Nhưng, tất cả đều có chung một điểm, hầu hết đều là những quái thai, được sinh ra bởi những người mẹ đến từ các vùng đất Việt Nam bị nhiễm dioxin mà quân đội Mỹ rải xuống từ thời chiến và được các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ giữ lại để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng các công trình khoa học phục vụ con người.
Bí ẩn những "xác ướp" không tên
Lần đầu tiên nghe chúng tôi đề cập đến phòng trưng bày các quái thai của Bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ Phương Tần, Giám đốc làng Hòa Bình (nơi đang nuôi dưỡng hơn 60 người khuyết tật, đặc biệt là khuyết tật do bị ảnh hưởng chất độc da cam) giãy nảy như động phải lửa. Lý do là lâu nay phòng trưng bày này chỉ dành phục vụ công tác nghiên cứu khoa học hoặc chỉ có khách ghé thăm vào những dịp thật đặc biệt nào đó. Tất nhiên, sau những thủ tục bắt buộc, chúng tôi cũng tiếp cận được phòng trưng bày.
Dù không phải một hai lần ghé thăm làng Hòa Bình nhưng khi được nữ nhân viên tên Teng lách cách mở cửa rồi lẳng lặng bỏ đi sau đúng một câu hỏi: cô đi có một mình thôi à? Vừa rợn người bước qua cánh cửa, ngay lập tức mùi phoóc môn nồng nặc xộc vào mũi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Gần trăm thi thể trẻ sơ sinh dị dạng lưu trữ trong những chiếc hũ nhỏ trong suốt đặt san sát trên các kệ áp sát quanh các bức tường của căn phòng như những chủ nhà bé nhỏ, câm lặng, tò mò nhìn khách lạ ghé thăm. Tất cả đều không tên tuổi. Thông tin duy nhất chỉ là tên, quê quán người mẹ, năm được đưa vào lưu trữ, thậm chí hoàn toàn vô danh.
Hũ sớm được đưa vào từ gần nửa thế kỷ trước, muộn nhất thì mới khoảng gần chục năm. Dẫu có tìm hỏi thăm thêm khắp các nhân viên, chúng tôi cũng chỉ nhận được cái lắc đầu lảng tránh. Tìm lại bác sĩ Phương Tần, chị cũng cho biết, khi tiếp nhận làng Hòa Bình, trong đó có phòng trưng bày thì đã không còn bất cứ hồ sơ nào khác về các quái thai được lưu trữ tại đây. Chị cũng chỉ được biết những tiêu bản quái thai này đã có từ trước khi thống nhất đất nước (1975).
Bệnh viện Từ Dũ
Hiện nay, năm thì mười họa mới có người ghé thăm. Đa phần là cán bộ nghiên cứu khoa học của Bệnh viện Từ Dũ và các vị khách quốc tế đặc biệt có trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến nghiên cứu hoặc có quan tâm đến các nạn nhân chất độc da cam và cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Người nắm rõ nhất về phòng trưng bày và cũng là người trực tiếp lập ra căn phòng đặc biệt này là bác sĩ, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ.
Tìm lại lai lịch một căn phòng
Mặc dù đã về hưu nhưng với cương vị của người phụ trách một bệnh viện tư nhân lớn và khách mời đặc biệt cho những "ca khó" của nhiều bệnh viện khác tại TP.HCM, quỹ thời gian của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng gần như lúc nào cũng gần kín mít. Sau nhiều lần lỗi hẹn bởi những trường hợp đột xuất không thể từ chối khác, 7 giờ tối, bà cũng trở về căn nhà bình yên của gia đình trên ngõ phố…
Bác sĩ Phượng bảo rằng ngày làm việc hôm ấy của bà đã bắt đầu từ ca mổ lúc 4h30, kết thúc với 7 ca mổ theo yêu cầu từ nhiều bệnh viện khác nhau. Mệt mỏi nhưng chạm đến các quái thai đang lưu giữ tại làng Hòa Bình, ký ức về những câu chuyện của hơn nửa thế kỷ trước đã dội về. Ngày ấy, bà mới vào công tác trong khoa sản, Bệnh viện Từ Dũ đã gặp ngay "ca khó".
Một phụ nữ trẻ đến từ Hố Nai, Biên Hòa sinh khó. Sau khoảng thời gian đủ dài để "hành" cả mẹ và các y bác sĩ, đứa bé mới chịu chui dần ra khỏi bụng mẹ. Là bà đỡ nhưng Nguyễn Thị Ngọc Phượng cũng điếng người khi hình hài đứa trẻ lộ dần trên bàn tay mình. Cơ thể nhỏ bé toàn lông và không sọ.
Nhìn con, người sản phụ bị sốc đến dở điên dở dại. Riêng Ngọc Phượng, mất mấy ngày đầu, cứ đụng vào thức ăn là nôn thốc nôn tháo. Về phía sản phụ, sau này cô được biết, từ bệnh viện trở về là gia đình nhà chồng một mực bắt con trai bỏ vợ. Người chồng thương vợ, không chấp nhận yêu cầu của cha mẹ nên khoảng 1 năm sau họ lại "tái ngộ" bác sĩ Phượng.
Tuy người vợ trẻ đã trở lại bình thường nhưng những ngày gần sinh, áp lực từ gia đình, từ lần sinh trước khiến nhiều lúc cô rơi vào hoảng loạn, vật vã, không ngừng than khóc: "Trời ơi, tôi sinh ra một con khỉ!". Rất may, lần sinh thứ hai của sản phụ bình thường, "mẹ tròn con vuông".
Một vài năm sau, khi đã không còn bị chấn động trước các cơ thể dị dạng, người bác sĩ trẻ chợt để ý rằng, số lượng quái thai dưới đủ mọi hình dạng được sinh ra ngày càng nhiều. Thời gian cao điểm, có ngày bệnh viện thống kê có đến 5, 6 ca sinh quái thai.
Bi kịch của các gia đình, đặc biệt là thái độ hắt hủi của gia đình những người phụ nữ sinh quái thai và câu hỏi tại sao lại có quái thai, nhiều quái thai đến thế cứ trở đi trở lại trong đầu khiến cô đi đến quyết định: đề nghị bệnh viện cho mình được lưu giữ các quái thai. Căn phòng kho của bệnh viện cứ ngày một đầy thêm những tiêu bản cơ thể dị dạng được lưu trữ. Số lượng nhiều nên thường chỉ có những trường hợp đặc biệt, người bác sĩ trẻ mới giữ lại cùng thông tin về tên tuổi, quê quán người mẹ.
Đất nước thống nhất. Một lần, mấy người cựu chiến binh Mỹ đến Từ Dũ đề cập với ban giám đốc bệnh viện về chất độc hóa học trong thuốc diệt cỏ. Vốn vừa làm việc tại bệnh viện, vừa tham gia công tác nghiên cứu nên bác sĩ Phượng cũng được mời lên.
Từ thông tin ban đầu của những cựu binh ấy, chị bắt đầu mày mò tìm kiếm, thậm chí nhờ bạn bè tìm giúp tài liệu về đọc. Một trong số tài liệu của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ cho thấy, trong chiến tranh, Mỹ đã từng rải rất nhiều chất diệt cỏ, làm trụi lá cây trên nhiều vùng đất, cánh rừng của Việt Nam. Con người sống trong vùng đất này rất có thể bị ảnh hưởng chất độc hóa học sinh ra quái thai.
Thử so sánh các vùng đất Mỹ rải chất diệt cỏ với quê quán của những người mẹ sinh quái thai đang được lưu giữ tại bệnh viện, Nguyễn Thị Ngọc Phượng bàng hoàng nhận ra, hầu hết địa chỉ của các bà mẹ đều nằm trong vùng bị rải chất độc. Lại tìm kiếm thêm tài liệu, lục lại các hồ sơ, đi đến các vùng, miền hỏi thêm nhiều người dân, nhiều nạn nhân, làm thống kê sơ bộ rồi trình lên thành phố.
Năm 1979, UBND TP.HCM họp và chỉ thị Sở Nông nghiệp - Lâm nghiệp, Ủy ban khoa học, Sở Y tế, Sở Lao động TBXH và Hội Phụ nữ cùng nhập cuộc. Riêng bác sĩ Phượng sau đó được bác sĩ Tôn Thất Tùng gọi ra Hà Nội tham gia vào Ủy ban nghiên cứu chất độc dioxin của Trung ương.
Năm 1983, một hội nghị quốc tế về chất diệt cỏ mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh được tổ chức với sự tham dự của đại biểu 22 nước trên thế giới. Hội nghị đã kết luận, chất diệt cỏ được sử dụng hủy diệt môi trường, gây hậu quả lâu dài cho người dân tại địa phương. Năm 1987, một hội nghị quốc tế tương tự cũng tiếp tục được tổ chức. Tất nhiên, đề tài và các thành viên trong đoàn báo cáo đề tài nghiên cứu của Việt Nam bị các công ty hóa chất của Mỹ "xoay như chong chóng".
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng khi ấy mới ngoài 30 tuổi nhưng chị bảo mình không hề run bởi sự thật là thế, có như thế nào cứ kể ra thế ấy, lại còn có "nhân chứng vật chứng" đàng hoàng. Và cũng phải cho đến lúc ấy, chị mới thấy việc lưu giữ quái thai bắt đầu từ sự tò mò của mình hai chục năm về trước lại hữu ích đến thế.
Những giọt nước mắt của lương tri giữa Hạ viện Mỹ
Năm 1989, sau một chuyến thăm bệnh viện, Hội Hữu nghị Việt - Đức quyết định tài trợ xây làng Hòa Bình nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, nạn nhân chiến tranh. Các quái thai vẫn lưu trữ trong kho được đưa lên, dành hẳn một căn phòng nhỏ trong ngôi nhà khang trang của làng để phục vụ công tác nghiên cứu. Nhiều đoàn khách quốc tế, đặc biệt là các nhà khoa học và một số là lãnh đạo tại các cơ quan nước ngoài có liên quan đến vấn đề chất độc dioxin cũng tìm đến hoặc cơ quan nghiên cứu từ Trung ương cũng gửi vào.
Bác sĩ Phượng kể rằng, không ít người, chủ yếu là quan chức một số nước từng quyết liệt phản đối, cho rằng các thông tin về di họa từ dioxin tại Việt Nam là câu chuyện bịa đặt, nhưng khi bà trực tiếp hướng dẫn "tận mục sở thị" căn phòng trưng bày và thăm các trẻ em đang đánh vật với các dị tật của cơ thể vẫn được nuôi dưỡng tại làng Hòa Bình, nhiều người đã ôm mặt khóc.
Sau này, bác sĩ Phương Tần, người kế nhiệm bác sĩ Phượng cũng kể với chúng tôi rằng, có một nhà khoa học người Nhật nghi ngờ các quái thai trưng bày là mô hình nên nhất định đòi mở từng hũ, trực tiếp lấy ra kiểm tra. Xong rồi cũng quay mặt nức nở khóc và bảo: thảm họa chiến tranh ở Việt Nam tàn khốc hơn cả Nhật Bản…
Tất nhiên, cùng với các công trình nghiên cứu khoa học và đầy đủ các nhân chứng vật chứng chứng minh di họa dioxin trên cơ thể người Việt Nam, những luận điệu nhằm phủi sạch tội ác chiến tranh, trong đó có việc rải chất diệt cỏ tại Việt Nam, đã lần lượt bị bẻ gãy.
Tháng 7/2010, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng tiếp tục cùng những người bạn đã sát cánh cùng Việt Nam đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân dioxin lên đường tham gia phiên điều trần thứ ba về chất độc dioxin/ da cam ở Việt Nam tại trụ sở Hạ viện Mỹ. Câu chuyện của chính nhân chứng Nguyễn Thị Hoan và những câu chuyện trong cuộc đời nghiên cứu, về những quái thai do dioxin được sinh ra tại Bệnh viện Từ Dũ và từ rất nhiều vùng miền khác trên dải đất hình chữ S của Việt Nam đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Những kẻ từng gây di họa dioxin lên môi trường, con người Việt Nam đã buộc phải thừa nhận tội ác của mình với cam kết bồi thường 30 triệu USD cho các nạn nhân da cam. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phượng, để xử lý hậu họa này, ngoài giải pháp trước mắt là hỗ trợ máy móc công nghệ giúp các bà mẹ phát hiện quái thai từ sớm để loại bỏ kịp thời, giúp các nạn nhân có điều kiện phát triển, ổn định cuộc sống thì một việc làm cần kíp khác là phải có các công trình nghiên cứu, triển khai tẩy độc cho chính các vùng đất, các môi trường đã, đang bị nhiễm dioxin.
Điều này đòi hỏi một kinh phí rất lớn. Số tiền 30 triệu USD kia chưa thể làm gì được nhiều nhưng bước đầu cũng có thể coi là sự an ủi đối với các nạn nhân, đặc biệt là những sinh linh được sinh ra mà chưa kịp được làm người, trong đó có các nạn nhân được sinh ra đã là các quái thai đang cô quạnh trong căn phòng trưng bày nhỏ bé của làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ.
Theo Ngọc Nguyễn (ANTG cuối tháng)