộc huyện này, đến nay cũng đâu đó hơn 23 năm.

tran-huu-can-cong-hien-cua-can-bo-khu-pho-ap.jpg
Ông Trần Hữu Cần (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) nói sau khi “về hưu”, ông ở nhà vui vầy và phụ giúp con cháu. Ảnh: LÊ THOA

“Lúc tôi mới làm, công việc cũng khá vất vả do phải khảo sát nhiều thông tin của dân cư cho chính xác, địa bàn lại rộng lớn, mình phải đi từng ngóc ngách để lấy thông tin, phụ cấp khoảng 50.000 đồng/tháng” - ông Cần kể.

Sau này khi đã quen việc, mọi thứ dường như cũng nhẹ nhàng hơn với ông Cần. “Dân có khó gì thì mình giúp, chính quyền muốn truyền đạt gì đến dân thì mình thay lời” - ông Cần nói.

Ông Cần cũng chia sẻ khu phố muốn ông ở lại làm chủ tịch Hội Người cao tuổi nhưng vì sức khỏe không còn như trước nên ông về hưu. Mỗi ngày ra ra vào vào phụ con gái gánh hàng bánh cuốn nhỏ mà như ông Cần gọi là “sống vui với tuổi già”.

Nhớ nhất “mùa COVID-19”

Đối với những người làm công tác khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, điều nhớ nhất là khoảng thời gian chống dịch COVID-19, dù lớn tuổi nhưng ngày ngày đều vào “tâm dịch”. Những người chiến đấu năm ấy cùng nhau, có người đã mất vì dịch, những người ở lại - đến giờ vẫn không thể nào quên những ký ức ấy.

“Lúc đầu chưa có vaccine. Dù len lỏi từng nhà nhưng may sao không bệnh, khi dịch bệnh qua rồi, tháng 12-2021 thì cả nhà tôi bị. Giờ nghĩ lại thấy cũng may mắn, bởi mình bị lúc đó thì ai sẽ lo cho dân” - ông Cần trầm ngâm kể.

Ông Võ Văn Diệp, trưởng khu phố 1, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, xúc động chỉ vào từng điểm tại trụ sở văn phòng khu phố và kể lại thời điểm mà nơi đây không khác gì nhà của ông cùng các lực lượng tại chỗ.

vo-van-diep-can-bo-khu-pho-ap.jpg
Ở tuổi ngoài 60, ông Võ Văn Diệp, Trưởng khu phố 1 (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) ngày ngày vẫn miệt mài gắn bó với công việc tại khu phố. Ảnh: HỒNG THẮM

“Suốt gần nửa năm sống và làm việc tại trụ sở, nhiều anh chị em có người đã mắc bệnh đến 2-3 lần vẫn kiên trì tự cách ly, chờ khỏi bệnh rồi lại tiếp tục đứng lên chống dịch. Bởi khi các khu vực bị phong tỏa, nếu lực lượng tại chỗ không vào thì ai sẽ chăm lo cho bà con?” - ông Diệp xúc động nói.

Kể lại quãng thời gian đó, không ít lần khuôn mặt ông Diệp ánh lên niềm vui pha lẫn tự hào vì suốt hành trình cam go ấy, may mắn thay tất cả anh em trong lực lượng chống dịch COVID-19 vẫn bình an. Bản thân ông Diệp dù đã trải qua cơn bệnh kéo dài gần một tháng cũng vẫn kiên cường vượt qua để tiếp tục nhiệm vụ.

Để lại nhiều công trình ý nghĩa

Sau thời gian chống dịch đầy khó khăn, những cán bộ như ông Võ Văn Diệp vẫn luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người đứng đầu mô hình tự quản ở cơ sở, tiếp tục đặt mục tiêu chăm lo cuộc sống của người dân lên hàng đầu.

Với mục tiêu ấy, ông Diệp quyết tâm xây dựng những công trình, mô hình ý nghĩa trong nhân dân. Một trong những công trình góp phần thay đổi đáng kể đời sống người dân được ông Diệp và cả khu phố góp sức thực hiện là hệ thống camera an ninh 83 mắt.

Với kinh phí vận động trong dân gần 700 triệu đồng, hoàn thành trong sáu tháng, ông Diệp cho biết từ khi có hệ thống camera an ninh, tình hình trật tự khu vực được cải thiện rõ rệt, công an đã bắt và xử lý nhiều vụ trộm cắp thông qua trích xuất hệ thống camera này.

“Điều tôi nhớ nhất trong quá trình vận động là có những gia đình làm ăn khá giả, có điều kiện sẵn sàng đóng góp vượt số tiền để bù cho những hộ khó khăn khác” - ông Diệp tâm sự và cho biết đây cũng là lý do thôi thúc ông không ngừng nỗ lực để hoàn thành tốt những công trình sau này.

Khi được hỏi về lý do tiếp tục công việc, ông Diệp chia sẻ: “Tôi đã nghĩ đến chuyện nghỉ hưu nhưng phải đợi thêm vài năm, khi lớp trẻ cứng cáp hơn, tôi sẽ bàn giao lại công việc rồi nghỉ”. Ông Diệp cho biết điều mong muốn nhất bây giờ là phấn đấu xây dựng để các tuyến hẻm dân cư không chỉ đảm bảo an toàn, văn minh, sạch đẹp mà còn thân thiện, nghĩa tình.

Những cán bộ khu phố, ấp nửa đời người cống hiến thầm lặng
Ông Bùi Đức Sảng, Bí thư Chi bộ khu phố 12, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, trao tặng quà trung thu cho các em thiếu thi vào lúc chống dịch. Ảnh: NVCC

Là “chủ” mô hình Tổ dân phố nghĩa tình nhưng ông Bùi Đức Sảng, Bí thư chi bộ khu phố 12, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, khiêm tốn bảo những đóng góp đó là “nhỏ bé”. Dù vậy, ông Sảng cũng không giấu được niềm vui khi nhìn lại dấu ấn của mình trong phong trào xây dựng và phát triển TP.

Ở tuổi ngoài 70, ông Sảng hằng ngày vẫn tiếp tục với công việc khu phố. Chính tinh thần cần mẫn, thấu hiểu đời sống của người dân, mong muốn “lấy sức dân chăm lo cho dân” mà những năm 2010, ông và chi bộ khu phố 3 trước đó đã cho ra mắt mô hình Tổ dân phố nghĩa tình. Mô hình này sau đó được nhân rộng ra toàn phường, quận và TP, bản thân ông cũng được cử ra Thủ đô Hà Nội để báo cáo.

Dân vận giỏi giang

Chúng tôi đến gặp bà Trần Thị Thùy Nga, Bí thư chi bộ khu phố 2, phường 9, quận Phú Nhuận, người đã cùng ban điều hành khu phố nhiều tháng liền xuống vận động từng hộ dân đóng góp “thay áo mới” cho hẻm 423 đường Nguyễn Kiệm vào một ngày tháng 10.

Ở tuổi hơn 60, với dáng hình gầy gò, ít ai nghĩ bà Nga lại là người năng nổ và có nhiều đóng góp trong công tác dân vận để nâng cấp, mở rộng các tuyến hẻm trên địa bàn.

“Ban đầu khi tôi vận động mọi người đóng góp 195 triệu đồng nâng cấp hẻm 423 thì người dân không đồng ý. Sau đó mỗi lần mưa tới, tôi hay đi ra đi vào hẻm để xem tình hình thế nào, có một chủ doanh nghiệp xây dựng thấy thương quá nên bảo tôi cứ vận động rồi họ sẽ hỗ trợ thêm” - bà Nga nhớ lại và cho biết từ ngày hẻm 423 được “khoác áo mới”, người dân ai cũng phấn khởi.

25-12-P2+3-tri-an-khu-pho-ap-chan-trang-hong-tham.jpg
Nhiều khu vui chơi sau khi được cải tạo đã trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng thường xuyên của khu phố. Ảnh: HỒNG THẮM

Trong hơn 10 năm làm việc ở khu phố, bà Nga đã giúp nâng cấp năm tuyến hẻm, mở rộng hai hẻm và làm hàng chục công trình dân vận khác như xây dựng khu phố xanh, sạch đẹp, trao học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Bà Nga tâm sự nhiều lần thấy dân vận khó nên nản nhưng rồi lại tự động viên bản thân và ban điều hành khu phố cùng làm để hỗ trợ đời sống của người dân. “Quan niệm của tôi là nếu cứ nghĩ khó hoài sẽ không làm được, khó tới đâu mình gỡ tới đó. Nhiều khi thấy khó quá cũng nản lắm nhưng ai cũng nản thì ai sẽ làm, nghĩ vậy nên tôi luôn động viên ban điều hành khu phố cùng làm” - bà Nga tâm tình.

Bà Vũ Thúy Hòa, Bí thư chi bộ khu phố 11, phường 9, quận Phú Nhuận, cũng cho rằng muốn hoạt động khu phố mới đi vào nề nếp, ổn định thì người đứng đầu phải xông pha đi trước, làm trước để tạo niềm tin trong dân, cũng như hướng dẫn công việc cho ban điều hành khu phố.

Đa số khoản phí, bà Hòa đều đến từng nhà vận động, nói chuyện tỉ tê với người dân. Nhờ vậy, trong đợt bão số 3, khu phố 11 vận động ủng hộ được 131 triệu đồng trong tổng số hơn 500 triệu đồng của phường 9, nhiều nhất trên toàn phường.

*****

375 cuốn kỷ yếu “ghi” tâm tình lực lượng tham gia khu phố

Nhằm tri ân những người hoạt động ở khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, các địa phương trên địa bàn TP.HCM đều chủ động có các hình thức tuyên dương, khen thưởng riêng.

Bên cạnh việc tổ chức hội nghị tri ân, các phường trên địa bàn quận 3 đều thực hiện các cuốn kỷ yếu ghi lại hành trình hoạt động của lực lượng tham gia khu phố, tổ dân phố.

Bà Trần Thị Mỹ Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Võ Thị Sáu, quận 3, nhìn nhận trong nhiều năm qua các cô, chú ở Ban điều hành khu phố, tổ dân phố đã góp phần giúp phường thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. “Nhớ nhất là giai đoạn dịch COVID-19, dù có nhiều cô, chú đã lớn tuổi nhưng không ngại khó khăn, nguy hiểm ra tuyến đầu chống dịch”- bà Hương nhắc lại.

Nhìn lại nhìn lại chặng đường hoạt động, điều hành của khu phố, tổ dân phố với nhiều đóng góp tích cực, bà Hương cho biết UBND phường Võ Thị Sáu đã thực hiện nhiều hoạt động để tri ân các cô, chú.

Tại lễ công bố Nghị quyết của HĐND TP về việc sắp xếp khu phố, phường Võ Thị Sáu đã trao thư tri ân đến các cô, chú. Sau đó, phường cũng tổ chức chương trình nghỉ mát hai ngày một đêm tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, và trao 400 phần quà.

ky-yeu-phuong-vo-thi-sau-tri-an-khu-pho.jpg
Ông Lê Văn Sáng, Bí thư chi bộ khu phố 21, phường Võ Thị Sáu, quận 3, xem cuốn kỷ yếu được phường trao tặng làm kỷ niệm. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Đặc biệt, phường Võ Thị Sáu đã in 375 cuốn kỷ yếu nhằm tri ân hành trình hoạt động các cô chú. “Cuốn kỷ yếu có đầy đủ thông tin, hình ảnh chân dung của các cô chú từng tham gia khu phố, tổ dân phố cũng như các hình ảnh hoạt động ngày trước. Đây như một cách để lưu giữ lại kỷ niệm, những đóng góp của cô, chú cho sự phát triển của phường Võ Thị Sáu” - bà Hương nói và cho biết cuốn kỷ yếu được gửi đến từng cô chú đã, đang tham gia hoạt động khu phố, ấp với tình cảm trân quý nhất.

Phó Chủ tịch UBND phường Võ Thị Sáu đánh giá chủ trương sắp xếp khu phố được người dân hưởng ứng, đồng thuận cao. “Việc này giúp tăng cường sự gần gũi, có thể trực tiếp truyền tải các thông tin và chính sách đến người dân và tạo điều kiện thuận lợi để quản lý và phát triển địa phương”- bà Hương nhận định.

Nâng niu cuốn kỷ yếu được phường tặng, ông Lê Văn Sáng, Bí thư Chi bộ Khu phố 21 (phường Võ Thị Sáu, quận 3), chia sẻ: “Cuốn kỷ yếu được tôi giữ kỹ lắm, mai sau dù có không còn tham gia hoạt động khu phố nữa thì vẫn có cái giữ làm kỷ niệm”.

Ông Sáng kể sau khi có thông tin sắp xếp khu phố, nhiều người tâm tư nhưng lãnh phường Võ Thị Sáu luôn dành nhiều lời động viên và tổ chức nhiều hoạt động tri ân lực lượng tham gia ban điều hành khu phố, tổ dân phố.

“Hôm trước cả phường được cho đi chơi ở TP Phan Thiết và còn được trao quà mang về. Việc tri ân làm chúng tôi cảm thấy những gì mình đóng góp được ghi nhận, thêm động lực để tiếp tục tham gia vào ban điều hành khu phố mới” - ông Sáng kể.

Bà Phạm Thị Xuân Trang, Phó Chủ tịch UBND phường 4 (quận Phú Nhuận) cũng thông tin phường đã tổ chức Lễ tri ân người tham gia hoạt động khu phố, tổ dân phố tại TP Phan Thiết và trao tặng các phần quà. Đồng thời, đề xuất danh sách lên quận, TP khen thưởng những người hoạt động xuất sắc.

*****

Tôn vinh, trân trọng mọi đóng góp của các cô, các chú

Thực hiện chủ trương sắp xếp khu phố, ấp, quận Bình Tân từ 130 khu phố và 1.699 tổ dân phố đã sắp xếp thành 366 khu phố.

Đến nay, hoạt động của các khu phố mới dần đi vào ổn định, nền nếp. Đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở khu phố nhiệt tình, tận tâm với công tác, tích cực tham gia cùng với chính quyền trong việc truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, quy định pháp luật của nhà nước, thông tin kinh tế - xã hội – an ninh – quốc phòng tại địa phương đến người dân.

Qua thực tiễn, việc sắp xếp lại khu phố đã xây dựng khu phố sát dân, gần dân hơn, tinh gọn bộ máy, phát huy tự quản của cộng đồng dân cư…

Sau khi sắp xếp, quận đã bố trí các khu phố sử dụng chung trụ sở đã có hoặc bố trí địa điểm phù hợp sau khi sắp xếp lại khu phố mới. Đồng thời vận dụng linh hoạt hình thức xã hội hóa để đảm bảo 366/366 khu phố có địa điểm, sinh hoạt.

Quận cũng tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động khu phố, tổ dân phố nhằm trân trọng ghi nhận kết quả hoạt động và tôn vinh đóng góp của các cá nhân trong quá trình tham gia. Tại đây, quận đã khen thưởng đối với hơn 400 người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, tổ dân phố tham gia làm nhiệm vụ từ 20 năm trở lên.

Nhìn lại chặng đường vừa qua, chúng tôi đánh giá mô hình tổ chức tự quản khu phố, tổ dân phố được xây dựng, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn ở một đô thị có mật độ dân số đông.

Người hoạt động không chuyên trách cũng đã cống hiến công sức, trí tuệ cho sự phát triển chung của phường và quận… Dù kinh phí hỗ trợ còn thấp nhưng với tinh thần trách nhiệm, các đồng chí, cô chú, anh chị vẫn làm tốt công việc.

Đặc biệt, trong hơn hai năm phòng, chống dịch COVID-19, vai trò cầu nối giữa người dân với chính quyền của những người làm việc tại khu phố, tổ dân phố lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các cô chú, anh chị đã góp phần quan trọng to lớn trong kết quả chống dịch COVID-19.

