Những định hướng chiến lược mới của NATO là gì?

(PLO)- Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xác định Nga là “mối đe dọa trực tiếp” và Trung Quốc là “thách thức mang tính chiến lược”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sự gia tăng các mối đe dọa và biến động an ninh toàn cầu đã đặt ra cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) những đòi hỏi phải có định hướng rõ ràng, từ đó xác định các điểm mới cần thay đổi và phát huy hiệu quả.

Ngày 29-6, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua "Khái niệm chiến lược mới" với những điểm đáng chú ý.

Khởi đầu chính thức cho “nhận thức mới đa phương diện”

NATO chính thức coi Nga là đối thủ nguy hiểm và là “mối đe dọa trực tiếp nhất”. Đây không phải lần đầu tiên liên minh quân sự này đưa ra “lời tuyên chiến” mà trong quá khứ, Nga đã là mối đe dọa của NATO và cũng là nguyên nhân chính khiến khối này hình thành.

Khi Liên Xô dần suy yếu và sụp đổ, nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi rằng liệu diễn biến này đánh dấu sự lụi tàn của NATO hay không? Quả thật, sự tồn tại của NATO với tư cách một liên minh quân sự kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc luôn bị nghi ngờ về “tính chính danh”. Kể từ khi mối đe dọa từ Liên Xô không còn, NATO coi Nga là đối tác chiến lược cùng cam kết duy trì hòa bình tại châu Âu năm 1997.

Hội nghị thượng đỉnh NATO tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha). Ảnh: NATO
Hội nghị thượng đỉnh NATO tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha). Ảnh: NATO

Tuy nhiên, cục diện đã thay đổi khi Nga triển khai cái mà Moscow gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Chiến dịch này đã phá vỡ hòa bình châu Âu, khiến NATO phải khai quân và khí tài với quy mô chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến những băn khoăn về sự tồn tại của liên minh được gác lại và thay vào đó là câu hỏi bằng cách nào để hồi sinh khối quân sự này trong cục diện mới.

Phát biểu trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án NATO đang sử dụng Ukraine và người dân nước này như là “phương tiện” để tìm cách xác lập uy quyền và “bảo vệ lợi ích riêng” của mình. Chủ nhân Điện Kremlin cũng cho rằng NATO là di sản của Chiến tranh Lạnh và là “công cụ” để Mỹ kiềm chế các nước.

Dù cho rằng Nga là mối đe dọa nguy hiểm do có tiềm lực quân sự khổng lồ, nhưng thực tế, NATO khẳng định không tìm kiếm sự đối đầu với Nga trên bất kỳ phương diện nào.

Trong bản Khái niệm chiến lược mới của NATO, nếu Nga bị coi là “thách thức mang tính chiến lược” thì Trung Quốc được xác định là “thách thức mang tính hệ thống”. Theo bản Khái niệm chiến lược, mối quan hệ đặc biệt giữa Bắc Kinh và Moscow “gây mất ổn định cho trật tự thế giới dựa trên luật pháp” và “đi ngược lại những giá trị và lợi ích” của các thành viên NATO.

Lãnh đạo các nước NATO trong hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: NATO

Lãnh đạo các nước NATO trong hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: NATO

Với sự trỗi dậy mạnh mẽ về cả kinh tế lẫn quân sự của Trung Quốc cùng với việc NATO bắt đầu mở rộng tầm nhìn tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì việc khối này định hình những thách thức đến từ Bắc Kinh là điều tất yếu. Đây cũng là một phần lý do tại sao trong hội nghị NATO, ngoài các nước thành viên còn có sự tham gia của bốn nước xung quanh khu vực Thái Bình Dương, bao gồm Úc, New Zealand, Nhật và Hàn Quốc.

Như vậy, việc nhận thức mối đe dọa mới đến từ Trung Quốc có thể coi là sự hồi sinh của khối liên minh quân sự này. Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng giống như một yếu tố có tác động không nhỏ đến “tham vọng” của NATO trong thập niên này.

“Tay bắt mặt mừng” mở rộng liên minh

Chiến lược mới của NATO đặc biệt chú trọng cách thức củng cố liên minh nhằm tiếp tục thích ứng với thay đổi môi trường an ninh quốc tế. Khối này khẳng định: “Mở rộng NATO là nền tảng vững chắc củng cố liên minh, là trung tâm của sự gắn kết chính trị và là trụ cột thiết yếu đảm bảo an ninh khu vực châu Âu – Đại Tây Dương”.

Tại hội nghị thượng đỉnh, NATO “nhiệt liệt hoan nghênh” Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự, kết thúc nhiều thập kỷ duy trì vị thế trung lập của 2 nước Bắc Âu này. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định việc gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển sẽ giúp khối liên minh này như “hổ mọc thêm cánh”. Trên cơ sở đó, NATO sẽ tiếp tục củng cố quan hệ đối tác toàn cầu nhằm thúc đẩy giải quyết các thách thức xuyên khu vực cùng những lợi ích an ninh chung.

Đại sứ Phần Lan tại NATO Klaus Korhonen (trái) và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff (phải) gửi đơn xin gia nhập khối cho Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa). Ảnh: NATO

Đại sứ Phần Lan tại NATO Klaus Korhonen (trái) và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff (phải) gửi đơn xin gia nhập khối cho Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa). Ảnh: NATO

Trước quyết định mở rộng của NATO, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 29-6 cho biết, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO là tiêu cực, gây bất ổn và không giúp củng cố an ninh cho các nước thành viên. Tuy nhiên, NATO nhấn mạnh: “Tất cả đồng minh đều nhất trí về tầm quan trọng của sự mở rộng NATO, về việc phải sát cánh cùng nhau và rằng đây là thời khắc lịch sử mà chúng ta phải nắm bắt”.

Chiến lược mới NATO đi kèm những căng thẳng mới

Những mối đe dọa và thách thức mới khiến NATO phải đối mặt những căng thẳng mới.

Kết thúc hội nghị, lãnh đạo các nước NATO nêu rõ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng và các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga, giá năng lượng và các mặt hàng thiết yếu đang liên tục leo thang và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tài chính của khối cũng có thể là một vấn đề nhạy cảm khi chỉ 9 trong số 30 thành viên của NATO đáp ứng mục tiêu mà liên minh đề ra là chi 2% tổng sản phẩm quốc nội cho phòng thủ.

Cũng trong hội nghị NATO, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các đồng minh NATO nâng cao khả năng răn đe và đảm bảo khả năng phòng thủ trong thập niên tới. Ông Stoltenberg cũng cho biết đang tiến hành cuộc đại tu hệ thống phòng thủ tập thể lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt.

Thủ tướng Nhật Kishida Fumio nhấn mạnh những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đều không được chấp nhận ở bất kỳ nơi đâu. Theo các quan chức Nhật, rõ ràng là ông Kishida đang muốn nói đến xung đột giữa Nga - Ukraine và các hoạt động hàng hải bất hợp pháp của Trung Quốc. Những động thái này tiềm ẩn khả năng đe dọa trật tự an ninh của liên minh NATO.

Trong một bài đăng hôm 29-6, Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên KCNA lo ngại việc Nhật và Hàn Quốc lần đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO là dấu hiệu đáng lo ngại vì có khả năng thành lập một “NATO phiên bản châu Á”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm