Twitter khẳng định sẽ kiện ông Elon Musk, nguy cơ tranh cãi pháp lý kéo dài

(PLO)- Nhiều chuyên gia cho rằng tỉ phú Elon Musk khó lòng rời khỏi thương vụ mua lại Twitter một cách trót lọt và có thể dẫn đến một cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài giữa cả hai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm 8-7, tỉ phú Elon Musk đã thông báo hủy bỏ thương vụ mua lại mạng xã hội Twitter trị giá 44 tỉ USD, hãng Reuters đưa tin.

Sau động thái trên, giới lãnh đạo Twitter tuyên bố sẽ khởi kiện giám đốc điều hành hãng Tesla để buộc ông thực hiện thương vụ như đã thỏa thuận.

Chủ tịch hội đồng quản trị của Twitter - ông Bret Taylor cho biết công ty vẫn cam kết hoàn tất thương vụ ở mức giá đã nhất trí và có kế hoạch theo đuổi hành động pháp lý để thực thi thỏa thuận. Ông cho biết Twitter tự tin sẽ giành chiến thắng trong vụ kiện.

Theo đài CNBC, mặc dù tỉ phú Musk đang tìm cách "hủy kèo" nhưng câu chuyện này có thể còn lâu mới kết thúc.

Hãng tin Business Insider cho biết nếu ông Musk hủy bỏ thương vụ thâu tóm Twitter trị giá 44 tỉ USD, ông sẽ phải đối mặt "cơn sóng" pháp lý đến từ nền tảng này, bao gồm phí bồi thường hợp đồng 1 tỉ USD.

Theo Business Insider, thỏa thuận ban đầu giữa cả hai nói rõ Twitter hoàn toàn có quyền buộc ông Musk thực hiện nghĩa vụ của mình. Do đó, nếu ra tòa, Twitter có thể sẽ đâm đơn yêu cầu Musk trả tiền để hoàn tất thương vụ thay vì chỉ nhận 1 tỉ USD phí bồi thường hợp đồng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng ông Musk dường như không thể rời khỏi thương vụ một cách trót lọt và có thể dẫn đến một cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài giữa tỉ phú và tập đoàn mạng xã hội khổng lồ này.

Theo thỏa thuận ban đầu, nếu đơn phương chấm dứt thương vụ, cả Twitter và tỉ phú Musk đều sẽ phải trả cho bên còn lại 1 tỉ USD. Do đó, ông Musk sẽ đối mặt phí chấm dứt hợp đồng khổng lồ nếu từ bỏ vụ mua lại trị giá 44 tỉ USD.

Tỉ phú Elon Musk tuyên bố hủy bỏ thương vụ mua lại mạng xã hội Twitter. Ảnh: REUTERS

Tỉ phú Elon Musk tuyên bố hủy bỏ thương vụ mua lại mạng xã hội Twitter. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, theo Reuters, kết quả những vụ kiện liên quan đến các thương vụ mua bán và sáp nhập thường dẫn đến việc hai bên đàm phán lại thỏa thuận hoặc người mua sẽ trả khoản tiền bồi thường cho bên bán.

Một ví dụ điển hình là vụ kiện giữa tập đoàn quốc tế Pháp chuyên kinh doanh các mặt hàng xa xỉ LVMH và thương hiệu trang sức cao cấp Mỹ Tiffany & Co vào năm 2020.

Những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với các hoạt động kinh doanh đã khiến LVMH muốn thay đổi về mức giá mua lại. Tiffany & Co buộc phải kiện LVMH để thúc đẩy thương vụ sáp nhập này diễn ra.

Cả hai sau đó đi đến thỏa thuận giảm giá mua lại từ 16,2 tỉ USD xuống còn 15,8 tỉ USD và vụ sát nhập được tiến hành trót lọt.

Giống như vụ kiện giữa LVMH và Tiffany & Co, ông Chester Spatt - giáo sư ngành tài chính tại trường ĐH Carnegie Mellon - cho rằng Twitter có thể sẽ tìm cách thương lượng lại với tỉ phú Musk.

“Mặc dù biết mình sẽ là bên chiếm ưu thế khi ra tòa nhưng Twitter muốn chấm dứt sự mập mờ, không rõ ở hiện tại. Cũng có thể công ty cho rằng thay vì tốn thêm một khoản phí cho kiện tụng, họ có thể thương lượng lại với ông Musk để giữ thể diện cho ông ấy” - ông Spatt nhận định.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác không đồng tình quan điểm này và cho rằng chuyện thương lượng là bất khả thi. Ông Carl Tobias - giáo sư tại trường ĐH Richmond nhận định Twitter sẽ không muốn hạ giá vì mức thỏa thuận ban đầu ông Musk đưa ra quá hấp dẫn.

“Chắc chắn tỉ phú Elon Musk sẽ phải bỏ một số tiền lớn cho luật sư để tìm cách thoát khỏi mớ hỗn độn pháp lý này” - ông Tobias khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm