Những lưu ý về gửi tiền tiết kiệm từ vụ siêu lừa Hà Thành

(PLO)- Để đảm bảo an toàn sổ tiết kiệm, tránh các trường hợp bị kẻ gian chiếm đoạt tiền, luật sư lưu ý người gửi tiết kiệm tuyệt đối không ký sẵn chứng từ trống.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực tiễn đời sống xảy ra nhiều vụ việc bị lừa đảo hoặc bị mất tiền liên quan đến hoạt động gửi tiền tiết kiệm.

Chẳng hạn gần đây, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án trong đó bị cáo tung chiêu lừa quảng cáo mình là nhân viên bưu điện nên được Ngân hàng ưu đãi, gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất cao 10%/năm và gửi 100 triệu đồng sẽ được tặng thưởng 1 chỉ vàng hoặc 5 triệu đồng. Nhiều người đã tin lời quảng cáo này gửi tiết kiệm qua bị cáo và sau đó bị lừa tiền.

Hay như vụ án siêu lừa Hà Thành đang chuẩn bị được xét xử phúc thẩm, bị cáo tìm người gửi tiết kiệm đồng sở hữu, hứa hẹn trả lãi suất cao nhưng sau đó âm thầm rút hàng trăm tỉ đồng chiếm đoạt.

333010449_239619748460042_1556617740158563_n.jpg
Siêu lừa Hà Thành trong phiên toà. Ảnh: CTV

Sổ tiết kiệm là bằng chứng xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm

Trước những tình huống rủi ro liên quan sổ tiết kiệm, trao đổi với PV, luật sư Đỗ Ánh Tuyết (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) quy định nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận cho tổ chức, cá nhân gửi tiền (sau đây gọi là người gửi tiền).

Quy định chi tiết về tiền gửi tiết kiệm, khoản 1 Điều 7 Thông tư 48/2018/TT-NHNN về tiền gửi tiết kiệm, sổ tiết kiệm quy định: “Thẻ tiết kiệm hoặc sổ tiết kiệm (sau đây gọi chung là Thẻ tiết kiệm) là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, được áp dụng đối với trường hợp nhận tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng”.

Theo luật sư Đỗ Ánh Tuyết, đứng trên góc nhìn của Bộ luật Dân sự thì sổ tiết kiệm là bằng chứng xác định tư cách chủ nợ theo phạm vi số tiền gửi.

Về bản chất, giao dịch gửi tiền tiết kiệm và nhận tiền tiết kiệm tại tổ chức tín dụng là giao dịch dân sự hay gọi cách khác là giao dịch vay tài sản giữa tổ chức tín dụng và người gửi tiền tiết kiệm. Chính vì vậy, ngoài quyền và nghĩa vụ theo quy định của từng ngân hàng còn phải tuân theo các quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo đó, người gửi tiền tiết kiệm có nghĩa vụ giao tiền gửi cho bên nhận tiền gửi tiết kiệm đầy đủ, đúng số lượng vào thời điểm và địa điểm và được quyền nhận lại tiền gốc, lãi suất theo thỏa thuận; được đòi lại số tiền gửi tiết kiệm bất cứ lúc nào trong trường hợp vay không kỳ hạn, không có lãi và trong trường hợp vay có kỳ hạn nếu bên vay đồng ý.

Về bên nhận tiền gửi tiết kiệm, bên nhận có nghĩa vụ trả đủ tiền lãi và tiền gửi tiết kiệm khi đến hạn theo thỏa thuận ghi trên sổ.

Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả, trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi chậm trả theo thỏa thuận của các bên; và lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay trong sổ tiết kiệm tương ứng với thời gian chậm trả (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).

TCTD phải trả toàn bộ tiền lãi theo kỳ hạn trong trường hợp bên vay trả lại tài sản trước kỳ hạn đối với vay có kỳ hạn và có lãi. Đồng thời, phải đảm bảo lưu giữ đầy đủ các thông tin liên quan đến việc nhận, chi trả tiền gửi có kỳ hạn bằng phương tiện điện tử để đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong việc tra soát, kiểm tra và giải quyết tranh chấp.

TCTD có quyền sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó và được toàn quyền sử dụng tiền gửi để đầu tư cho các mục đích kinh doanh hợp pháp của mình với điều kiện có hoàn trả theo phương thức đã thoả thuận (vốn, lãi, dịch vụ), số dư trên tài khoản tiền gửi là khoản nợ phải trả của ngân hàng đối với khách hàng.

