Những điểm lưu ý trong vụ Trung Quốc chặn trinh sát cơ Úc, Canada

(PLO)-  Một lưu ý trong vụ Trung Quốc chặn trinh sát cơ Úc ở Biển Đông là khu vực mà Trung Quốc ngăn chặn có phải là vùng biển nước này yêu sách chủ quyền hay không.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trung Quốc (TQ) đã chặn trinh sát cơ Úc, Canada ở khu vực mà hai nước này khẳng định đó là không phận quốc tế.

Trinh sát cơ Úc bị chặn trên không phận quốc tế ở Biển Đông

Hôm 5-6, Bộ Quốc phòng Úc ra thông báo cho biết vào ngày 26-5, một máy bay trinh sát hàng hải P-8 của không quân nước này đã bị một máy bay chiến đấu J-16 của TQ ngăn chặn khi đang thực hiện nhiệm vụ giám sát hàng hải thường lệ trên không phận quốc tế ở khu vực Biển Đông", theo tờ The Guardian.

Theo bộ này, hành động của TQ đã gây mất an toàn cho máy bay Úc và phi hành đoàn. Theo đó, chiến đấu cơ J-16 đã áp sát chiếc P-8 của Úc, phóng pháo sáng, tăng tốc và bay ngang mũi máy bay Úc ở khoảng cách gần. Tại thời điểm đó, máy bay TQ đã thả ra một gói vải chứa các mảnh nhôm nhỏ và một số mảnh này đã giắt vào động cơ của máy bay Úc. Tuy nhiên, phía Úc không tiết lộ vị trí chính xác nơi xảy ra vụ việc.

Hôm 6-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên nói rằng TQ không cho phép bất kỳ quốc gia nào vi phạm chủ quyền, an ninh TQ và phá hoại hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Ông Triệu yêu cầu Úc “nghiêm túc tôn trọng lợi ích an ninh quốc gia và lợi ích cốt lõi của TQ”.

Hai máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc hộ tống một máy bay ném bom H-6K Trung Quốc và một máy bay ném bom Tu-95MS Nga. Ảnh: CCTV

Hai máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc hộ tống một máy bay ném bom H-6K Trung Quốc và một máy bay ném bom Tu-95MS Nga. Ảnh: CCTV

Một bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu viết rằng máy bay Úc đã “khiêu khích trước và cố gắng đi vào vùng lãnh thổ TQ có quyền chủ quyền” nhưng không giải thích rõ đó là khu vực nào.

Đúng luật hay không?

Giáo sư Luật Quốc tế Donald Rothwell của Đại học Quốc gia Úc nói rằng vì không rõ chiến đấu cơ TQ chặn trinh sát cơ Úc ở khu vực nào nên khó để khẳng định ai đúng ai sai.

Tuy nhiên, nhiều khả năng là TQ đã chặn máy bay Úc một cách phi pháp. Ông nói: “Máy bay Úc có quyền bay trong không phận quốc tế, điều này được ghi nhận trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Công ước Chicago (Công ước hàng không và dân dụng quốc tế) năm 1944. Nếu đây là không phận quốc tế thì việc TQ can thiệp hoạt động của máy bay P-8 là phạm luật. Hoạt động của (máy bay) Úc ở các khu vực ngoài lãnh hải 12 hải lý, dù có phải là máy bay trinh sát hay không, thì cũng không vi phạm luật quốc tế”.

Theo quy định của các công ước, không phận quốc tế là vùng trời bên ngoài ranh giới ngoài của lãnh hải. Điều 58 và 87 của UNCLOS cho phép các quốc gia có quyền tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác và trên biển cả.

Trinh sát cơ P-8A Úc. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ÚC

Trinh sát cơ P-8A Úc. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ÚC

Còn theo Công ước Chicago, quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối đối với vùng trời quốc gia. Theo đó, điều 2 công ước này giải thích “vùng trời quốc gia” đó bao gồm lãnh thổ trên đất liền và lãnh hải.

Với chủ quyền đó, mọi hoạt động trong khu vực này đều cần phải được sự đồng ý của quốc gia có chủ quyền, bao gồm việc máy bay quân sự và dân sự bay vào.

Tuy nhiên, việc TQ đưa ra yêu sách chủ quyền phi pháp đối với những thực thể trên Biển Đông thì sẽ không thể có vùng trời quốc gia ở những vùng đó. Do đó, nếu máy bay TQ tiến hành ngăn chặn trinh sát cơ Úc thuộc khu vực này thì rõ ràng Bắc Kinh đã vi phạm luật quốc tế.

TQ đang thử đồng minh của Mỹ?

Tiến sĩ Euan Graham - chuyên gia an ninh hàng hải tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở ở Singapore cho rằng TQ có thể đang thử quyết tâm của các đồng minh của Mỹ. Ông lưu ý rằng Bắc Kinh chỉ gây khó khăn cho hoạt động của các máy bay trinh sát không vũ trang của Canada và Úc chứ không “không phản ứng theo cách tương tự máy bay Mỹ cũng thực hiện cùng nhiệm vụ đó”.

Trước đó, hôm 1-6, Bộ Quốc phòng Canada cũng cho biết trong lúc các trinh sát cơ Canada làm nhiệm vụ trên không phận quốc tế nhằm giám sát trừng phạt Triều Tiên, chiến đấu cơ TQ đã áp sát các máy bay Canada đến mức phi công hai bên có thể nhìn thấy nhau, buộc các trinh sát cơ phải đổi hướng để tránh va chạm.

Ông cho rằng các hành động gửi đi “một thông điệp rất rõ ràng rằng TQ không muốn quân đội nước ngoài hoạt động ở trên, dưới hoặc xung quanh đường bờ biển, đặc biệt là các vùng biển mà nước này tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông”. Điều này phù hợp với chiến lược dài hạn của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu hệ thống liên minh của Mỹ và khẳng định yêu sách phi pháp ở Biển Đông.

Ông Graham hoan nghênh việc Úc và Canada lên án những hành động của TQ. Ông cho rằng điều này cho thấy các nước không ngần ngại gì trong việc phản ứng của TQ bởi họ theo đúng luật pháp quốc tế.

Theo ông Graham, TQ cũng đang cố gây áp lực tâm lý lên chính quyền và thủ tướng mới của Úc và là một phép thử cho chính quyền mới trong quan hệ với Bắc Kinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm