1/3 em nhỏ trong độ tuổi mẫu giáo tại Trung Quốc phải sống xa cha mẹ. Ảnh: EPA
Ba thập kỷ trở lại đây, nhiều người lao động Trung Quốc đã di cư từ nông thôn lên các thành phố lớn để tìm việc. Ban đầu chỉ có những người đàn ông rời làng còn những người phụ nữ vẫn ở nhà chăm sóc cha mẹ, con cái. Tuy nhiên, do nhu cầu của thế giới về các mặt hàng Trung Quốc ngày càng nhiều, các nhà máy, xí nghiệp đang mọc lên như nấm nên các chị em cũng gia nhập đội ngũ lao động ngoại tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Liên đoàn phụ nữ Trung Quốc, hiện có khoảng 1/3 trẻ em nước này phải sống xa cha mẹ và sống với ông bà hoặc người thân. Những em nhỏ này chỉ được gặp cha mẹ một tới hai lần trong một năm.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra các số liệu thống kế theo nhóm tuổi và nghiên cứu đặt ra những câu hỏi về cái giá cho sự phát triển nhanh chóng tại Trung Quốc đối với sức khỏe và những vấn đề tiềm ẩn trong tương lai.
"Sự vắng mặt của cha mẹ là một vấn đề lớn đối với bọn trẻ. Chúng không có được sự quan tâm chu đáo từ ông bà, những người già cỗi và không có đủ sức để chạy theo bọn trẻ hiếu động"-Liu Chongshun, cựu trưởng khoa xã hội học thuộc Viện Khoa học Xã hội Vũ Hán cho biết. "Mặc dù một số ông bà cũng biết cách chiều cháu nhưng từng đó không đủ đối với một đứa trẻ dưới 5 tuổi".
Wei Yankui, mẹ của một cậu bé 4 tuổi tại ngôi làng Shiping ở Hồ Nam, cho biết chị chỉ được ở nhà chơi với con hai ngày nhân dịp nghỉ Quốc khánh. "Tôi cảm thấy rất đau lòng khi phải xa nhà, tôi không thể quan tâm tới chuyện học hành của con được. Cha mẹ tôi thực sự không đủ kiến thức để có thể dạy cháu"-Wei nói.
Cũng giống như chị Wei, mặc dù phải xa con nhưng những người lao động vẫn phải chấp nhận bởi nếu họ không lên thành phố làm việc thì gia đình sẽ không nguồn thu nhập nào khác. Những xem ra, đây lại là lựa chọn khiến bọn trẻ phải sống trong cảnh thiếu tình thương của cha mẹ cũng như có một tương lai không mấy tươi sáng.
Theo Sầm Hoa (VNN / Telegraph)