Phó thủ tướng nói như tâm sự: “Do đặc thù, tôi đang kiêm nhiệm nhiều công việc tại các ủy ban liên ngành. Có nhiều việc rất khó, trong đó không yên lòng nhất là vai Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh”.
Phó Thủ tướng cho biết ông càng không yên lòng khi đọc khái niệm phát triển bền vững. Lý do là phát triển bền vững phải đáp ứng nhu cầu hôm nay nhưng không ảnh hưởng đến nhu cầu của tương lai.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Những gì doanh nghiệp, xã hội làm được, Chính phủ không cần làm". Ảnh: CHÂN LUẬN
"Chúng tôi không yên lòng vì những việc làm ngày hôm nay của mình có ảnh hưởng đến mai sau hay không. Trong bối cảnh hôm nay, nếu chúng ta làm việc gì, tôi tha thiết mong các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là doanh nghiệp (DN), hãy cùng nhau làm một việc không hề mới nhưng phải có quyết tâm mới. Đó là làm sao để Nhà nước, Chính phủ, bộ, ngành phải làm ít việc đi. Chính phủ hãy làm những việc thực sự cần thiết là tạo môi trường. Những gì DN, xã hội làm được, Chính phủ không cần làm.
Dấu hiệu rõ nhất là việc Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các cấp phải thuê dịch vụ công nghệ thông tin để làm dịch vụ công. Việc này, BHXH Việt Nam vừa rồi báo cáo kết quả với Chính phủ, chỉ bằng thuê bưu điện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, bảo hiểm không trực tiếp làm nữa, thì đã tiết kiệm được 70% chi phí.
Không chỉ dịch vụ công, DN nhà nước (DNNN) cũng không cần làm những việc mà không thực sự tối cần thiết. Vì vậy Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN. Nhiều DNNN gọi là cổ phần hóa nhưng chỉ được vài phần trăm chứ không thể thay đổi bản chất quản trị và phát triển.
Nhiều ý kiến nói rằng nhiều DNNN đang làm ăn có lãi, sao phải cổ phần hóa, sao phải bán. Nhưng mục đích của Chính phủ không phải để kinh doanh lấy tiền.
Việt Nam hiện nay ngân sách và tỉ lệ huy động đã hợp lý, không nên tăng nữa. Chi thường xuyên chiếm khoảng 65% và chi chủ yếu là trả lương. Nhưng lương công chức, bao gồm cả bộ máy Đảng, chính quyền chỉ khoảng 10%, phần lớn là dành cho các đơn vị sự nghiệp.
Việt Nam khi bắt đầu đổi mới sắp xếp DNNN, thì số DN này có khoảng 11.000. Hiện nay chỉ còn dưới 1.000 DNNN và số này sẽ còn giảm nữa.
Nhưng số đơn vị sự nghiệp không giảm, ngược lại tăng gần ba lần và hiện số đơn vị sự nghiệp khoảng 55.000. Chính phủ quyết tâm làm cho các đơn vị sự nghiệp này tự chủ, hạch toán thu chi rõ ràng để không còn bao cấp, không còn chủ quản. Việc này rất khó khăn. Muốn làm được việc này phải làm nhiều thứ và có một thứ liên quan đến DN.
Thị trường dịch vụ công đã mở cho DN, Chính phủ rất muốn DN tham gia vào lĩnh vực này. Làm sao để các DN có năng lực, có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực này được tạo điều kiện thuận lợi nhất, với mục đích phi lợi nhuận".