Những thay đổi lớn ở bản đồng bào Mông – Bài 3: Người Mông ở bản Mùa Xuân

Những thay đổi lớn ở bản đồng bào Mông – Bài 3: Người Mông ở bản Mùa Xuân

(PLO)- Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tinh thần trách nhiệm của những đảng viên ở chi bộ bản Mùa Xuân thuộc xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn mà cuộc sống đồng bào người Mông nơi đây đang ngày một khấm khá hơn.

Bản Mùa Xuân thuộc xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa, từng được biết đến là vùng đất biệt lập, không có điện, đường, trường, đất sản xuất… Người Mông sau hành trình di cư đến bản Mùa Xuân vẫn luôn chìm trong đói nghèo lạc hậu. Vậy nhưng từ khi có chi bộ Đảng dẫn dắt, cuộc sống của bà con dân bản nơi đây đã từng bước đổi thay.

Những cuộc cách mạng ở bản đồng bào Mông – Người Mông ở bản Mùa Xuân - 5.JPG
Người mông ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy (Quan Sơn, Thanh Hóa) đã biết cấy lúa kể từ khi có Đảng. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Ký ức di cư

Bản mùa Xuân nằm giữa đại ngàn núi rừng, để đến được đây chúng tôi phải vượt qua những dãy núi cao ở xã Sơn Thủy. Đường dẫn vào bản nay cũng thuận lợi hơn bởi đã được thảm bê tông thay vì phải băng rừng đi theo lối mòn như trước đây.

Nhớ lại hành trình di cư, Bí thư chi bộ - Trưởng bản Mùa Xuân Sung Văn Cấu, chia sẻ năm 1990 trong một lần đi săn bắn thú rừng, nhóm của ông có năm người đã đi lạc đến vùng đất Mùa Xuân (Mùa Xuân là tên sau này mới có).

Những cuộc cách mạng ở bản đồng bào Mông – Người Mông ở bản Mùa Xuân - 15.jpg
Bí thư Chi bộ Bản mùa Xuân cùng lãnh đạo xã, Bộ đội biên phòng cắm bản chia sẻ với PV Báo Pháp Luật TP. HCM trong hành trình ngưng di cư. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

“Bản Mùa Xuân cách nơi ở của chúng tôi ở xã Hua Pù (Pù Nhi, Mường Lát) gần 100 km, còn nếu đi về trung tâm xã Sơn Thủy cũng khoảng 20 km. Thấy khí hậu nơi đây mát mẻ phù hợp cho săn bắn, làm nương rẫy nên tôi đã đưa cả gia đình ở Pù Nhi đến Mùa Xuân sinh sống, định cư” - ông Cấu nói và cho hay đó cũng chính là thời điểm ông cùng bà con chấm dứt cảnh di cư. Dù vậy cuộc sống vẫn còn bấp bênh, chủ yếu dựa vào săn bắt thú rừng, đốt nương và làm rẫy.

Cũng theo vị trưởng bản, trẻ con ở đây cũng không được học hành, 13-14 tuổi đã kết hôn, sinh con; bà con lại sinh nhiều nên cuộc sống lay lắt, khốn khó trăm bề. Thú hoang ngày càng ít đi, việc trồng ngô, trồng lúa nương chủ yếu dựa vào trời, trong khi số hộ gia đình đến Mùa Xuân ngày càng tăng…

Những cuộc cách mạng ở bản đồng bào Mông – Người Mông ở bản Mùa Xuân - 15 (2).jpg
Những người trẻ kết hôn sớm là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, lạc hậu. Ảnh: ĐẶNG TRUNG (tư liệu)

Mùa Xuân có Đảng

Thời điểm đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa, Huyện ủy huyện Quan Sơn cũng nhận thấy để chấm dứt nạn du canh, du cư thì cần tăng cường cán bộ Đảng viên xuống bản để tuyên truyền cho người dân hiểu về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Việc đưa cán bộ xuống bản Mùa Xuân còn nhằm mục tiêu tìm kiếm những “hạt giống đỏ” gương mẫu, có uy tín để bồi dưỡng đưa vào hàng ngũ của Đảng.

Những cuộc cách mạng ở bản đồng bào Mông – Người Mông ở bản Mùa Xuân - 9.JPG
Một góc bản Mùa Xuân hôm nay. ẢNh: ĐẶNG TRUNG

Đến năm 2001, chi bộ bản Mùa Xuân được thành lập với chín đảng viên, đến nay con số này đã lên đến 19 người. Ông Sung Văn Cấu, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Mùa Xuân cũng là thế hệ đảng viên đầu tiên được phát hiện, bồi dưỡng ở bản này.

Khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, ông đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân không di canh di cư, không phá rừng, đốt nương làm rẫy, không trồng cây thuốc phiện và tin lời kẻ xấu kích động; từng bước xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…

cd687c765dccf0dDJI_0173.MP4.00_00_09_20.Still002.jpg
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống của đồng bào Mông, trong ảnh là chương trình vui xuân bản Mông, ấm lòng dân bản năm 2024. Ảnh: Huyện ủy Quan Sơn cung cấp

Anh Thao Văn Dia là đảng viên thuộc thế hệ 8X được đào tạo, bồi dưỡng đứng trong hàng ngũ của Đảng ở bản Mùa Xuân. Sau nhiều đêm trăn trở làm gì để thoát nghèo, anh Dia đã xuống xã nhờ cán bộ nông nghiệp tư vấn kỹ thuật làm đất để gieo trồng lúa nước năng suất cao 2 vụ/năm, đồng thời mang kỹ thuật về hướng dẫn lại cho bà con dân bản.

Không dừng lại ở đó, anh Dia còn cùng với chi bộ bản Mùa Xuân có nhiều buổi sinh hoạt, chia sẻ để bà con nhận thức rõ hơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống đồng bào dân tộc Mông, tuyên truyền để bà con dân bản không tin, không nghe lời kẻ xấu xúi giục.

Đặc biệt, người Mông ở Mùa Xuân đã bắt đầu thực hiện nếp sống mới trong cưới hỏi, tang ma, loại bỏ hủ tục lạc hậu, hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn… vốn là những hủ tục ngăn cản người Mông thoát đói nghèo.

Những cuộc cách mạng ở bản đồng bào Mông – Người Mông ở bản Mùa Xuân -.jpg
Người Mông ở Mùa Xuân đã biết trồng lúa, chăn nuôi, giúp nhau phát triển kinh tế xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Từ hành trình di cư đến định cư ở miền đất mới, đến nay cả bản có 121 hộ với 564 nhân khẩu. Ông Sung Văn Cấu nói thông qua các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, người dân ở bản Mùa Xuân đã biết trồng lúa nước, biết trồng rừng, biết chăn nuôi, biết giúp nhau phát triển kinh tế và xóa bỏ các tập tục lạc hậu.

Xóa tên bản "5 không"

Trao đổi với PLO, ông Phạm Bá Thái, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy, khẳng định nhờ có các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bản Mùa Xuân đã có nhiều đổi thay tích cực, cái tên bản “5 không - không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không sóng điện thoại” cũng được xóa bỏ.

Những cuộc cách mạng ở bản đồng bào Mông – Người Mông ở bản Mùa Xuân - 3.JPG
Lớp học dành cho em người Mông ở bản Mùa Xuân. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Bản nay đã có lưới điện quốc gia, trẻ em trong bản đã được đến trường học chữ, người dân biết trồng lúa nước, xóa bỏ hủ tục xây dựng đời sống văn hóa mới, không tin vào lời kích động của kẻ xấu di cư, phá rừng…

Hiện, bản Mùa Xuân có 10 ha lúa nước, 40 ha ngô, 20 ha mận, hàng chục ha vầu và có gần 300 con trâu, bò.

Những cuộc cách mạng ở bản đồng bào Mông – Người Mông ở bản Mùa Xuân - 4.jpg
Con đường nối từ Trung tâm xã Sơn Thủy lên bản Xuân góp phần giao thương, xóa đói giảm nghèo, đời sống của người dân ngày một đổi thay và cái tên bản 5 không đã được xóa ở bản Mùa Xuân. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

“Nhờ có Đảng, tin tưởng và đi theo Đảng mà cuộc sống của người dân bản Mông thay đổi tích cực mỗi ngày” – ông Thái nói và nhìn nhận nhiều đảng viên trong chi bộ Mùa Xuân đã và đang phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu như Thao Văn Dia, Thao Công, Sung Văn Cấu.

Họ cũng là những đảng viên vừa đi đầu trong phát triển kinh tế vừa tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ nhiều hủ tục, nhất là tục tang ma, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự vùng biên.

Những cuộc cách mạng ở bản đồng bào Mông – Người Mông ở bản Mùa Xuân - 10.JPG
Người Mông ở Mùa Xuân đang từng bước thoát nghèo, nhiều hộ gia đình đã có xe máy, tivi, có cuộc sống tốt hơn nhiều so với trước đây. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Cùng sống với dân

Huyện Quan Sơn có địa hình chia cắt, núi cao, suối sâu, nhiều hủ tục vốn đã ăn sâu vào nếp nghĩ người dân nơi đây phần nào làm ngăn cản sự phát triển của địa phương. Địa bàn huyện Quan Sơn có ba bản đồng bào dân tộc Mông sinh sống là Mùa Xuân, Xía Nọi, Ché Lầu.

Từ tháng 4-2018, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn đã triển khai xây dựng mô hình “3+1” và phân công cán bộ ở huyện dự sinh hoạt với chi bộ bản.

Theo đó, mỗi tháng cán bộ, công chức trong huyện dành một tuần để xuống các thôn, bản nắm tình hình, hướng dẫn các cấp ủy đảng cơ sở triển khai các nghị quyết, chỉ thị của các cấp đi vào cuộc sống, cùng Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

LUONG-THI-HANH.jpg
Bí thư Huyện ủy huyện Quan Sơn Lương Thị Hạnh tặng quà cho đồng bào người Mông ở Mùa Xuân đón Tết Nguyên Đán 2024. Ảnh: NVCC

Khi huyện triển khai mô hình này ở các bản người Mông đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực; góp phần đổi mới, nâng cao phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, sức chiến đấu của các đảng viên trong chi bộ. Cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở Quan Sơn những năm qua đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên để phát triển.

Mỗi người dân ở khu vực biên giới, bản biên giới cần phải là người chiến sĩ bảo vệ, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Tuyệt đối không nghe theo xúi giục, các thông tin trái chiều, không bị ảnh hưởng của những luận điệu xấu, luận điệu sai mà phải luôn nỗ lực cố gắng.

Ngoài việc người dân tin theo Đảng, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước còn phải tự lực, tự cường cố gắng vươn lên trong lao động, sản xuất, trong phát triển kinh tế của địa phương, kinh tế hộ gia đình.

LƯƠNG THỊ HẠNH, Bí thư Huyện ủy huyện Quan Sơn

(Kỳ cuối: Sự “thay da, đổi thịt” của người Mông ở bản vùng cao Thanh Hóa. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn trăn trở việc làm thế nào để đời sống đồng bào người Mông thay đổi, từng bước vượt qua đói nghèo vươn lên làm giàu).

Đọc thêm