Những câu chuyện xứ dừa - Bài 3: Săn chuột dừa liên tỉnh

12 giờ trưa, rẽ vào chợ xã Phú Túc (huyện Châu Thành, Bến Tre), theo con đường rợp mát bóng dừa chúng tôi đi thẳng ra bờ sông Ba Lai. Hai chiếc xuồng máy của đôi vợ chồng bắt chuột chuyên nghiệp vẫn còn cắm sào nằm chờ nước lớn để xuôi dòng tiếp tục cuộc mưu sinh. Chiếc lồng sắt trên mui ghe của họ chứa khoảng 60 con chuột, là sản phẩm sau một đêm đặt bẫy.

Ăn không hết thì bán

Anh Hai Nhỏ (Nguyễn Văn Hai) ngụ xã Quới Thành (Châu Thành) khoe tối hôm qua thắng lớn, bắt được khoảng 6 kg chuột. Có hai con chuột cống nhum to gần bằng bắp tay. Tám chú chuột mập ú được anh làm thịt ngay bên mạn ghe. Chúng tôi gửi xâu thịt chuột lên bờ, nhờ một người quen chiên nước mắm, chờ xong việc nhấm nháp với bia thưởng thức hương vị của món ăn đặc sản nổi tiếng xứ dừa.

… Hai Nhỏ kể anh làm nghề này đã hơn 10 năm. Ban đầu vừa làm vườn vừa bẫy chuột kiếm thức ăn cải thiện cuộc sống gia đình. Dần dà bà con trong xóm tìm đến hỏi mua. “Chuột phá vườn dừa và sinh sản rất nhanh, bẫy được ngày càng nhiều, ăn không hết thì bán vậy” - Hai Nhỏ nói. Khi thịt chuột đã trở thành hàng hóa, thấy mần ăn được, anh chọn và theo đuổi nghề luôn.

Dù là nghề phụ nhưng khoản thu nhập theo thời gian cứ nâng dần, cuốn hút anh trở thành thợ bắt chuột chuyên nghiệp từ lúc nào không hay. Vợ chồng Hai Nhỏ có 6.000 m2 đất trồng cây ăn trái. Họ cũng trải qua nhiều giai đoạn chuyển đổi nghề, như trồng mía, làm nhà che ép mía nấu đường… đến khi định hình được khu vườn chuyên canh, trồng rặt một loại cây chôm chôm, anh chị có thể yên tâm sống một lúc hai nghề…

Những câu chuyện xứ dừa - Bài 3: Săn chuột dừa liên tỉnh ảnh 1

Vợ chồng Hai Nhỏ và sản phẩm chuột dừa thu được sau một đêm đặt bẫy dọc theo sông Ba Lai. Ảnh: T.PHÚC

Nghề ít đụng hàng

Những tháng bận chăm sóc và thu hoạch trái cây thì nghề bẫy chuột tạm gác lại. Khi vườn chôm chôm đã cắt bán hết trái, rải phân… siết nước xong, họ lại nhảy xuống sông lênh đênh suốt ngày đêm tìm chuột để bán. Trong xóm cũng có vài người bạn làm nghề bắt chuột dừa nhưng cánh bạn của anh chỉ làm văn nghệ - săn mồi nhậu. Hoặc thỉnh thoảng rảnh việc, họ đi gài bẫy bắt chuột mướn cho các chủ vườn, làm vài hôm rồi chuyển sang công việc khác.

Riêng Hai Nhỏ quyết định sắm xuồng máy, chuyển vùng đi bẫy chuột xa tận miệt Vũng Liêm, Long Hồ (Vĩnh Long), Cai Lậy, Châu Thành (Tiền Giang). Mỗi chuyến đi thường kéo dài ba ngày ba đêm. Họ mang theo 100 chiếc bẫy tự chế và mấy chiếc lồng sắt rọng chuột. Những chú chuột bắt được trong khoảng thời gian đi xa, để chúng không bị ốm (sụt giảm trọng lượng), anh cho chúng ăn củ sắn và uống nước đều đặn mỗi ngày.

Hai Nhỏ cho biết: Các quán nhậu thu mua chuột dừa đặc sản giá 40.000 đồng/kg chuột hơi. Có được khoản thu nhập khá từ nghề này, cuộc sống gia đình anh cũng dễ thở hơn. Ước tính một chuyến đi ba ngày, mấy chiếc lồng sắt chứa đầy chuột mang về bán cho thương lái ít cũng 500.000-600.000 đồng. Tháng đi bẫy 20 ngày đêm, anh chị có trong tay khoản thu nhập cầm chắc hơn 3 triệu đồng.

Chị Thu Ba, vợ anh, làm “trợ lý” cho chồng từ chuyện cơm nước, giặt giũ, vô mồi từng chiếc bẫy chuột đến chuyện chăm sóc những chú chuột bị nhốt trong lồng sắt. Đi gài bẫy chuột ở các xã lân cận trong huyện, nếu thuận tiện về đường bộ, anh chị thông báo cho các con địa điểm ghe neo đậu. Sáng sớm con trai của anh sẽ tìm đến, chở số chuột vừa bắt được trong đêm về bỏ mối cho các quán.

Mỗi chuyến đi Hai Nhỏ còn mang theo những chiếc ống trúm, mồi nhử để bắt lươn trong mương vườn. Hai, ba ký lươn “chiến lợi phẩm” theo về nhà, mang ra chợ bán cũng bỏ túi thêm vài ba trăm ngàn đồng. Trong nhà anh hầu như bất cứ lúc nào cũng có hai loại đặc sản lươn và chuột dừa rọng sẵn. Ai có đám tiệc, chỉ cần báo trước số lượng đặc sản cần mua là có ngay.

Những câu chuyện xứ dừa - Bài 3: Săn chuột dừa liên tỉnh ảnh 2

Anh Hai Nhỏ - người săn chuột dừa chuyên nghiệp. Ảnh: T.PHÚC

Mưa nắng trên sông

Từ 13 giờ, vợ chồng Hai Nhỏ đã bắt đầu công việc vô mồi. Họ gắn những miếng cơm dừa đã được cắt thành từng mảnh nhỏ cỡ ngón tay cái vào móc bẫy. Xong việc, vợ anh lo cơm nước trên chiếc xuồng chính, anh điều khiển chiếc xuồng máy phụ chạy dọc sông, rồi leo lên bờ len lỏi vào sâu trong vườn chọn điểm đặt bẫy. Thường bẫy được đặt ở những đọt dừa tơ cao quá đầu người hoặc chọn luồng chuột đi kiếm ăn dọc theo mép kênh, mương, trong những bụi rậm…

Thịt chuột dừa săn chắc và thơm ngon hơn thịt chuột đồng vì rất ít mỡ. Có thể chế biến loại đặc sản này thành nhiều món ăn hấp dẫn thực khách như: chuột khìa với nước dừa, chiên xả ớt, nướng mọi, kho khô tiêu… Ra đến quán nhậu, giá bán mỗi con chuột dừa sau khi đã chế biến tăng lên gấp bốn lần (15.000-20.000 đồng/con). 

Để chọn được nơi chắc chắn có chuột, thường phải càn lùm, nhảy mương, thậm chí leo trèo, cây cỏ cắt xước tóe máu cả chân tay, ong, kiến vây quanh… Cũng không ít lần anh bị mất bẫy vì mấy đứa trẻ nghịch ngợm theo dõi, chúng canh me đi bắt chuột và “tịch thu” mấy chiếc bẫy sớm hơn anh (từ lúc trời chưa kịp sáng). Mất chuột, mất luôn bẫy nên thỉnh thoảng anh phải dành thời gian “sản xuất” bổ sung lại cho đủ số 100 chiếc.

Thoạt nghe kể về nghề săn chuột dừa, ai cũng tưởng dễ ăn, thật ra làm nghề này cũng mưa nắng thất thường. Những đêm trời sáng trăng hoặc mưa dầm… thường thất bát, do chuột ít đi kiếm ăn. Có đủ nước uống nên chúng ở lì trên cây, không xuống đất. Vào cao điểm mùa mưa, nghề đi đặt bẫy lùm đón luồng mấy chú chuột từ trên những đọt dừa cao ngút mắt xuống đất kiếm ăn, uống nước xem như phải tạm gián đoạn.

Theo lời Hai Nhỏ, gặp chủ vườn dừa quyết tâm diệt chuột bảo vệ vườn cây, họ thuê mình gài bẫy thì trúng mánh. Mỗi chú chuột bắt được chủ vườn trả công 4.000 đồng, mình lấy chuột mang về bán, thu nhập sẽ tăng gấp đôi. Nhưng cũng có chủ vườn không muốn cho người lạ vô vườn, vì sợ bị phá tán cây trái, hay dò đường chuẩn bị đi trộm những thứ khác…

Bà con cẩn trọng, giữ cho tình hình an ninh tự quản trong xóm ấp được thắt chặt, mình cũng chẳng buồn trách họ. Vậy là đành phải cầm mấy chiếc bẫy lồng lủi thủi trở ra bờ sông, xuống xuồng tìm nơi khác hành nghề! 

*   *   *

Không vì mê săn tìm chuột dừa mà Hai Nhỏ bỏ bê vườn cây ăn trái thất bát. Ngược lại, vườn chôm chôm của anh luôn cho trái sai, bán được giá. Sau khi trừ xong mọi chi phí, 6.000 m2 đất vườn cho khoản lãi trung bình 30 triệu đồng/vụ. Mùa năm ngoái (2009), nhờ chuyển vụ cho chôm chôm ra trái nghịch, Hai Nhỏ thu lãi trên 70 triệu đồng.

Với nghề bẫy chuột, bắt lươn xuyên tỉnh lang bạt trên các nhánh sông cũng mang về một nguồn thu nhập phụ đáng kể, ước tính không dưới hàng chục triệu đồng mỗi năm. Nghề này chắc chắn sẽ còn gắn bó lâu dài với vợ chồng anh, đơn giản vì theo anh: “Nguồn chuột ngoài tự nhiên nhiều vô kể. Chuột sinh sôi nhanh và phá hoại nghiêm trọng, các chủ vườn cũng rất cần mình”. 

… Những khoản thu nhập vừa nêu tuy còn rất khiêm tốn so với nhiều đại gia trồng vườn vùng đồng bằng sông Cửu Long song vợ chồng Hai Nhỏ và bốn đứa con của họ đã có của ăn của để, không phải đi làm thuê. Từ 4.000 m2 đất cha mẹ cho buổi đầu ra riêng, tiện tặn tích lũy dần họ đã sắm thêm được hơn 3.000 m2 đất thổ cư và đất trồng vườn…

TÂM PHÚC

Kỳ sau: Một đời người, một rừng dừa

Nhìn cơ ngơi của ông, ít ai ngờ ông đã đi lên từ hai bàn tay trắng. Khi thiên hạ rủ nhau đốn dừa vì giá hạ, bán như cho, ông vẫn cần mẫn thủy chung với loài cây này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm