BV Chợ Rẫy (TP.HCM) một chiều cuối ngày, khi ánh đèn buông xuống, những dòng người hối hả vội trở về nhà sau một ngày dài mưu sinh, Khoa nội soi của BV cũng bắt đầu thưa thớt bệnh nhân. Mệt nhoài sau khi thăm khám thường quy cho bệnh nhân, BS Hoàng Tuấn Vũ cùng một điều dưỡng được phân công trực cấp cứu cho ca đêm.
Ăn vội tô hủ tíu dưới căn tin, bác sĩ (BS) Vũ gấp gáp lên Phòng nội soi can thiệp phụ BS Thuận thực hiện ca ERCP (nội soi mật tụy ngược dòng) cấp cứu cho cụ ông 96 tuổi bị nhiễm trùng đường mật do sỏi kẹt đoạn cuối ống mật chủ. Trường hợp này nếu để lâu có thể dẫn đến sốc, tử vong cần nội soi can thiệp lấy sỏi.
“Ông có cái răng giả nào không?”
Cô điều dưỡng nhanh nhẹn đưa cụ ông vào phòng nội soi, theo sau là cô cháu gái tên Tuyết bộ dạng rất bồn chồn, lo lắng theo từng tiếng rên “hừ hừ” của cụ ông. Dự báo ca nội soi phức tạp, bệnh nhân lớn tuổi, có túi thừa, nhiều bệnh lí đi kèm cần thực hiện nhanh nên BS Thuận đã yêu cầu phải chuẩn bị sẵn đầy đủ dụng cụ cho mọi tình huống có thể xảy ra. Một bác sĩ khoa gây mê hồi sức cũng được huy động để làm cho cụ ông mê trong lúc thực hiện thủ thuật. “Đối với những ca có khả năng bệnh nhân “cựa quậy” hoặc không hợp tác, ảnh hưởng đến việc làm thủ thuật nên cần phải làm cho bệnh nhân yên, việc gây mê lúc này là cần thiết”, bác sĩ này chia sẻ.
Các bác sĩ đang thực hiện ca nội soi gắp sỏi ống mật chủ cho cụ ông 98 tuổi. Ảnh: HL
Điều dưỡng viên trước khi thực hiện thủ thuật hỏi bệnh nhân: “Ông có cái răng giả nào không?”. Thấy cụ lắc đầu anh mới cho ngậm miếng ngáng miệng để bảo vệ ống soi và ra hiệu cho BS Thuận thực hiện thủ thuật. Anh giải thích: “Tôi hỏi vậy vì sợ ông có răng giả, khi gây mê không biết gì nuốt vào sẽ nguy hiểm”.
Sau 10 phút căng thẳng, nhờ sự khéo léo và phối hợp nhịp nhàng với điều dưỡng, BS Thuận đã tiếp cận được “thủ phạm” là 2 viên sỏi đang lấp ống mật chủ gây ứ mật và làm cho bệnh nhân đau. Sau khi bơm thuốc cản quang chụp hình, xác định chính xác vị trí, BS Thuận đã sử dụng dụng cụ lấy 2 viên sỏi ra khỏi đường mật của cụ ông.
Được gọi vào thông báo và cho xem hình ảnh hai viên sỏi của cụ ông, nét mặt căng thẳng của chị Tuyết mới giãn ra. Chị Tuyết cho hay chỉ nghĩ cụ ông đau bụng do trúng thực. “Đau từ hôm qua nhưng ông không nói, vẫn cố chịu đựng, hôm nay đau quá không chịu nổi, ông mới để con cháu đưa vào BV. Lúc nãy nội soi xong, tôi hỏi ông đỡ chưa, ông kêu lấy sỏi xong thấy nhẹ hẳn, tôi cũng đỡ lo”, chị Tuyết kể.
