135 người còn lại cũng kịp lưu lại ký ức cuộc đời những vết hằn khó phai trong giây phút mong manh giữa lằn ranh sự sống và cái chết.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết đợt nghỉ lễ này, “các vụ tai nạn xảy ra do người điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3-4 người, chạy quá tốc độ, vi phạm quy định về nồng độ cồn hoặc kỹ năng điều khiển xe máy còn hạn chế”…. Ai dám khẳng định, nguyên nhân do “nồng độ cồn” không phải là nguyên nhân của tất cả những nguyên nhân khác?
Số liệu thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy thì khẳng định số người bị TNGT nhập viện có nồng độ cồn trong máu tăng gấp ba lần cùng thời điểm năm trước.
Hiện chưa có mối liên hệ rõ ràng giữa việc Việt Nam đứng top đầu thế giới về tiêu thụ rượu bia với tỉ lệ những khách hàng của bia rượu sau khi “1,2,3…100%” thì lao ngay ra đường. Tuy nhiên, danh hiệu “dân tộc lạc quan nhất thế giới” phần nào khẳng định phẩm chất tự tin tuyệt vời của các đấng ma men.
Họ tự tin rằng họ đủ lý trí để điều khiển phương tiện chuẩn như khi uống nước lọc. Họ tự tin rằng sinh tử là mệnh trời, không uống có khi lại chết dưới "lưỡi dao" trong cơn hăng hái của mấy bạn nhậu chuyên khích tướng. Họ cũng tự tin rằng bản lĩnh và danh dự sẽ suy giảm đáng kể nếu nói mà không làm theo khẩu hiệu “không say không về”…
Trong những vụ việc liên quan đến chất cồn trên đường, xét cả hai phía, người trực tiếp hoặc gián tiếp (bị động hay chủ động) gây ra va chạm, qua đó tiễn các anh chị em vào bệnh viện hoặc nhà xác, có thể một trong hai không có cồn trong máu nhưng đã phải nắm tay đối phương hướng tới một đích đến mang tên “nỗi buồn”.
Những điều trên chỉ là phỏng đoán, chỉ một sự chắc chắn là dịp nghỉ tết để ăn uống, vui chơi sung sướng vừa qua… có nhiều gia đình phải lau nước mắt mà nắn nót ghi nhớ ngày giỗ không đáng có cho thân nhân của mình.
Vậy cách nào để giảm thiểu những tang tóc ấy? Phải chăng nên có một chế tài nặng hơn là xử phạt hành chính, những hình phạt đem đến cảm giác ngược hoàn toàn với lúc “1,2,3…zô” dành cho những “anh bợm” tự tin thái quá hiện nay?