Buộc thôi học đối với sinh viên thi hộ
Sinh viên không được gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử; hút thuốc, uống rượu, bia trong trường học; say rượu, bia khi đến lớp học; tổ chức hoặc tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép; tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức… Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, có hiệu lực từ ngày 23-5 quy định.
Trường hợp thi hộ, nhờ thi hộ; làm thay, nhờ làm thay hoặc sao chép tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp sẽ bị tạm đình chỉ học; vi phạm lần 2 bị buộc thôi học. Đối với sinh viên đánh bạc; uống rượu, bia trong giờ học; say rượu, bia khi đến lớp; tàng trữ, truy cập, sử dụng sản phẩm văn hóa đồi trụy; tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái quy định… sẽ bị khiển trách, cảnh cáo; tạm đình chỉ học hoặc sẽ bị buộc thôi học tùy mức độ tái phạm.
Số hóa tất cả quyết định xử phạt hành chính
Từ 1-5, CSDL quốc gia về xử lý vi phạm hành chính sẽ tập hợp dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính thông qua phương tiện điện tử nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính và đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật. CSDL quốc gia cập nhật các thông tin về việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thông tin về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; thông tin về việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình; các tài liệu về xử lý vi phạm hành chính gồm các văn bản, giấy tờ, bản ảnh, hình ảnh, phiếu in, chỉ số đo, dữ liệu lưu trong bộ nhớ của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chứa đựng thông tin về vụ việc xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan thi hành quyết định xử phạt, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, cơ quan quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, cơ quan thi hành các quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin về xử lý vi phạm hành chính do mình thực hiện đến hệ thống CSDL quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Nghị định 20/2016/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-5 quy định.
Thêm trường hợp bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính
Từ ngày 2-5, Chính phủ bổ sung thêm trường hợp sẽ bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Cụ thể, ngoài các trường hợp theo quy định hiện hành, biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính còn được áp dụng khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mà người vi phạm có dấu hiệu bỏ trốn, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm, gây cản trở việc xử lý vi phạm.
Tạm giữ người trong trường hợp: Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa cấm xuất, nhập khẩu hoặc tạm ngừng xuất, nhập khẩu; xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục dàng hóa xuất, nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép; xuất, nhập khẩu hàng hóa không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; xuất, nhập khẩu hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ kèm theo hoặc có nhưng không hợp pháp; nhập khẩu hàng hóa phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem hoặc có dán tem giả, tem đã qua sử dụng… Nghị định 17/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất, có hiệu lực từ ngày 2-5 quy định
Thu hồi giấy phép biểu diễn Nghệ sĩ không nộp thuế
Từ ngày 1-5, sẽ thu hồi giấy phép biểu diễn trong các trường hợp: Thay đổi nội dung, thêm động tác diễn xuất khác với nội dung đã được phép biểu diễn; Quảng cáo mạo danh; Hát nhép; Sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, thuần phong mỹ tục; Tổ chức biểu diễn cho người đã bị cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch cấm biểu diễn; không thực hiện nộp thuế, phí và lệ phí theo quy định....
Sử dụng trang phục không phù hợp thuần phong mỹ tục sẽ bị thu hồi giấy phép biểu diễn. Ảnh minh họa: internet
Lệ phí ra vào cảng nội địa
Từ 16-5, lệ phí ra vào cảng, bến thủy nội địa đối với các phương tiện thủy nội địa, tàu biển ra, vào hoạt động tại các cảng, bến thủy nội địa (kể cả cảng, bến chuyên dùng) có mức phí từ 5.000 - 50.000 đồng/chuyến tùy tải trọng phương tiện.
Mức lệ phí cao nhất 50.000 đồng/chuyến được áp dụng với phương tiện chở hàng, đoàn lai có trọng tải toàn phần trên 1.500 tấn. Các mức phí còn lại có giá 5.000 đồng/chuyến; 10.000 đồng/chuyến; 20.000 đồng/chuyến; 30.000 đồng/chuyến và 40.000 đồng/chuyến.
Miễn phí đối với phương tiện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; phương tiện của cơ quan hải quan đang làm nhiệm vụ... Thông tư số 59/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy nội địa có hiệu lực thi hành từ ngày 16-5 quy định.
DN xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về tên
Doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải tiến hành thay đổi tên, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp trong vòng 60 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt hành chính của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp không tiến hành thủ tục thay đổi tên, loại bỏ yếu tố vi phạm làm việc, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt nêu trên, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh để phối hợp xử lý.
Trong 5 ngày từ ngày nhận được thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp báo cáo giải trình. Sau 06 tháng, kể từ ngày hết thời hạn báo cáo giải trình, doanh nghiệp không báo cáo giải trình, sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 20-5.
Phí bảo vệ môi trường
Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác dầu thô là 100.000 đồng/tấn; với khí thiên nhiên, khí than là 50 đồng/m3; riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành) là 35 đồng/m3. Giảm mức phí bảo vệ môi trường đối với quặng nhôm, quặng bô-xit còn từ 10.000 - 30.000 đồng/tấn. Tăng phí từ 500 - 3.000 đồng/m3 lên 1.000 - 5.000 đồng/m3 đá làm vật liệu xây dựng thông thường,.
Vẫn giữ nguyên mức phí bảo vệ môi trường như quy định hiện hành từ 40.000 - 60.000 đồng/tấn với quặng sắt, quặng đất hiếm, quặng cromit; 50.000 - 70.000 đồng/tấn đối với quặng titan, quặng đá quý như kim cương, rubi, sapphire, opan quý màu đen, thạch anh tinh thể màu tím xanh…
Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của các loại khoáng sản nêu trên. Đặc biệt, không thu phí bảo vệ môi trường với số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong quá trình khai thác than đến hết năm 2017. Nghị định số 12/2016/NĐ-CP của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5 quy định.