Vợ của Chen vẫn ở ký túc xá mà công ty cô dành cho công nhân, ở cùng thành phố. Hai vợ chồng làm như thế để khỏi phải tự đi thuê nhà, mong tiết kiệm tiền để gửi về quê và mua nhà mai sau.
Trong hàng chục triệu người vui vẻ trong ngày độc thân ở Trung Quốc, có nhiều cặp vợ chồng như nhà Chen cám cảnh vì phải ở xa nhau để mưu sinh.
"Lương của hai chúng tôi cộng lại mới được 8.000 tệ (1.280 USD), mà đã phải chi mất 3.000 cho các nhu cầu thiết yếu, và vẫn gửi tiền về quê cho gia đình", cô Liu nói. "Chúng tôi làm sao có thể vừa thuê một căn hộ vừa tiết kiệm tiền mua nhà được?".
Hôn nhân của họ dường như thiếu sự gắn kết, khi hai người không ở chung.
"Chúng tôi chỉ gặp nhau vào cuối tuần, thậm chí có khi nửa tháng không gặp do phải làm thêm", Liu kể.
"Trong phòng ký túc còn có các đồng nghiệp nữa, thế nên chúng tôi không thể qua đêm cùng nhau ở đó, mà phải ra khách sạn. Chúng tôi chọn những chỗ nào rẻ, chỉ 200 tệ một đêm thôi", người chồng tiếp lời.
Những người độc thân chờ được giới thiệu với bạn trai/gái tiềm năng trong một sự kiện ngày 11/11 tại Thượng Hải. Ngày độc thân được các sinh viên Trung Quốc "sáng chế" trong thập niên 90, như một phiên bản ngày tình nhân cho người độc thân. Trong ngày này, các nam nữ tặng quà hoặc mời nhau đi ăn tối để bày tỏ tình cảm cho đối phương biết. Ảnh: AP.
Kiểu sống như vợ chồng nhà Chen không hiếm ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, nơi chi phí sống và giá nhà ở cao chót vót đối với các cặp vợ chồng trẻ.
Sức hấp dẫn của việc làm và đời sống phong phú ở các đô thị lớn thu hút hàng triệu thanh niên các vùng nông thôn Trung Quốc. Tuy nhiên để có được một cuộc sống tốt ở thành phố lớn, nhiều người đã phải hy sinh những hạnh phúc bình thường.
Wang Xiaoling, một nhân viên văn phòng ở khu trung tâm Bắc Kinh, kết hôn bốn năm trước và nay là cha của một bé gái 3 tuổi. Vợ và con anh vẫn ở Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh miền bắc Hắc Long Giang, bởi nếu cả nhà ở Bắc Kinh thì tốn kém quá.
"Lương cả năm của tôi được 80.000 tệ, làm sao đủ chi cho cả nhà ở đây được", Wang nói. "Nếu vợ tôi bỏ việc ở quê mà đến đây thì bấp bênh quá".
Khoảng cách xa xôi khiến vợ chồng họ ít được ở bên nhau. Wang cho biết anh chỉ gặp vợ mỗi tháng một lần, và việc đi lại tiêu tốn của anh 10.000 tệ mỗi năm. "Thôi thì coi như tiền vé tàu là để đón góp cho GDP của đất nước", Wang đùa.
Các chuyên gia cho biết giá nhà ở cao, chi phí sống đắt đỏ và áp lực công việc ngày càng tăng đang gây khó khăn cho các cuộc hôn nhân ở thành thị, khiến nhiều đôi phải sống xa nhau để giảm chi phí.
"Những đôi vợ chồng sống xa cách có tỷ lệ ly hôn cao hơn, bởi các nhu cầu tâm lý và thể chất của họ không được đáp ứng", Zhao Yongjiu, một chuyên gia của công ty tư vấn hôn nhân và các mối quan hệ ở Bắc Kinh, nói.
Tuy nhien ông Yan Shan, giám đốc Ủy hội hôn nhân gia đình Trung Quốc, tin rằng hiện tượng đó chỉ là nhất thời. "Việc các cặp vợ chồng sống cản tréo ngoeo như thế là có thể hiểu được, là điều khó tránh khỏi trong tiến trình phát triển kinh tế ở Trung Quốc".
"Chings phủ sẽ củng cố kinh tế và nâng cấp hệ thống an sinh xã hội, cân đối phát triển vùng miền để nâng cao điều kiện sống của người dân", Yan cam kết. "Như thế, các đôi sẽ không phải sống xa cách vì tài chính nữa".
Theo Ánh Dương (VNE / China Daily)