Sông Vàm Nao (đoạn chảy qua ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân, An Giang) là nơi giao nhau giữa sông Tiền và sông Hậu, luôn có những dòng xoáy cực mạnh nhăm nhe nuốt chửng bất cứ phương tiện nào đi qua.
Đội cứu hộ U70
Đoạn sông này là nỗi ám ảnh của nhiều người. Ấy vậy mà những thành viên trong đội cứu hộ trên sông Vàm Nao (trực thuộc Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Tân, An Giang) lại không hề ngán. Dù họ đều đã lớn tuổi, cuộc đời gắn liền với ruộng vườn, sông nước nhưng tấm lòng cao cả, trượng nghĩa. Thay vì ở nhà hưởng an nhàn khi tuổi già, họ lại lăn xả vào hiểm nguy cứu người gặp nạn.
Tại Trạm cứu hộ đường sông ấp Vàm Nao, ông Dương Tích (70 tuổi) đang cẩn thận kiểm tra lại các thiết bị cứu sinh, chuẩn bị sẵn sàng ứng chiến khi mùa lũ đến. Ông Tích cho biết từ tháng 8 đến tháng 9 nước bắt đầu đổ là khi tàu thuyền dễ bị chìm, sà lan lớn cũng lật luôn.
“Mùa nước nổi, mấy anh em chúng tôi phải thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ. Đội cứu hộ hiện có 17 thành viên, đa số đều làm nông, tuổi đã cao. Tôi là một trong số những người lớn tuổi nhất. Người “trẻ” nhất đội cũng đã tuổi 50” - ông Tích chia sẻ.
Tuy tuổi cao nhưng do còn khỏe và nhanh nhẹn nên ông Tích được phân công nhiệm vụ xuống nước vớt người. Nạn nhân vớt lên sẽ được ông sơ cứu tại chỗ, sau đó đội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ông kể kỹ thuật sơ cấp cứu đuối nước ông tự học trên tivi. Sau này Hội Chữ thập đỏ tổ chức tập huấn thêm cho các thành viên trong đội.
Nói về cái duyên đến với “nghề cứu hộ” của mình, ông Tích cho hay khoảng 27 tuổi ông đã thấy cha mình tổ chức cứu người gặp nạn trên sông Vàm Nao. Thời điểm này ông làm đóng đáy dưới sông, may mắn trúng cá nên mua được chiếc ghe tam bản và máy, sẵn sàng hỗ trợ cứu người khi cần. Đến lúc có tuổi, cảm thấy đã lo xong cho gia đình, ông giao ruộng vườn cho con và dành trọn thời gian làm từ thiện, tham gia vào đội cứu hộ đến nay đã hơn 20 năm.
“Gia đình con cái đều ủng hộ, thậm chí đưa thêm tiền tôi làm việc nghĩa. Mấy anh em trong đội lớn tuổi, ai cũng có khó khăn riêng nhưng chấp nhận làm từ thiện thì khó khăn cỡ nào cũng không kể, chỉ cần cứu được người là mãn nguyện. Thấy gia đình người ta mừng, cám ơn thì trong bụng mình vui theo, bằng không cứu được người, gia đình họ buồn mình cũng buồn” - ông Tích tâm sự.
Khi thấy người và phương tiện gặp nạn cần giúp đỡ, ông Tích thổi còi thông báo. Ảnh: HẢI DƯƠNG
“Làm phước há mong người trả ơn”
Khi được hỏi về thời gian ra đời của đội cứu hộ, hầu hết các thành viên đều không nhớ chính xác mà chỉ biết rằng việc này được nối tiếp từ những bậc cha chú đi trước. Ông Dương Văn Tạo (68 tuổi) cho biết vào khoảng những năm 1978-1979, thấy xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm trên sông nên chừng 10 người tập hợp nhau thành lập đội cứu người gặp nạn.
“Tôi tham gia từ năm 1987. Thời gian đầu đội không có phương tiện hoạt động, các thành viên đi vận động người dân mua được chiếc ghe tam bản, trang bị máy xăng, phao cứu sinh làm bằng thùng mủ. Sau đó chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ cho một chiếc vỏ composite và trang bị các thiết bị cứu sinh chuyên nghiệp. Qua thời gian chiếc vỏ cũng hư nên chúng tôi góp tiền túi và vận động thêm tất cả được 20 triệu đồng mua chiếc ghe sử dụng đến giờ” - ông Tạo kể lại.
Việc cứu hộ không kể ngày đêm. Có lúc tai nạn xảy ra vào nửa đêm giữa trời giông bão nhưng các thành viên vẫn đội mưa đi. Vừa kể chuyện ông Tạo vừa cười hiền: “Mình lớn tuổi rồi, hết tuổi lao động. Thay vì ở không mình làm việc cứu người để thấy tâm hồn thanh thản. Anh em nào không giúp được việc nặng thì canh gác, tri hô, tập hợp anh em hoặc chạy ghe...”.
Suốt nhiều năm đã qua, đội cứu hộ không nhớ đã cứu giúp được bao nhiêu người, ghe, chỉ biết niềm vui cứ tăng lên khi một ai đó được may mắn cứu sống. Dù không một đồng thù lao, đôi khi phải bỏ tiền túi làm việc chung nhưng mọi người đều không một lời phàn nàn. Ngoài ra, họ còn đi bốc thuốc từ thiện, vận động xây nhà cho người nghèo và trở thành những lão anh hùng trong lòng người dân địa phương.
“Có lần người được cứu đề nghị trả ơn hàng chục công đất nhưng đội từ chối nhận bởi đã xác định “làm phước há mong người trả ơn”. Tôi không biết khi nào mình sẽ ra đi nhưng hễ cứ còn sống là tôi còn đi cứu người. Đó như là trách nhiệm trong quãng đời còn lại của chúng tôi” - ông Tạo chia sẻ.
Huyện Phú Tân có 45 chốt cứu hộ cứu nạn, trong đó có bảy chốt xung yếu với 462 thành viên (lớn tuổi) tự nguyện tham gia. Riêng Trạm cứu hộ sông Vàm Nao là trạm xung yếu của huyện, các thành viên trong đội đa phần là các anh, các chú lớn tuổi nhưng có tấm lòng, nhiệt huyết. Thời gian qua, hội cũng đã tham mưu cho đơn vị Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn huyện hỗ trợ phương tiện, dụng cụ phao cứu sinh phao tròn cho đội cứu hộ. Ông ĐOÀN TRÍ HIỀN, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Tân Gia đình khó khăn, vợ ở nhà chăm con nhỏ, tôi làm mướn chỉ đủ ba bữa cơm nên làm gì dám mơ đến một mái nhà. May nhờ địa phương và mấy chú trong đội cứu hộ hỗ trợ, vợ chồng tôi đã có được căn nhà mơ ước, yên tâm làm ăn vươn lên thoát nghèo. Không chỉ vợ chồng tôi mà mấy chú còn cứu giúp rất nhiều người khác nữa, bà con ở đây ai cũng yêu mến mấy chú hết. Anh PHAN VĂN LỜI (ấp Vàm Nao, xã Tân Trung) |