Không phải ai cũng được nhận tiền gửi

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định về Tổ chức tín dụng nhận tiền gửi tiết kiệm gồm 5 loại hình tổ chức: Ngân hàng thương mại, Ngân hàng hợp tác xã, Tổ chức tài chính vi mô, Quỹ tín dụng nhân dân, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Do vậy, chỉ có các tổ chức tín dụng nêu trên mới được nhận tiền gửi từ cá nhân và tổ chức. Còn các tổ chức tín dụng hoạt động dưới hình thức tổ chức tín dụng phi ngân hàng chỉ được nhận tiền gửi từ các tổ chức mà không được nhận tiền gửi từ đối tượng là cá nhân.

Như vậy, các giao dịch gửi tiền qua cá nhân hoặc các tổ chức phi ngân hàng đều có dẫn đến rủi ro cho người gửi tiền. Các trường hợp kêu gọi gửi tiền qua các cá nhân để được hưởng ưu đãi đặc biệt càng ẩn chứa nhiều rủi ro. Người gửi tiền không nên tham gia các giao dịch này.

Lưu ý khi gửi tiết kiệm đồng sở hữu

Đối với một số trường hợp, người gửi tiền thỏa thuận gửi tiền đồng sở hữu hay lập giấy ủy quyền cho bên thứ 3 được quyền rút tiền, luật sư Đỗ Anh Tuyến phân tích sổ tiết kiệm đồng sở hữu có thể hiểu là sổ tiết kiệm có từ 2 người trở lên cùng sở hữu khoản tiền gửi tiết kiệm.

Tuy nhiên, pháp luật có quy định giới hạn về đối tượng gửi tiết kiệm đồng sở hữu.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Thông tư 49/2018/TT-NHNH đối với tiền gửi chung có kỳ hạn, người cư trú và người không cư trú không được gửi tiền gửi chung có kỳ hạn. Tổ chức và cá nhân không được gửi tiền gửi chung có kỳ hạn bằng ngoại tệ. Ngoài ra, khách hàng gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua tài khoản thanh toán chung của tất cả khách hàng.

Trong trường hợp tiền gửi tiết kiệm chung thì sổ tiết kiệm phải có họ tên, số và ngày cấp giấy tờ xác minh thông tin của tất cả người gửi tiền.

Tuyệt đối không ký chứng từ trống

Để đảm bảo an toàn tài sản, tránh các trường hợp bị kẻ gian chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm, luật sư Đỗ Ánh Tuyết lưu ý khi thực hiện giao dịch gửi tiết kiệm, người gửi tiết kiệm tuyệt đối không ký sẵn chứng từ trống.

Người gửi tiền cũng không nên cho các nhân viên ngân hàng “nợ” sổ tiết kiệm sau khi đã mở tài khoản vào tiền gửi. Vì khi đó, nhân viên ngân hàng có thể đã không gửi tiền vào tài khoản của khách mà gửi tiền vào tài khoản của họ hoặc người khác.

Người gửi tiền cần bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận, không cho bất kỳ ai mượn sổ tiết kiệm, vì trong nhiều trường hợp họ có thể giả chữ ký, giấy chứng minh nhân dân và thực hiện các thủ đoạn khác để rút tiền từ tài khoản của khách.

Trường hợp thất lạc cần phải báo lại ngay cho ngân hàng bằng điện thoại hoặc đến ngay ngân hàng để làm giấy báo mất sổ tiết kiệm.

Ngoài ra, luật sư Đỗ Ánh Tuyến còn khuyến cáo người gửi tiền phải thường xuyên kiểm tra tài khoản tiền gửi định kỳ, không để lộ thông tin CCCD, mã OTP gửi về điện thoại để tránh mất cắp tiền gửi tiết kiệm; không tin vào các cuộc gọi mạo danh nhân viên ngân hàng. Nếu có cuộc gọi từ nhân viên ngân hàng thì phải gọi điện ngay đến đường dây nóng cho ngân hàng để xác nhận, tuyệt đối không chia sẻ thông tin tài khoản cho bất cứ ai, đặc biệt là qua Internet, không cài đặt ghi nhớ đăng nhập trên điện thoại, đăng xuất tài khoản ngay sau khi sử dụng, không nhấp vào các link lạ và các ứng dụng độc hại…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm