Những lưu ý trong giao dịch, mua bán nhà để tránh rủi ro

Thời gian gần đây Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều đơn thư, phản ánh của bạn đọc về tình trạng mất nhà do sơ suất, không cẩn thận trong quá trình vay mượn tiền dẫn đến hậu quả là nhà của mình bị chuyển nhượng cho người khác ngoài ý muốn.
Cụ thể, trường hợp của gia đình bà T.N.D (quận 12, TP.HCM) năm 2008 cần tiền nên gia đình đã thế chấp căn nhà rộng khoảng 200m2 vào ngân hàng vay 140 triệu.
Do đến hạn không trả được nợ cho ngân hàng, cộng với có người quen giới thiệu nên gia đình đã vay 140 triệu đồng của bà X. Đổi lại gia đình bà D. phải bán một phần căn nhà cho bà X. Việc mua bán được thực hiện bằng giấy tay.
Tuy nhiên, phần diện tích nhà bán cho bà H. không tách được sổ nên bà H. yêu cầu ra phòng công chứng công chứng mua bán toàn bộ căn nhà nêu trên và cho biết sau này nếu sau này tách thửa, làm sổ riêng được thì sẽ làm thủ tục sang tên trả lại.
Đến nay, gia đình bà D. yêu cầu bà X. làm thủ tục trả lại chủ quyền thì bà X. không đồng ý. Đồng thời bà X. cũng cho biết đã ký hợp đồng mua bán toàn bộ căn nhà nên không đồng ý sang nhượng lại.

Chuyên gia khuyến cáo người dân không tiến hành ký kết những giao dịch mua bán nhà nếu không thực sự bán (ảnh minh hoạ). Ảnh: ĐẶNG LÊ

Một trường hợp khác tương tự là chị N.N.T.T (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết khoảng tháng 6-2020 do cần tiền gấp để kinh doanh nên thông qua người quen giới thiệu đã vay tiền của một người tên A.
Sau khi thoả thuận vay số tiền 800 triệu với lãi suất 4%/tháng (32 triệu/tháng) hai bên đã ra văn phòng công chứng để làm thủ tục. Để đảm bảo cho khoản vay nêu trên ông A. yêu cầu chị T. ký hợp đồng mua bán căn nhà mà chị T. đang đứng tên sở hữu.
Đến tháng 12-2020 chị T. liên hệ ông A. để thương lượng nhưng ông này cho biết biết đã mua căn nhà này với giá 800 triệu, nếu muốn mua lại sẽ bán với giá 1,3 tỷ.
Đây chỉ là hai trường hợp điển hình trong số nhiều vụ việc tương tự mà Pháp Luật TP.HCM nêu ra làm ví dụ. Cả hai vụ việc đều có điểm chung là chủ sở hữu tài sản đều ký hợp đồng mua bán nhà không đúng với mục đích ban đầu mà hai bên thoả thuận.
Liên quan đến rủi ro về mặt pháp lý trong những vụ việc nêu trên, luật sư Lê Văn Bình, đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết những hợp đồng mua bán nhà trong những vụ việc nêu trên được gọi là hợp đồng giả cách, giả tạo.
Hiểu một cách đơn giản, hợp đồng giả cách là hợp đồng mà các bên thực hiện nhằm che giấu đi một hợp đồng khác. Trên thực tế có rất nhiều giao dịch phát sinh dẫn đến hai bên ký hợp đồng giả cách được thể hiện bằng hình thức mua bán nhà, chuyển nhượng đất… 
Pháp luật hiện nay cũng có những quy định để bảo vệ người dân khi rơi vào những trường hợp nêu trên. Cụ thể, Điều 124 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
“Để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân cần khởi kiện ra toà án để yêu cầu huỷ hợp đồng công chứng việc mua bán nhà do giải tạo, lừa dối và nộp những tài liệu, chứng cứ kèm theo. Sau khi toà án thụ lý cần phải làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngăn chặn việc chuyển nhượng đối với tài sản nêu trên để tránh việc bán nhà cho người khác”- luật sư Bình chia sẻ.
Để tránh rơi vào hoàn cảnh tương tự, luật sư Bình khuyến cáo người dân không tiến hành ký kết những giao dịch mua bán nhà nếu không thực sự bán. Trường hợp nếu đi vay tiền thì nên lập bằng văn bản (không thoả thuận miệng) và ghi rõ số tiền vay, tài sản bảo đảm cho việc vay, thời hạn thanh toán…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm