Sắp phúc thẩm vụ lừa đảo 433 tỉ đồng bằng sổ tiết kiệm đồng sở hữu

(PLO)- Các cựu nhân viên ngân hàng đã tiếp tay cho siêu lừa Hà Thành chiếm đoạt 433 tỉ đồng thông qua thủ đoạn mở các sổ tiết kiệm đồng sở hữu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ ngày 24 đến ngày 26-1, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sổ tiết kiệm
Các bị cáo trong vụ lừa đảo bằng sổ tiết kiệm đồng sở hữu. Ảnh: TT

Chiếm đoạt của 3 ngân hàng 433 tỉ đồng

Vụ án liên quan đến Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) và nhiều cá nhân với số tiền bị chiếm đoạt 433 tỉ đồng.

Trước đó, vào tháng 3-2023, tòa sơ thẩm đã xử phạt Hà Thành chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong số 26 bị cáo, bị cáo Thành và 12 người kháng cáo.

Các ngân hàng PVCombank, NCB với vai trò bị hại; VAB vừa là bị hại đồng thời là bên liên quan đồng loạt kháng cáo.

Ngoài ra, một số cá nhân là bị hại; người liên quan như đại gia Đặng Nghĩa Toàn, ông Triệu Hùng Cường, ông Vũ Thành Luân, Triệu Thị Tuyết Trinh… và Công ty cổ phần đầu tư MHD Hà Nội cũng có đơn kháng cáo.

Theo hồ sơ vụ án, do cần tiền làm ăn và chi tiêu, Thành tìm những người có tiền để vay hoặc rủ rê hợp tác để chứng minh tài chính rồi chiếm đoạt với mục đích cá nhân.

Do không có tài sản đảm bảo nên Thành nói với họ gửi tiền vào các ngân hàng do Thành chỉ định, mở sổ tiết kiệm với hình thức đồng sở hữu như trường hợp ông Đặng Nghĩa Toàn, Triệu Hùng Cường, Triệu Thị Tuyết Trinh… Sau đó, bà Thành rút tiền ra để sử dụng cá nhân.

Để làm được việc này, bà Thành có được sự “tiếp tay” của 17 cựu nhân viên NCB, VAB và PVcombank. Thành đã giả mạo chữ ký các đồng sở hữu để cầm cố, vay tiền ngân hàng.

Cơ quan tố tụng xác định, Thành gây ra hàng chục vụ lừa đảo ngân hàng và các cá nhân. Số tiền Thành chiếm đoạt tại VAB là 247 tỉ đồng; NCB là 47,5 tỉ đồng; PVCombank là 49,4 tỉ đồng và các cá nhân khác là hơn 60 tỉ đồng.

Thành sử dụng chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân, trả tiền lãi, mua cổ phần. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ làm rõ được khoản tiền 10 tỉ đồng Thành mua cổ phần.

Tranh cãi về các sổ tiết kiệm 122 tỉ đồng

Một khúc mắc lớn trong vụ án là khoản tiền 122 tỉ đồng của ông Đặng Nghĩa Toàn gửi tại 3 ngân hàng trên. Trong khi phía các ngân hàng cho rằng ông Toàn đồng phạm với siêu lừa Hà Thành thì ông Toàn khẳng định không hề trao đổi, bàn bạc thỏa thuận với bà Thành.

Đại gia khẳng định: ''Tiền của tôi gửi vào ngân hàng đúng quy trình, đúng sự hướng dẫn của nhân viên tại quầy. Tôi mang tiền tới, nộp tiền vào tài khoản, sau đó mới yêu cầu gửi tiền vào sổ tiết kiệm để tránh rủi ro không truy vết được việc gửi tiền''.

Ông Toàn còn khai quen bà Thành từ năm 2017, bà Thành tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng đi huy động chỉ tiêu, nếu gửi tiền vào ngân hàng do Thành chỉ định thì ngoài lãi suất ghi trên sổ sẽ được nhận thêm một khoản lãi nữa.

Bản án sơ thẩm tuyên buộc Nguyễn Thị Hà Thành trả NCB 47,5 tỉ đồng; PVCombank 49,5 tỉ đồng, VAB 274 tỉ đồng và các cá nhân khác.

Cho rằng việc gửi tiết kiệm là hợp đồng giả cách, che giấu quan hệ vay mượn giữa đại gia và bị cáo Thành, tòa tuyên giao cho các ngân hàng tạm giữ các sổ tiết kiệm cho đến khi thi hành án.

Do đó, toàn bộ số tiền trong các sổ tiết kiệm của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn tại 3 ngân hàng này bị giữ lại để đảm bảo thi hành án về phần trách nhiệm dân sự của Thành (khoảng 122 tỉ đồng).

Đồng thời, tòa cũng giành quyền khởi kiện cho ông Toàn với Thành bằng vụ kiện dân sự khác. Ngoài ra, có 3 cá nhân là được trả lại sổ tiết kiệm do tiền gửi không liên quan đến hành vi của Thành hoặc khoản vay đã được tất toán xong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm