Hưởng ứng ngày Quốc tế đái tháo đường (14-11), TP.HCM tổ chức mít tinh với chủ đề “Hãy kiểm soát bệnh đái tháo đường ngay từ bây giờ” vào ngày 13-11. Nhân dịp này, bác sĩ (BS) Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, đã có buổi trò chuyện ngắn với Pháp Luật TP.HCM những vấn đề liên quan đến bệnh đái tháo đường.
BS Đỗ Thị Ngọc Diệp (bìa trái) đang tư vấn cách chọn thực phẩm phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường. Ảnh: TRẦN NGỌC
Đái tháo đường gây nhiều biến chứng
Theo BS Diệp, đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa chất bột đường, gây tăng đường huyết mạn tính do hậu quả của sự thiếu hụt hoặc giảm hoạt động của insulin, hoặc kết hợp cả hai. “Có hai loại đái tháo đường: Týp 1 và týp 2. Đái tháo đường týp 1 phần lớn xảy ra ở trẻ em, người trẻ tuổi và thường có yếu tố tự miễn dịch. Loại này chiếm khoảng 5%-10% số bệnh nhân đái tháo đường. Đái tháo đường týp 2 xảy ra chủ yếu ở người trưởng thành, chiếm khoảng từ 90%-95% số bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh lien quan đến béo phì, tang cân nhanh, béo bụng, tuổi, ít vận động thể lực…” – BS Diệp lưu ý.
BS Diệp cho biết biểu hiện của đái tháo đường týp 2 thường rất kín đáo, không điển hình như mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, giảm thị lực, suy giảm chức năng tình dục, liệt dương, vọp bẻ, người già có tình trạng lú lẫn, chóng mặt, giảm trí nhớ. Có lúc phát hiện tình cờ khi có các biến chứng ở mắt, thận, tim hoặc bị hôn mê do tăng hoặc hạ đường huyết nặng. “Các yếu tổ nguy cơ đái tháo đường týp 2 bao gồm trên 45 tuổi; trong gia đình có người thân ruột thịt bị đái tháo đường týp 2; thừa cân, béo phì, béo bụng; tăng huyết áp; rối loạn mỡ máu. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như ít hoạt động thể lực; có tiền căn rối loạn dung nạp đường, rối loạn đường huyết lúc đói; phụ nữ sinh con nặng trên 4 kg; đái tháo đường thai kỳ” – BS Diệp nói.
BS Diệp cho biết thêm biến chứng của đái tháo đường bao gồm tăng đường huyết, có thể gây tổn thương nhiều bộ phận trong cơ thể như tổn thương mạch máu; xơ vữa mạch vành gây nhồi máu cơ tim; suy thận. “Biến chứng của đái tháo đường còn làm vết thương lâu lành, gây hoại tử; đục thủy tinh thể; bệnh lý võng mạc gây mù mắt; tổn thương thần kinh gây mất cảm giác; rối loạn nhịp tim; tiêu chảy hoặc táo bón; tiểu khó” – BS Diệp cho biết.
Tập dưỡng sinh là hình thức vận động giúp ổn định đường huyết. Ảnh: TRẦN NGỌC
Ổn định đường huyết để giảm các biến chứng
BS Diệp khuyến cáo: “Một chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý có thể kiểm soát tốt đường huyết mà không cần dùng thuốc hoặc giảm liều thuốc đang sử dụng và giảm các biến chứng do đái tháo đường gây ra”.
Theo BS Diệp, dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt đái tháo đường týp 2. Người bị đái tháo đường nên ăn từ 15-20 loại thực phẩm để cơ thể nhận đủ các chất dinh dưỡng. Nên ăn nhiều bữa trong ngày để không làm tăng đường máu quá nhiều sau khi ăn và hạ đường máu quá nhanh lúc xa bữa ăn. Nên ăn ba bữa chính và 1-2 bữa phụ. Nên dùng thực phẩm ít gây tăng đường máu như gạo lức, đậu đỏ, rau xanh, củ quả, trái cây ít ngọt. Nên ăn thịt nạc, cá nạc, đậu hũ, sữa chua, sữa không béo không đường. “Người bị đái tháo đường cần giảm ăn các thực phẩm gây tăng đường máu như bánh kẹo, kem, chè, trái cây ngọt. Giảm ăn các thực phẩm nhiều chất béo gây tăng mỡ máu như da, lòng đỏ trứng, phủ tạng (gan, tim, thận…), thức ăn chiên xào. Giảm ăn mặn và các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối để phòng ngừa tăng huyết áp như mì gói, chả lụa, mắm, khô, tương, chao. Giảm uống rượu bia, nước ngọt, nước ép trái cây ngọt” – BS Diệp khuyến cáo.
Theo BS Diệp, vận động rất có ích cho người bị đái tháo đường nhằm ổn định đường huyết. Vận động là phương pháp cơ bản trong điều trị đái tháo đường vì sẽ tăng sử dụng năng lượng, chất béo, chất bột đường, giúp ổn định đường huyết, giảm mỡ máu và giảm cân. Vận động còn giúp cải thiện chức năng tim phổi, phòng ngừa teo cơ ở người lớn tuổi. Ngoài ra, vận động tạo cảm giác khỏe khoắn, giảm lo lắng, góp phần năng cao chất lượng cuộc sống.
“Nên vận động thường xuyên 3-5 ngày/tuần ở mức độ nhẹ và trung bình, kéo dài 20-30 phút/ngày. Có thể vận động với loại hình mình yêu thích nhưng phải phù hợp tuổi tác và sức khỏe. Tốt nhất nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Đi bộ, đạp xe, bơi lội, dưỡng sinh… là những môn thể dục thích hợp với người đái tháo đường. Bên cạnh đó, người đái tháo đường cần tập thói quen vận động nhẹ nhàng sau bữa ăn để giúp hạ đường huyết” – BS Diệp khuyên.