Tôi chưa bao giờ có ý định sẽ học tiếng Nhật. Tuy nhiên, thấy bạn có vẻ hào hứng, pha chút tò mò và chẳng thiếu sự hiếu kỳ nên tôi cười thay cho cái gật đầu của mình.
Kase và Kumano bên cạnh những “học trò” cũ, cùng những người bạn Nhật đang sống và làm việc tại Việt Nam.
Cuộc đời là cái chữ “duyên”
Tôi theo chân người bạn, hai chúng tôi vượt qua những con đường khúc khuỷu, quanh co trong thành phố và dừng lại trước quán coffe có cái tên “rất” Nhật: Kumano. Quán nằm gọn lỏn trong một con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Văn Bánh (385A –Huỳnh Văn Bánh - Tân Bình –TPHCM). Quả đúng như lời bạn của tôi đã giới thiệu. Nói là quán, nhưng chỉ có vài cái bàn thâm thấp, màu nâu, đặt san sát nhau và nếu không có những điều “đặc biệt” như bạn tôi đã giới thiệu, thì chắc cũng chẳng có gì để níu chân khách.
Tiếp chúng tôi là hai người đàn ông người Nhật. Một người có tên Kase cười niềm nở và bắt tay người bạn của tôi. Họ nói một câu gì đó bằng tiếng Nhật, mà tôi chẳng biết họ đã nói gì với nhau. Nhưng rồi ông chủ quán vẫn đem ra cho tôi ly coffee sữa đá – cái thức nước mà tôi rất thường hay uống. Tôi ngạc nhiên: "Bạn nói tiếng Nhật hay vậy?”. Bạn tôi bảo học ở đây đó, Sensei (thầy cô giáo) chính là 2 ông chủ quán này đấy. Bạn muốn thì cứ tự nhiên đến, không học phí và cũng chẳng phải trả tiền công.
Ồ! Tôi ngạc nhiên và tròn mắt nhìn Hiếu. Bạn tôi cười vui vẻ trả lời như đọc được suy nghĩ của tôi vậy “khi nào không hiểu, thì sensei lại lấy từ điển ra và chỉ vào chữ đó, rồi đọc chậm để mình phát âm cho đúng. Chỉ “dạy” cách đó thôi, mà sau ba tháng đến đây uống coffee, mình nói tiếng Nhật được như vậy đấy”.
Buổi trưa, quán nhỏ và có hơn 10 người khách đủ mọi lứa tuổi. Quán dành cho mọi đối tượng từ học sinh, người kinh doanh, dân làm văn phòng, thậm chí là cả những cô chú đã về hưu. Nhưng họ gần gũi và có vẻ rất thân mật với 2 ông chủ quán, nhưng một chữ tiếng Việt “bẻ đôi cũng không gãy” và tiếng Anh thì cũng không hề biết. Ấy vậy mà cả khách và chủ - họ đều hiểu nhau cần gì và muốn uống gì. Tôi thắc mắc không hiểu họ đã trò chuyện với nhau như thế nào?
Bạn tôi nói gì đó với ông chủ quán tên Kase. Ông ấy nhìn tôi cười và ngồi xuống đối diện với tôi. Ông bảo đã đến Việt Nam cách đây 20 năm, không hiểu sao ông lại muốn đến Việt Nam một lần nữa. Rồi đến khi về hưu, người bạn Việt Nam quê ở vùng Phụng Hiệp – Cần Thơ (Ông tình cờ quen khi người này đến làm việc ở Nhật) mời ông qua Việt Nam, thì ý nghĩ ấy càng thôi thúc ông thực hiện. “Sau chuyến “du hương” ấy, duyên nợ đã giữ chân tôi ở lại Sài Gòn bằng chính sự tự nhiên, cái thân thiện, gần gũi của mọi người và cho tôi cảm giác như chính quê hương của mình vậy”. Ông cười “Cuộc đời là một chữ duyên mà”.
Như “con tằm” nhả tơ.
Quả thật, tôi đã từng được nghe và biết đến quê hương của những võ sĩ Samurai: Thẳng thắn, chân thật, rất nguyên tắc... và cái tinh thần dân tộc của họ thật tuyệt vời, khi tôi nhớ đến câu chuyện của vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật cách đây 3 năm. Vậy mà khi tôi ngồi nghe ông Kase kể chuyện, thông qua người bạn làm phiên dịch, tôi còn thấy sự nhiệt tình và đôi khi tôi cảm giác họ cũng đã quen với tôi từ lâu lắm vậy.
Kase kể ở cái tuổi thất thập, ông đã sống và chứng kiến một đất nước Nhật trải qua những năm tháng trong thế kỷ 20, nên ông hiểu thế nào là chiến tranh. Ông bảo dù chưa có điều kiện để đến nhiều nơi, nhưng ông mong cho hòa bình đến với mọi người trên trái đất. Ông bảo tiếng Việt Nam khó quá, học mãi cũng không nói được. Với ông, đất nước Việt Nam trong suy nghĩ của ông là một đất nước có nhiều bản sắc văn hóa. Người dân thân thiện và ông yêu cả cái khí phách anh hùng của người dân Việt Nam nữa. Nhưng mãi đến năm 2008, khi về hưu rồi ông mới có cơ hội trở lại Việt Nam.
Không phải là thầy giáo nên nếu những “học trò” (sento) không hiểu, ông có bực mình và có thấy mệt không? - Tôi hỏi Kase. Ông cười thân thiện: "Việt Nam có một câu tôi rất thích chia sẻ niềm vui thì được nhân lên gấp đôi - chia sẻ nỗi buồn thì vơi đi một nửa. Nên tôi nghĩ, mình cho đi được điều gì mình cứ cho. Mỗi ngày một ít như con tằm nhả tơ cũng được, vẫn đem đến cho đời nhiều tấm lụa đẹp. Đó là cách để giữ lại cho cuộc sống những thứ mà sau khi “buông tay” mình không thể đem theo được".
Tôi hỏi thế sao ông lại mở cái quán coffee này. Kase bảo như nặng nợ với Việt Nam vậy. Rồi ông say xưa kể, mà mặc cho người bạn của tôi muốn “dịch” sao thì dịch. Trong lúc đợi hết kỳ visa để về Nhật, tình cờ ông gặp lại người bạn Nhật là Kumano qua du lịch. Cả hai ông đều cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ viết chữ Thập ở Nhật, nên cả hai cùng quyết định mở quán coffee. Mới đầu chỉ là vì tình cảm với Việt Nam, định mở quán để giúp cho những sinh viên không có việc làm. Nhưng mọi người đến ủng hộ, vui vẻ và thân thiện. Rồi lại có nhiều người muốn học tiếng Nhật và nhờ tôi làm sensei vậy thôi.
Chỉ vậy thôi, nhưng từ khi mở quán đến nay được bốn tháng, vậy mà đã có nhiều người đến học tiếng Nhật. Cứ người học trước chỉ lại cho người học sau, nếu không hiểu thì lại đem hỏi “sensei” Kase, cứ thế nối tiếp nhau. Điều quan trọng là họ vẫn đến quán Kumano, vẫn nghe ông “thầy” Kase giảng bài và nói câu arigato mỗi khi học xong một chữ gì đó.
“Em đang hoc tiếng Nhật, nhưng nhờ sensei Kase dạy, giờ em có thể giao tiếp được bằng tiếng Nhật tốt hơn rất nhiều. Hiện tại, Em vẫn đến đây vừa học, vừa giúp sensei bán hàng những lúc rảnh rỗi. Nhưng sensei vẫn trả công cho em. Vừa được học miễn phí có thêm kiến thức, lại vừa có tiền để trang trải viêc học. Em thấy vui lắm”. Lệ Uyên - một cô học trò của “thầy giáo” Kase chia sẻ.
Mượn một câu nói ở đâu đó mà tôi đã từng đọc được “Cho đi - có nghĩa là bạn sẽ được nhiều hơn mất”. Nghe có vẻ như nghịch lý, nhưng tôi lại thấy đúng và quán coffee Kumano nhỏ bé này đã chứa đựng sự được mất trong cõi nhân gian rộng lớn.
Theo Hải Uyên (Công luận)