Mới đây, Ban Thường vụ Đoàn trường Đại học Sư phạm TP.HCM phối hợp với Ban Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Hội Nhà văn TP.HCM và Cục Truyền thông Công an Nhân dân (CAND) Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu tác giả giả và giới thiệu tác phẩm “Đường 1C huyền thoại – Những bờ vai con gái” của tác giả Trầm Hương.
Tại chương trình, hơn 800 sinh viên và học viên cao học cùng với các khách mời đã được gặp gỡ và giao lưu với nữ tác giả Trầm Hương để tìm hiểu về quá trình từ “phôi thai” đến hoàn thiện việc sáng tác tác phẩm.
Các cô chú cựu thanh niên xung phong cùng nhà văn Trầm Hương (ngoài cùng bên trái) cùng giao lưu với khách mời và các bạn sinh viên. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Chúng ta đã đi qua những hồi âm xáo động trong những lời kể thật nhất về quá khứ. Những tưởng niệm. Những hào hùng. Những mất mác. Những đau thương. Và rồi là những động lực.
Để có thể hiểu rằng, tác phẩm “Đường 1C huyền thoại – Những bờ vai con gái” không chỉ là lời kể xúc động của những điều chỉ là dư âm của thời đã qua, mà nó đích thực là sự lay động rõ ràng nhất. Qua đó để mỗi con người yêu văn chương lại có cơ hội được nhìn lại một vết tích huyền thoại từng thúc đẩy những bà, những cô, những chị vì tình yêu và bản lĩnh, quyết tâm xung phong làm nên những chiến công ghi dấu một góc trời.
Nhân kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đoàn trường Đại học Sư phạm TP.HCM phối hợp cùng Cơ quan đại diện Cục Truyền thông CAND, Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu tác phẩm truyện ký: “Đường 1C huyền thoại – Những bờ vai con gái” của tác giả Trầm Hương.
Tại đây, tất cả mọi người đã có cơ hội bước chân vào không gian rất riêng của tác phẩm. Họ như cùng nhau thực hiện chuyến đi vào sâu hơn trong tâm khảm của chính mình, hồi tưởng lại cuộn phim của thời chinh chiến để hòa mình vào tiết điệu ngôn ngữ của trái tim thông qua lời kể của những nhân vật vô cùng đặc biệt.
Đó chính là các cô chú cựu thanh niên xung phong – những nhân chứng sống một thời làm nên trang sách sử trung kiên tại con đường 1C khói lửa miền quê Nam Bộ.
Các nhân chứng sống kể lại một thời anh dũng
Mọi trải nghiệm dù là đau thương hay hạnh phúc, khổ lụy hay sướng vui đều là những kho báu nhân sinh vô giá của chúng ta và chúng ta cất giữ nó ở một góc riêng của tâm hồn mình.
Như vậy, khi được hỏi về những câu chuyện từng trải, khi quá khứ được lay động và khi nỗi niềm được nhắc lại trong quyển sách “Đường 1C huyền thoại – Những bờ vai con gái”, các cô có những cảm nhận như thế nào khi từng dòng chữ miêu tả một thời thanh xuân của mình bỗng chợt hiện về.
Cô Nguyễn Hồng Phận (bên trái) xúc động chia sẻ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cô Nguyễn Hồng Phận (Cà Mau) – Đại đội Nguyễn Việt Khái vô cùng xúc động chia sẻ lúc đó tôi còn nhỏ mới 15 tuổi nhưng nghe tiếng gọi thanh niên phát động tôi cũng không biết phải làm gì nhưng vẫn đi. Khi đến đường 1C ở Hà Tiên, tôi được phân công vác hàng bằng xuồng. Lúc đó sao lạ, chúng tôi không biết sợ là gì, chỉ biết phải cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ đưa hàng về đến miền Tây.
“Đạn bom cũng kệ, chỉ biết cố gắng chèo xuồng mang hàng về. Chị em chúng tôi có khi 31 ngày đêm không biết ngủ ngon giấc là gì. Máy bay bom đạn đầy trời chúng tôi vẫn thay phiên nhau chèo xuồng, quần áo chỉ mang 2 3 bộ không khô kịp phải bận đồ ướt. Cơm cũng đâu có đủ để ăn, nhắc lại thấy tủi nhưng cũng vô cùng tự hào vì đã hoàn thành nhiệm vụ và nhận được giấy khen”- cô Nguyễn Hồng Phận chia sẻ.
Tiếp lời cô Nguyễn Hồng Phận, nhà văn Trầm Hương tiết lộ một điều khá đặc biệt: “Lúc đó mấy chị nào được phong là “Dũng sĩ kiện hàng” thì phần thưởng là bức ảnh của anh Nguyễn Văn Trỗi và chị Quyên. Đó là giá trị tinh thần rất lớn đối với các chị, nhận được phần thưởng đó các chị vô cùng sung sướng”.
Trước sự xúc động của mọi người, cô Nguyễn Thanh Hồng – Đại đội Nguyễn Việt Khái cho biết: “Tôi rất cám ơn nhà văn Trầm Hương đã tái dựng lại thanh xuân của chúng tôi ở chiến trường 1C. Đúng như nhà văn đã miêu tả, tôi tham gia thanh niên xung phong lúc tôi chỉ mới 14 tuổi.
Trong thời gian chúng tôi ở chiến trường, trước sự ác liệt của kẻ thù, chúng tôi không những rất kiên cường mà còn làm đủ mọi cách để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Chị em chúng tôi đã cắt phăng mái tóc dài của mình, thậm chí cạo trọc đầu để dễ dàng chiến đấu”.
Những ai đã đọc qua cuốn truyện ký, chắc hẳn vô cùng ấn tượng đến độ rơi vào trạng thái ám ảnh bởi các phân đoạn miêu tả về khoảnh khắc mà các cô phải chứng kiến các thi hài của đồng đội mình đắp chồng lên nhau trên những cù lao của miền đất Nam Bộ, và trôi nổi trên mặt sông ngay tại “tọa độ lửa” của bom đạn.
Truyện ký “Đường 1C huyền thoại – Những bờ vai con gái” của nhà văn Trầm Hương. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Khi được hỏi các cô chú – là những thanh niên xung phong tận mắt chứng kiến những thực cảnh như thế đã cảm thấy như thế nào. Chú Cao Long Phiêu – Đại đội Nguyễn Việt Khái cho biết bất cứ lúc nào nhắc lại chú cũng cảm thấy sợ hãi, thậm chí không đủ can đảm đọc hết cuốn sách ấy.
Chú Cao Long Phiêu chia sẻ: “Kể ra ở đây thì cả ngày cũng không hết, lúc đó cũng đi vận tải chuyển hàng, có khi 2 3 năm mới được trang bị quần áo một lần, cơm thì chắc chắn đã thiếu thốn hằng ngày. Lúc đó còn nhỏ nên những khổ cực như vậy là quá sức đối với chúng tôi, chứng kiến đồng đội chết trước mặt cũng vô cùng sợ hãi nhưng không được lùi bước.
Con đường 1C chi viện cho cả 3 chiến trường: quân khu 8, quân khu 9 và cả miền Tây Nam Bộ nên giặc luôn luôn muốn triệt phá. Để bám trụ được đến ngày giải phóng đất nước là cả một quá trình gian nan mà nhắc đến bất cứ ai cũng phải rùng mình”.
Đúng như vậy, muôn vàn ác liệt của chiến tranh, tất thảy hi sinh anh dũng của các chiến sĩ nơi “đầu sóng ngọn gió” vẫn luôn luôn ghi dấu trong lòng mỗi con người Việt Nam.
Trước khi biết đến tác phẩm truyện ký “Đường 1C huyền thoại – Những bờ vai con gái” của nhà văn Trầm Hương, chúng ta hẳn đã biết đến các chiến sĩ thanh niên xung phong qua các tác phẩm khác như: “Mảnh trăng cuối rừng” của nhà văn Nguyễn Minh Châu và “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê trong chương trình sách giáo khoa.
Nhà văn Trầm Hương chia sẻ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Dù ở đâu, được tái hiện lại như thế nào thì những chiến sĩ thanh niên xung phong ấy trong lòng chúng ta vẫn luôn là những anh hùng đã vượt qua hành trình gian khổ, hi sinh, đã yêu nước, đã quyết tâm chiến đấu với niềm tin về một ngày cách mạng thắng lợi, thống nhất nước nhà.
Và hôm nay, “Những ngôi sao xa xôi” ấy đã đến Sài Gòn, cùng tất cả chúng ta sống lại quá khứ, hô vang khẩu hiệu vì một niềm tự hào dân tộc muôn đời!