Trở lại phòng trực nội soi, BS Vũ tiếp tục nhận cuộc gọi từ phòng mổ cho hay có một ca xuất huyết tiêu hóa do vỡ dãn tĩnh mạch thực quản, biến chứng của xơ gan, cần nội soi cầm máu tại phòng mổ. Thanh niên trẻ 20 tuổi nhưng có tiền sử viêm gan B, C. Hai tháng trước, chàng trai phát hiện bệnh u gan nhưng tự ý điều trị thuốc nam, diễn tiến ói ra máu nên được người nhà đưa vào cấp cứu. Sau khi hội chẩn với bác sĩ gây mê, nhận định bệnh nhân có chức năng gan kém, u gan, xơ gan, đào thải thuốc kém nên các bác sĩ quyết định làm thủ thuật cho bệnh nhân lúc tỉnh táo, không “dám” cho thuốc tiền mê, nếu trong quá trình làm bệnh nhân bị kích thích quá sẽ cho thuốc an thần. Sau 30 phút xử trí, BS Vũ đã thắt lại được tĩnh mạch thực quản giãn vỡ gây chảy máu cho bệnh nhân.
Lên lại phòng trực nội soi mê man ngủ thiếp đi, mọi giác quan của BS Vũ lại bị đánh thức vào 1 giờ sáng khi điện thoại từ phòng mổ báo có ca xuất huyết tiêu hóa do xơ gan, uống rượu quá nhiều. Sau 30 phút can thiệp, điểm chảy máu đã được khống chế, ngưng chảy máu.
Đến 3 giờ sáng, BS Vũ lại tiếp tục thực hiện cầm máu cho một ca xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng, Đối với các trường hợp này, BS Vũ cho hay có 2 tình huống xảy ra khi nội soi thất bại: “Tùy theo đánh giá lâm sàng, các bệnh lý đi kèm bệnh nhân sẽ được chuyển can thiệp mạch máu để cầm máu, nếu không đáp ứng thì có thể sẽ phải mổ mở. Mổ mở là phương án cuối cùng vì hậu phẫu nặng nề, mất máu, nhiễm trùng,nằm lâu nhất là bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nội khoa nhiều...”.
Không ít lần trường hợp chuyển phương án khác luôn làm BS nội soi trăn trở. BS Vũ chia sẻ cách đây không lâu, một thanh niên (ngụ Đồng Nai) lỡ nuốt răng giả nội soi ở BV địa phương thất bại nên chuyển lên khoa nội soi BV Chợ Rẫy. Trực tiếp thăm khám, đánh giá, BS Vũ nhận thấy trên phim chụp CT, không thấy hình ảnh chiếc răng giả vì làm bằng nhựa nên không cản quang, không xác định được vị trí chính xác và mức độ thủng thực quản tới đâu. Khi nội soi xác định răng giả cắm sâu vào thành thực quản ngay vị trí của cung động mạch chủ, việc cố gắng gắp dị vật cho bệnh nhân vô cùng rủi ro, có thể gây tổn thương động mạch chủ ngực gây chảy máu ồ ạt, tử vong cho bệnh nhân nên phải buộc chuyển chuyên khoa lồng ngực mổ mở. Bệnh nhân còn trẻ, chịu vết sẹo dài và nhiều nguy cơ sau mổ.
Chỉ mong được thở chậm một chút
Được mệnh danh “bàn tay vàng” vì khá mát tay khi nội soi các dị vật đường hô hấp, BS Phạm Thị Vân Thanh đã có ngót nghét gần 20 năm gắn bó với nghề bác sĩ nội soi. BS Thanh chia sẻ, khi được nhận về công tác tại BV Chợ Rẫy, chị làm ở lĩnh vực hô hấp, lúc này nội soi hô hấp bằng ống soi mềm cũng mới được áp dụng tại BV và chị đã tham gia thực hiện kỹ thuật này. Ấn tượng về hiệu quả của kỹ thuật này nên chị quyết định dành thời gian và công sức để học hỏi nâng cao kỹ thuật nội soi này.
BS Thanh chia sẻ mỗi ca bệnh nội soi hô hấp mất từ 30- 45 phút cho cả khâu chuẩn bị và nội soi. Tuy nhiên những trường hợp khó và nặng như dị vật đường thở, ekip có thể mất 2-3 giờ cho thủ thuật để lấy dị vật ra khỏi phổi bệnh nhân.
Bác sĩ Vân Thanh và những lần căng thẳng nội soi đường hô hấp. Ảnh: HL
“Tôi vẫn nhớ như in một buổi chiều, nghe điện thoại phòng mổ gọi, đồng nghiệp hoảng hốt thông báo có một trường hợp bỏng nặng đường hô hấp trên một phụ nữ có thai khoảng 40 tuần tuổi, khả năng thai đang ngạt. Tôi ào vào phòng mổ mà chỉ kịp choàng áo khoác, các bác sĩ sản khoa đang chờ tôi đặt được ống thở để họ mổ bắt con. Bệnh nhân đang vật vã, bỏng biến dạng toàn bộ khuôn mặt và cổ, đứa bé trong bụng đạp liên hồi, thấy luôn qua được qua lớp vải vô trùng chuẩn bị trên bụng bệnh nhân. Trong vòng một phút, bằng nỗ lực vượt bậc tôi đã đặt được ống thở, hút đàm, bụi khói và ngay sau đó tôi cũng nghe tiếng em bé khóc. Tôi xúc động rơi nước mắt khi nghe được tiếng khóc ấy. Cả phòng mổ vỡ òa hạnh phúc vì cứu được cả 2 mẹ con. Vậy đấy, nghề chúng tôi đòi hỏi cả áp lực thời gian và cả sự chính xác mới giành giật được sự sống cho bệnh nhân. Đôi khi cứu sống bệnh nhân qua cơn nguy kịch xong thì bác sĩ chúng tôi mệt nhoài, chỉ mong được thở chậm lại, thư giãn”, BS Thanh xúc động chia sẻ một trong những niềm vui trong nghề khiến chị nhớ mãi.
BS Hồ Đăng Quý Dũng, Trưởng Khoa nội soi BV Chợ Rẫy cho hay từng chứng kiến nhiều trường hợp ngạt thở hít khói, chủ yếu trong các trường hợp cháy nhà, cháy chung cư, trong đó có cả vụ cháy chung cư Carina (quận 8) gây bàng hoàng. “Với những trường hợp này, đường thở bệnh nhân hoàn toàn tắc nghẽn do khói đóng đầy, để cứu sống bệnh nhân chúng tôi chỉ có phương pháp nội soi hút bụi khói, thủ thuật nội soi phải được thực hiện khẩn cấp tại khoa cấp cứu để giành giật sự sống với Thần Chết. Thủ thuật được thực hiện càng sớm thì khả năng sống sót càng cao. Điều trăn trở hiện nay của chúng tôi là kỹ thuật nội soi hô hấp chưa được triển khai ở các tuyến địa phương nên đa số bệnh nhân bị ngạt khói đã chết não hoặc tử vong khi được chuyển đến BV Chợ Rẫy”, BS Dũng cho hay.
Theo BS Dũng, Khoa nội soi của BV hiện có 11 phòng nội soi. Trung bình hằng ngày khoa tiếp nhận 350-380 ca trong đó khoảng 10 ca cấp cứu (xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng đường mật, dị vật đường hô hấp, tiêu hóa). Nhu cầu nội soi chẩn đoán và điều trị cao, do vậy bệnh nhân còn chờ đợi.
Bệnh nhân choáng nhiễm trùng đường mật vào tình trạng tụt huyết áp, rất nặng, không có cơ hội phẫu thuật, trước đây tỉ lệ tử vong rất cao. ERCP giúp can thiệp ít xâm lấn, nhiều bệnh nhân ổn định sau 24 giờ sau khi can thiệp nội soi.