Cuối tháng trước, một chuyến bay quốc tế từ Tân Sơn Nhất của Vietnam Airline phải lùi giờ khởi hành vì đợi khách từ Nội Bài vào. Tuần này, hàng chục chuyến bay Vietjet Air bị điều chỉnh chỉ vì trục trặc trong tiếp nhận máy bay mới.
Chậm chuyến về bản chất là thay đổi lịch bay, mà căn cứ cao nhất của nó là an toàn. Vì vậy sẽ có rất nhiều trường hợp bất khả kháng.
Đầu tiên là một loạt nguyên nhân khách quan: Do thời tiết, tàu bị hư hại trước chuyến bay (va phải chim, va chạm trên sân đỗ…), chậm chuyến dây chuyền, tìm khách do không ra máy bay, khách đến muộn, dỡ hành lý của hành khách bị từ chối vận chuyển.
Vì quá nhiều hành khách không hiểu luật, lại vô trách nhiệm nên gần đây, các hãng hàng không đã tăng thời gian đóng quầy thủ tục của chuyến bay để bắt buộc khách đến sân bay làm thủ tục sớm.
Nguyên nhân chủ quan cũng rất nhiều: Do các hệ thống làm thủ tục tại sân bay bị hỏng, trục trặc trang thiết bị mặt đất, tắc nghẽn luồng không lưu...
Khi bị delay, khách thường phản ứng hãng bay, nhưng đâu biết có khi lỗi do sân bay, chả liên quan gì đến hãng bay cả. Trên thế giới, các sân bay Trung Quốc nổi tiếng gây chậm chuyến. Các hãng hàng không lớn, chuyên nghiệp đến mấy vẫn có thể khởi hành chậm từ các sân bay của quốc gia tỷ dân này.
Hành khách chờ đợi tại sân bay vì bị hủy chuyến.
Lỗi kỹ thuật tàu bay cũng là một nhóm nguyên nhân khó đoán định. Kiểm tra kỹ thuật trước khi cất cánh là quy định bắt buộc. Nếu lỗi đơn giản hoặc sân bay có đủ thiết bị hỗ trợ thì còn có thể nhân nhượng hoặc khắc phục kịp thời. Còn lỗi phức tạp, không thể xử lý ngay thì phải hoãn, hủy chuyến.
Lí do khai thác cũng là nguyên nhân delay. Chẳng hạn phi công bị ốm bất ngờ hoặc không đáp ứng quy định ngặt nghèo về an toàn bay. Phi công sau một chuyến bay phải được nghỉ ngơi đủ thời gian quy định. Vì lý do nào đó mà giờ khởi hành vào đúng thời gian nghỉ, thì cả trăm khách đợi phi hành đoàn là có thể xảy ra.
Vậy nên, các hãng bay thường bố trí phi công dự bị. Nhưng phi công lại chỉ được phép lái một loại tàu bay. Nên nếu người dự bị ấy lại chỉ phù hợp loại tàu bay khác thì đổi máy bay là việc buộc phải làm…
Chậm chuyến còn có thể vì các lý do phục vụ mặt đất, như dịch vụ cấp suất ăn, bốc dỡ, bơm tra dầu, cân bằng tài hành lý… Bởi các công ty dịch vụ mặt đất lại độc lập với sân bay và hãng bay. Cùng nằm trong dây chuyền hàng không ấy, chỉ một khâu trễ nải, trục trặc là khách bay lại phải đợi.
Đó là chưa kể hàng loạt nguyên nhân bất khả kháng khác, như chờ chuyến bay chuyển khách và hành lý từ chuyến bay khác …
Nhưng các lý do, nguyên nhân được liệt kê lê thê trên chỉ là căn cứ đầu vào. Còn quyết định hoãn hay hủy chuyến thế nào mới là thách thức, đòi hỏi lãnh đạo hãng bay có rất nhiều thông tin để ký lệnh.
Lấy tình huống chuyến bay sử dụng tàu bay thân rộng, B787 hoặc A350, bị hỏng bất ngờ, hãng sẽ có hai phương án:
Đợi một máy bay khác tương tự. Điều này thường mất thời gian, đôi khi phải cho một máy bay bay không tải từ một sân bay khác về để khai thác. Chưa kể, bản thân việc thay đổi vị trí của một máy bay (đổi sân bay) lại làm xáo trộn hoàn toàn lịch bay, ảnh hưởng rất nhiều đến khai thác.
Trường hợp thay thế bằng máy bay thân hẹp, như A321 chẳng hạn, thì lại phải tính khách nào đi A321, khách nào ghép chuyến sau. Ghép chuyến thì lại dẫn tới phản ứng dây chuyền, mà thời gian xử lý có thể kéo dài đến hôm sau mới gọn.
Mỗi tình huống trục trặc phát sinh trong hoạt động hàng không đều dẫn tới vài phương án phải lựa chọn. Mỗi phương án được chọn lại dẫn theo nhiều kịch bản phải tính toán. Tổ hợp các phương án lại cho ra hàng nghìn cách khác nhau để giải quyết, không chỉ phải đáp ứng yêu cầu cao nhất về an toàn, về chất lượng dịch vụ với khách hàng, mà còn phải hài hòa bài toán doanh thu, chi phí.
Do đó, việc khai thác, điều hành mỗi chuyến bay để đáp ứng và hài lòng tất cả khách hàng trong khi vẫn đảm bảo an toàn luôn là thách thức.
Thực tế thì chưa có hãng nào bay đúng giờ 100%. Như trong tháng 1-2019, hãng bay đạt tỷ lệ đúng giờ cao nhất thế giới là Safair, 94.5%. Còn tỷ lệ đúng giờ thấp nhất thì có cả những hãng tên tuổi như EVA Airway (69,1%), Asiana Airlines (67,6%). Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA có gần 100 mã khác nhau quy định cho các tình huống chậm chuyến. Ngoài ra, cơ quan quản lý các nước và mỗi hãng hàng không còn bổ sung thêm một số mã khác. Vậy nên, ở Việt Nam quy định lý do, căn cứ chậm chuyến phải chiếu theo Thông tư 33/2016 của Bộ Giao thông Vận tải. |