Mang “Nụ Cười” đến mọi miền đất nước
Tầm 9 giờ rưỡi sáng, quán cơm Nụ Cười 1 trên đường Lý Thái Tổ (quận 10), đối diện bệnh viện Nhi Đồng 1, đã có nhiều người xếp hàng chờ mở bán.
Đúng 10 giờ, khách đã có thể bắt đầu mua phiếu, mỗi phiếu ăn có mệnh giá 2000 đồng. Suốt 12 năm nay vẫn giữ nguyên giá.
“Bà con nào ăn cơm thêm nữa không, muốn nữa có nữa”, chị tình nguyện viên nói vọng ra, tay cầm tô cơm còn nóng, tới từng bàn để kịp xới cơm cho khách.
Anh Khánh, nhân viên của quán tâm sự: “Vấn đề tài chính là áp lực thường trực. Để duy trì quán thì phải có hỗ trợ của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hoặc các cá nhân, lúc thì 50-100 ký gạo, hoặc hạt tiêu, ớt…miễn là nấu được cho bà con”.
Anh nói thêm: “Quán phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, với gà hoặc cá thì phải có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, còn rau củ thì đều được chọn lựa kỹ lưỡng, sơ chế sạch sẽ để đảm bảo sức khỏe”.
Những tình nguyện viên ở đây đa phần là người lớn tuổi, quán cũng hay gặp khó khăn do thiếu người. Lương cho nhân viên thì cũng chỉ hỗ trợ được một ít.
“Không phải khách nào cũng vui vẻ, nhiều người có áp lực cuộc sống, tới đây dễ xảy ra cự cãi, gây gổ”, Anh Khánh trải lòng.
Quán hoạt động từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Thực đơn mỗi ngày đều được thay đổi đa dạng, thường sẽ gồm món mặn, rau ăn kèm, canh và trái cây tráng miệng.
Anh Phan Văn Khoa (ngụ quận 1), làm nghề buôn bán tự do, chia sẻ: “Tôi là khách quen nhiều năm. Đối với nhiều người cơ nhỡ, thu nhập thấp thì ăn uống ở đây thoải mái hơn, tiền dư có thể trang trải việc khác. Người ta phục vụ rất tận tình, nhưng mình cũng phải có ý thức tự dọn dẹp”.
Chuỗi quán cơm xã hội Nụ Cười do nhà báo Nam Đồng, nguyên Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM sáng lập. Hiện nay chuỗi quán cơm thuộc dự án trợ giúp suất ăn giá rẻ của Quỹ từ thiện Bông Sen.
Chuỗi quán cơm Nụ Cười hiện có 8 chi nhánh tại TP HCM, 9 chi nhánh tại các tỉnh thành khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang,… được đặt tên là Yên Vui.
14 năm bán cơm 2.000 đồng
Trong con hẻm số 14/1 trên đường Ngô Quyền (quận 10), cũng có một quán cơm 2.000 đồng đã hoạt động được 14 năm.
Trung bình mỗi ngày quán bán được khoảng 250 suất. 7 giờ sáng thì các tình nguyện viên sẽ chuẩn bị sơ chế nguyên liệu, tới 9 giờ thì nghỉ ngơi đôi chút, rồi 10 giờ sẽ bắt đầu phục vụ bà con.
Anh Lê Tuấn Tú, quản lý quán chia sẻ: “2.000 đồng chỉ là giá tượng trưng. Bù lại mình được các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm gạo hoặc tiền. Đôi khi đi chợ, người ta biết mình làm từ thiện nên để giá cũng rẻ hơn. Mặc dù giá rẻ nhưng phải quan tâm đến chất lượng, mỗi buổi chúng tôi đều phải lấy mẫu kiểm tra để đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm”, anh Tú nói thêm.
Quán cơm nằm trong chuỗi hoạt động của nhóm từ thiện Người tôi cưu mang. Ngoài ra nhóm còn các hoạt động nấu cháo từ thiện, xây ngôi nhà mơ ước,… để hỗ trợ cho bà con nghèo ở tất cả các vùng trên cả nước.
Quán cơm 2.000 đồng hiện có ba chi nhánh ở Sài Gòn, Đà Lạt và Cần Thơ.
“Ban đầu tôi chỉ muốn kiếm chỗ ăn giá rẻ, vì mình cũng từng là sinh viên. Tới ăn xong rồi tham gia cùng mọi người, thấy chương trình có ý nghĩa thiết thực nên gắn bó từ 2013, đến nay là 10 năm rồi”, anh Tú trải lòng.
Chị Phụng Anh (ngụ quận 5) cho biết: “Tôi đã ăn ở đây được mười mấy năm rồi, quán mở được hai năm là tôi đã tới, từ hồi còn quản lý cũ tới giờ. Mấy bạn sinh viên phục vụ nhiệt tình, đỡ phải chen lấn giành giật. Đồ ăn làm cũng vệ sinh sạch sẽ. Ở đây ngon nhất là canh bầu, canh bí, ngày nào nấu là cũng có nhiều người xin 2,3 chén ăn thêm”.
Cháo trắng giá chỉ 1.000 đồng
Tại số 221/10, trong một con ngõ trên đường Phan Văn Khỏe (quận 6), quán cháo “Về đây em” của hai vợ chồng ông Thái Công Minh đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người nghèo, người lao động, sinh viên học sinh suốt 20 năm qua.
“Anh Năm ơi lấy em tô cháo, giờ lớn rồi ăn cơm khó tiêu quá, ăn cháo dễ tiêu”, một thực khách lớn tuổi đứng trước quán nói vọng vào.
Ông Minh cười cười, tay múc cháo từ trong chiếc nồi nóng hổi rồi đưa cho khách.
“Trước đây cũng là do vấn đề mưu sinh, vợ tôi mới thấy có mặt bằng trước nhà nên bày ra bán. Nó cũng đỡ được phần nào về kinh tế, có đồng tiền cho các con đi học”, ông Minh nói.
Mỗi ngày, vợ chồng ông Minh thức dậy lúc 6 giờ sáng để chuẩn bị, tới 2 giờ chiều thì bắt đầu dọn bán. Một nồi cháo nấu hết 3 kí gạo, bán khi hết nồi cháo thì thôi.
Một vá cháo, tương đương tô nhỏ, có giá 1.000 đồng, khách có thể chọn mua mấy nghìn đồng tùy thích. Đây là giá từ 2012 tới nay, trước đó một tô cháo là 500 đồng, nhưng sau không ai dùng mệnh giá đó nữa nên vợ chồng ông mới tăng giá.
Cháo trắng nhạt, thực khách có thể dùng với các loại đồ ăn kèm như kho quẹt, dưa mắm, củ cải mặn, cá lóc, tôm rim, cá cơm, hột vịt muối,...
“Chủ yếu là mình bán vì cái tâm, ai ăn cũng được hết. Mấy nay tôi và vợ có hay cho gạo những người bán vé số, người neo đơn, khó khăn. Nhiều khi người ta tới mua cháo thì mình cũng không tính tiền”, ông Minh bộc bạch.
Ông Minh tâm sự: “Giá cả có tăng, nhưng mình bỏ vốn ít, lời đồng ít thì cũng không ảnh hưởng nhiều. Tôi thường phải chạy xa để mua nguyên liệu giá tốt hơn. Thỉnh thoảng cũng có nhiều nhà hảo tâm cho tiền, cho gạo”.
Nhắc tới cái tên “Về đi em”, ông Minh tâm sự: “Đây là ý tưởng trước khi có quán, tôi có bàn với vợ rằng khi nào có bán buôn gì thì lấy tên này đặt. Nó như là tiếng mình gọi chồng, gọi vợ, anh gọi em.”
Bạn Lê Nguyễn Tuấn Anh, sinh viên năm 3 trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật, cho hay: “Mình biết tới quán là do một lần đi ngang qua, ghé vào ăn thử thì thấy hợp khẩu vị, tới giờ thì cũng trung thành được một năm rồi”.
Bạn Hoàng Kim, sinh viên năm 4 trường ĐH Kinh tế, chia sẻ: “Quán nhỏ, cổ điển, mang không khí gia đình, cô chú thân thiện. Món cháo với tóp mỡ kho rất ngon. Có món chỉ 2.000 đồng làm mình có cảm giác trở về tuổi thơ. Vì giờ thật khó để mua món gì đó 2.000 đồng ở Sài Gòn”.