Chính vì lẽ đó mà quận Bình Tân luôn ghi nhận, tôn vinh và trân trọng cảm ơn sự đóng góp to lớn cả về trí tuệ, tài sản, vật chất, công sức, tinh thần của các cô chú, anh chị, các lực lượng tại cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trong đó nhiều người đã hy sinh cả sức khỏe, quyền lợi của bản thân, quyền lợi của gia đình vì sự nghiệp phòng chống đại dịch, vì sức khỏe của người dân. Thậm chí, nhiều người đã ra đi mãi mãi không bao giờ trở lại…

THỊ NGỌC DUNG, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân

*****

Ý KIẾN

Ông NGUYỄN VĂN NGÂN, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân:

Một phường tri ân 800 người

Đảng ủy, UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân cảm ơn sự đóng góp của cô chú làm công tác khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân trong thời gian qua. Cô chú đã đóng góp cả thời gian và sức lực của mình để làm tròn nhiệm vụ, nhất là khoảng thời gian chống dịch COVID-19, đã xả thân, quên mình, không ngại khó, ngại khổ dù việc gì cũng đến tay.

Nhờ những đóng góp thầm lặng ấy đã giúp phường luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Ghi nhận công lao ấy, phường thực hiện tri ân hơn 800 cô chú, anh chị có cống hiến ở khu phố từ 10 năm trở lên. Mong rằng cô chú, anh chị dù còn gắn bó với công việc này hay không thì vẫn luôn ủng hộ, đồng hành với địa phương trong hành trình phía trước.

-----

TRẦN THỊ HỒNG CÚC, Bí thư Đảng ủy phường Tây Thạnh, quận Tân Phú:

Trở thành người thân của bà con

Những năm qua, trên địa bàn phường có rất nhiều cô chú đã gắn bó bền bỉ, ngày đêm tận tụy vì nhân dân, tham gia các hoạt động địa phương liên tục suốt nhiều năm từ khi phường Tây Thạnh, quận Tân Phú còn là phường 15, quận Tân Bình.

Nhiều cô chú dù sức khỏe không cho phép, dù bận rộn với gia đình, con cháu nhưng khi người dân cần vẫn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, không ngại nắng mưa, đêm hôm, dịch bệnh để hỗ trợ bà con trong từng tổ dân phố, khu phố. Từng cán bộ khu phố, tổ dân phố đã trở thành những người thân quen, gắn bó với người dân.

Trong quá trình ấy, những cống hiến của từng người không thể đo đếm bằng số lượng công việc hay thời gian mà tất cả đều xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, vì cộng đồng. Chính tinh thần ấy đã đóng góp rất lớn vào sự bình yên, công tác an sinh và mọi mặt đời sống xã hội của từng tổ dân phố, khu phố.

-----

NGUYỄN THỤC HÂN, Trưởng phòng Nội vụ quận Phú Nhuận:

Xứng đáng được tri ân vì những nỗ lực không ngừng

Để ghi nhận đóng góp của những người tham gia hoạt động khu phố, tổ dân phố trên địa bàn quận trong thời gian qua, UBND quận Phú Nhuận đã tổng hợp danh sách đề nghị TP.HCM tri ân 1.844 người; hai cá nhân được đề nghị nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 114 cá nhân được nhận bằng khen của UBND TP; 115 cá nhân được nhận Huy hiệu TP. Ngoài ra, hàng trăm người nhận giấy khen cấp quận và phường.

UBND các phường cũng chủ động tổ chức tri ân, khen thưởng thông qua các hoạt động về nguồn, họp mặt, tặng quà, tuyên dương khen thưởng… với tổng kinh phí khoảng 230 triệu đồng.

Quận Phú Nhuận đánh giá cống hiến của các thế hệ cán bộ khu phố, tổ dân phố trước đây rất đáng trân trọng. Bởi dù với hàng loạt công việc không tên nhưng họ đã làm việc không mệt mỏi, góp phần duy trì, đảm bảo an ninh trật tự và phát triển đời sống văn hóa, kinh tế của khu phố. Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn nhất, điển hình trong đợt dịch COVID-19, những cán bộ này luôn là những người tiên phong, đồng hành cùng chính quyền để động viên và hỗ trợ người dân vượt qua thử thách.

Những đóng góp của các thế hệ cán bộ khu phố, tổ dân phố không chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm và tình yêu dành cho địa phương, xứng đáng được ghi nhận và tri ân vì những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.

Đọc thêm