Những diễn biến đáng chú ý tại phiên xử ông Đinh La Thăng

Pháp Luật TP.HCM xin điểm lại một số diễn biến đáng chú ý tại phiên xử phúc thẩm này.

1. Cha con ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rút toàn bộ kháng cáo

Ngay trong ngày khai mạc phiên tòa (7-5), thư ký phiên tòa công bố cựu Chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rút toàn bộ kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm.

Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn sau đó cho hay ngày 2-5, ông Trịnh Xuân Thanh đã xin rút đơn kháng cáo của toàn bộ hai bản án mà ông Thanh đã bị đưa ra xét xử. Cũng trong đơn, ông Thanh nêu vì lý do sức khỏe nên xin vắng mặt tại phiên tòa. HĐXX sau đó đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật.

Ông Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 1-2018

Trước đó, ông Trịnh Xuân Thanh đã kháng cáo kêu oan đối với cả hai tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản mà bản án sơ thẩm đã tuyên. Cạnh đó, ông Trịnh Xuân Thanh cũng đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét toàn bộ trách nhiệm dân sự của ông.

Cũng trong ngày 7-5, anh Trịnh Hùng Cường (con trai ông Trịnh Xuân Thanh) đã nộp đơn rút kháng cáo. Anh Cường kháng cáo đề nghị cơ quan chức năng trả lại cho anh một số tài sản gồm biệt thự, căn hộ và ô tô… là tài sản bị kê biên trong vụ án.

2. Chủ tọa cho phép các bị cáo xưng “tôi”

Phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, chủ tọa Nguyễn Văn Sơn cho biết các bị cáo có thể xưng “tôi” mà không cần xưng là “bị cáo”, trong khi đó, tại nhiều phiên tòa, chủ tọa thậm chí còn nhắc bị cáo khi bị cáo lỡ xưng “tôi”.

Suốt phiên xử thẩm vấn, ông Thăng thường khá thoải mái chống hai tay lên bục khai báo dành cho bị cáo. Trả lời các câu hỏi, ông luôn “thưa HĐXX” và xưng “tôi”, chứ không xưng là “bị cáo” như hồi phiên tòa sơ thẩm. Trong khi các bị cáo khác trả lời các câu hỏi của HĐXX, đại diện VKS hay luật sư đều xưng là “bị cáo”.

3. Ông Thăng nhận tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

Trong vụ án này, tại phiên sơ thẩm, ông Đinh La Thăng chỉ nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu PVN. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, ông Thăng thừa nhận mình đã có hành vi thiếu trách nhiệm - đây là điều kiện, nguyên nhân dẫn đến hậu quả của vụ án như được đánh giá.

Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa phúc thẩm

Đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội, trong phần tranh luận đã khẳng định, ông Thăng phạm tội theo Điều 165 BLHS (tội cố ý làm trái) chứ không phải Điều 285 (tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng). Vị đại diện VKS cũng cho rằng có điều kiện áp dụng cho bị cáo Thăng tình tiết giảm nhẹ là “khai nhận hành vi phạm tội” (trước đây là điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”).

“Mức án 13 năm có phần nghiêm khắc với bị cáo nhưng đây là sự nghiêm khắc cần thiết” - đại diện VKS nói thêm khi thực hiện đối đáp lần hai.

4. PVN không xin giảm án cho ông Đinh La Thăng

Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của PVN cho hay ngày 27-4-2018, PVN có văn bản gửi các cơ quan chức năng, trong đó có HĐXX và TAND cấp cao tại Hà Nội, đề nghị xem xét thành tích, đóng góp của một số bị cáo nguyên là lãnh đạo của tập đoàn. Văn bản đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bốn bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Ninh Văn Quỳnh và Lê Đình Mậu. Như vậy, văn bản của PVN không đề cập đến việc xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng.

Trong phần trình bày thêm tại tòa, vị đại diện theo ủy quyền của PVN nói thêm: “Ngoài ra, bị cáo Đinh La Thăng cũng là một trong những lãnh đạo có đóng góp rất lớn đối với tập đoàn”, đồng thời nêu quan điểm của PVN: “Dưới góc độ của chúng tôi là nguyên đơn dân sự, đề nghị HĐXX căn cứ vào các quy định của pháp luật để có phán quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nhà nước cũng như các bị cáo”.

5. Ai được đề nghị “giảm nhẹ hình phạt ở mức tối đa”?

Trong phần tranh luận, đại diện VKS cho rằng không có đủ căn cứ miễn TNHS cho ông Phùng Đình Thực, cựu TGĐ PVN, nhưng có thể giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo ở mức tối đa.

Đáng chú ý, đại diện VKS còn “tư vấn”: “Đối với sức khỏe, hoàn cảnh, đặc biệt là trình độ của bị cáo, bị cáo vẫn là người đang có ích cho xã hội, vẫn có thể cống hiến được hơn nhiều người khác... Giai đoạn thi hành án, bị cáo có thể xin ông chánh án TAND TP Hà Nội (người ra quyết định thi hành bản án này) xin không chấp hành để làm một việc gì đó, hoặc lý do gì đó. Chắc chắn họ cũng không bắt bị cáo đi thi hành bản án” - đại diện VKS nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm