Sáng 1-12, 150 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, là thủ khoa đầu vào hoặc có thành tích xuất sắc ở 66 trường Đại học (ĐH), học viện trên cả nước đã được trao học bổng “Nâng bước thủ khoa 2022”.
Trong đó có 42 em là người dân tộc thiểu số. Mỗi suất học bổng gồm 10 triệu đồng tiền mặt cùng với nhiều chi phí, hiện vật giá trị khác.
Đây là chương trình thường niên do Báo Tiền Phong và Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam tổ chức năm thứ 7, năm nay diễn ra đồng thời tại TP.HCM lẫn Hà Nội.
Những em được học bổng đều có những hoàn cảnh đặc biệt, có ý chí vươn lên, thành tích cao trong học tập và đặc biệt là có ước mơ và khát vọng bày tỏ qua những bức tâm thư.
Tại TP.HCM, dù nói chuyện trong sự lúng túng và dè dặt nhưng hoàn cảnh của sinh viên Nguyễn Thị Ái Lành (ngành Địa chất học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) khiến không ít người nghe phải bật khóc.
Lành kể: Ba bị tai nạn lao động nằm liệt giường, sau 3 năm thì mất. Mẹ em cũng bị bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Ông bà hai bên nội ngoại cũng không còn, cô dì chú bác cũng khó khăn nên ba chị em của Lành phải cố gắng nương tựa lẫn nhau, cùng nhau vượt qua nghịch cảnh.
Sinh viên Nguyễn Thị Ái Lành chia sẻ tại buổi trao học bổng. Ảnh: P.A |
Gạt nước mắt, Lành nghẹn ngào: “Chị em em còn may mắn khi có các cô chú mạnh thường quân hỗ trợ và một khoản tiền từ bảo trợ xã hội giúp ba chị em tiếp tục học tập. Động lực duy nhất giúp em không nản chí là phải học giỏi để có cuộc sống tốt hơn. Chỉ khi đạt kết quả học tập tốt em mới không phụ lại lòng tốt của những người từng giúp đỡ gia đình em, có thêm điều kiện hỗ trợ những bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn em”.
Hay như nữ sinh Phạm Thị Tú Nguyên, thủ khoa xét học bạ phổ thông đầu vào Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM chia sẻ khi hay tin trúng tuyển đã nhiều đêm mất ngủ vì lo không có tiền đóng học phí. Nhà nghèo, ba mẹ lớn tuổi thường xuyên đau ốm, lại có anh trai tật nguyền nên học phí luôn là vấn đề nan giải với Nguyên.
“Dù khó khăn nhưng ba mẹ luôn động viên em cố gắng học, chỉ có học mới giúp con không giống với ba mẹ. Nghe lời, em đã cố gắng học và đạt học sinh giỏi suốt 12 năm phổ thông, nhiều giải thưởng cấp huyện, cấp tỉnh…” - Nguyên tự hào.
Nguyên cho hay, nhiều bạn bè xung quanh có hoàn cảnh khó khăn đều đã nghỉ học đi làm ở các khu công nghiệp, có bạn lên TP.HCM làm thuê và cũng có bạn đã lấy chồng…
“Em cũng đã từng tự hỏi “mình có nên nghỉ học hay không”. Học thì lấy tiền đâu ra bây giờ? Học tiếp có phải là điều xa xỉ, ích kỷ hay không khi gia đình còn nghèo. Nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ, em đã quyết định theo học, ba mẹ cũng ủng hộ, sẽ khó khăn nhưng chỉ có học mới thay đổi cuộc đời được” - Nguyên tự nhủ.
Và còn nhiều những chia sẻ đẫm nước mắt tại tại buổi trao học bổng khiến không ít người phải nghẹn lòng. Thế nhưng, trên tất cả, các em đã có một nghị lực phi thường, cố gắng học tập để có kết quả thật tốt.
Tổng biên tập Báo Tiền Phong trao học bổng "Nâng bước thủ khoa" cho các sinh viên tại TP.HCM. Ảnh: P.A |
Chia sẻ tại buổi lễ ở điểm cầu Hà Nội, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ xúc động và vui mừng trước những hoàn cảnh, nghị lực học tập của các sinh viên.
Thứ trưởng mong rằng những suất học bổng tuy chưa lớn nhưng sẽ hỗ trợ các em phần nào vượt qua những khó khăn về vật chất, động viên, khích lệ thêm tinh thần cho các em. Đồng thời cũng sẽ nhắc nhở các em nỗ lực hơn nữa để đóng góp, giúp ích cho xã hội.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, một nền giáo dục ĐH chất lượng không chỉ thể hiện ở việc số trường ĐH được xếp hạng quốc tế mà còn thể hiện qua chỉ số tiếp cận ĐH rộng mở đối với tất cả những người có nguyện vọng. Do đó, Thứ trưởng cũng kêu gọi các nhà hảo tâm tiếp tục đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ sinh viên, nhà trường nâng cao chất lượng nghiên cứu, yên tâm học tập.