Đại úy Biên phòng đi xóa mù chữ trong bản 'nhiều không'

Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2024)

Đại úy Biên phòng đi xóa mù chữ trong bản 'nhiều không'

(PLO)- Hành trình gieo chữ ở huyện Mường Lát của Đại úy Hơ Văn Di dù gặp không ít khó khăn nhưng đầy hạnh phúc khi bà con người Mông đã biết viết, biết đọc...

Đồng bào Mông ở Thanh Hóa sinh sống chủ yếu ở các bản làng vùng sâu, vùng xa các huyện Quan Hoá, Quan Sơn và Mường Lát thuộc các xã giáp biên giới với nước bạn Lào. Nơi đây có nhiều đồng bào không biết chữ nhưng bằng sự nhiệt huyết của những cán bộ, đảng viên đi gieo chữ mà đời sống người dân đang dần thay đổi.

Trong số những người đi gieo chữ cho đồng bàoĐại úy Hơ Văn Di đang công tác tại Đồn Biên phòng Trung Lý, Mường Lát (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa).

Đại úy Biên phòng đi xóa mù chữ trong bản “nhiều không”-31.jpg
Lớp học xóa mù cho đồng bào dân tộc Mông của Đại úy Hơ Văn Di. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Đại úy biên phòng được đồng bào gọi là thầy giáo

Từ Trung tâm huyện biên giới Mường Lát đi về phía “cổng trời”, lớp học xóa mù của thầy giáo Hơ Văn Di nằm chênh vênh bên sườn núi, quanh năm mây giăng bao phủ, thiếu thốn đủ bề. Lớp học của thầy Di bắt đầu từ 18 giờ 30 đến 21 giờ dành cho các mẹ, các chị, các bà, già làng ở bản Khằm I, Khằm II, xã Trung Lý chưa biết đọc, biết viết Tiếng Việt.

Đặt cuốn sách Tiếng Việt tập 1 xuống mặt bàn cũ kĩ, Đại úy Hơ Văn Di nhớ về những ngày đầu trong hành trình bén duyên “gieo chữ” cho chính đồng bào của mình.

Đại úy Biên phòng đi xóa mù chữ trong bản “nhiều không”-10.JPG
Chân dung Đại úy Hơ Văn Di – một người lính luôn mong muốn có thêm nhiều người Mông biết đọc, biết viết. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Anh kể: Bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát được xem là bản “biệt lập” với thế giới bên ngoài. Nơi đây được nhiều người ví như là “Tam Giác Vàng” của xứ Thanh Hóa bởi sự phức tạp của ma túy, đồng bào chìm trong đói nghèo, lạc hậu... Hơn chục năm trước, Tà Cóm là bản có nhiều cái không nhất của Thanh Hóa “không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không sóng điện thoại, tỉ lệ người không biết chữ rất cao”…

Đường vào bản thời điểm ấy cũng rất khó khăn, nếu đi bộ bằng đường núi thì phải đi từ sáng sớm đến chiều tối mới vào, trong khi nếu vượt sông Mã thì rất nguy hiểm vì nước chảy xiết, nhất là vào mùa lũ.

Đại úy Biên phòng đi xóa mù chữ trong bản “nhiều không”-4.jpg
Vào bản Tà Cóm chỉ có thể đi bộ xuyên núi hoặc vượt dòng sông Mã có lúc êm đềm, nhưng cũng có lúc cuộn đỏ chảy xiết. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Tháng 8-2009, Đại úy Di được lãnh đạo Đồn Biên phòng Trung Lý giao nhiệm vụ vào chốt biên phòng ở bản Tà Cóm phối hợp cùng Chi bộ bản Tà Cóm vận động, tuyên truyền bà con phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Song song đó là nắm địa bàn, ngăn chặn các phần tử xấu kích động, lôi kéo, chống phá Đảng, Nhà nước, bảo vệ sự bình yên cho đồng bào nơi đây.

“Đêm đầu tiên nhận nhiệm vụ, mưa rừng không ngớt, cả bản làng bao trùm bóng tối, không ánh đèn… Chứng kiến tình trạng đói nghèo, lạc hậu, nhiều hủ tục của bà con dân bản, tôi chỉ mong muốn làm sao để họ biết viết, biết đọc cái tên của mình, từ đó ít nhiều cũng giúp bà con biết cách làm ăn, tránh xa kẻ xấu kích động lẫn ma túy…” – Đại úy Di chia sẻ.

Đại úy Biên phòng đi xóa mù chữ trong bản “nhiều không”-10.jpg
Thấy được khó khổ của đồng bào của chính mình, trong khi nhiều người lại không chữ nên đại úy Hơ Văn Di đã quyết tâm để mỗi đồng bào mình được học chữ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Nghĩ là làm, Đại úy Di đã báo cáo Đồn biên phòng Trung Lý, báo cáo chính quyền địa phương, chi bộ bản Tà Cóm về mong muốn được dạy con chữ cho đồng bào dân tộc Mông.

Anh đã cùng chi bộ bản Tà Cóm đến từng hộ dân vận động “ai chưa biết chữ thì đi học chữ, ai đã biết rồi thì học thêm để không tái mù”. Cứ như thế, lớp học từ chỗ chỉ có 10 người vào năm 2009, sau đó tăng dần.

“Đến nay việc học xóa mù của đồng bào Mông ở xã Trung Lý dành cho những người lớn tuổi đã trở thành phong trào. Những người chưa biết viết, đọc tên mình lại rủ nhau cùng đến lớp học” - thầy giáo mang quân hàm xanh chia sẻ.

“Ở Tà Cóm, khi tôi đứng lớp đã được các già làng, trưởng bản, đồng bào mình nơi đây gọi là thầy giáo” – Đại úy Di nở nụ cười hạnh phúc nhớ về lần đầu tiên được nghe gọi bằng hai tiếng “thầy giáo”.

Lật giở những trang sách, thầy giáo Di chia sẻ khó khăn nhất trong việc gieo con chữ ở Tà Cóm lúc trước là không có đèn điện. Trò lẫn thầy sử dụng lon nước, đổ dầu vào rồi dùng que quấn vải để dẫn dầu lên lấy ánh sáng.

Đại úy Biên phòng đi xóa mù chữ trong bản “nhiều không”-12.JPG
Đại úy Hơ Văn Di miệt mài hướng dẫn, đọc cho bà con dân bản đọc theo. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

“Khó khăn là vậy nhưng đến nay nhiều người ở Tà Cóm đã biết chữ, viết được tên của mình, tôi mừng lắm” – Đại úy Hơ Văn Di chia sẻ và nói anh rất vui vì đã góp một phần công sức cùng với Đảng, Nhà nước mang con chữ đến vùng đất này.

Muốn thêm nhiều người biết đọc, biết viết tiếng Việt

Cũng theo Đại úy Di, qua những lớp học, anh cùng với chi bộ, chính quyền địa phương đã lồng ghép nhiều hoạt động để tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước dành riêng cho đồng bào Mông. Cạnh đó là vận động bà con xóa bỏ cây thuốc phiện, trồng lúa, ngô, sắn và bảo vệ rừng, không hút thuốc phiện, không để kẻ xấu kích động.

Đại úy Biên phòng đi xóa mù chữ trong bản “nhiều không”-9.JPG
Lớp học xóa mù cho bà con dân bản ở Trung Lý mỗi ngày có từ 30 đến 40 học sinh là các bà, mẹ, các chị ở mọi lứa tuổi tham gia. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Theo Đại úy Di, nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước mà nhiều bản ở Trung Lý giờ đã có đường nhựa, bê tông, có điện chiếu sáng, con em đồng bào Mông đa số đều được đến trường.

Tuy nhiên, ở lứa tuổi từ 20 đến 50 vẫn còn nhiều người không biết chữ nên anh mở thêm các lớp học ở bản Khằm I và Khằm II.

Khi liên lạc để xin chụp hình lớp học đặc biệt này, Đại úy Di nói lớp học bắt đầu từ 18 giờ 30 nên vì ban ngày bà con dân bản đã lên nương rẫy, đến chiều tối mới trở về nhà.

Đại úy Biên phòng đi xóa mù chữ trong bản “nhiều không”-6.JPG
Bà Hoàng Thị Sơ (SN 1975) là học sinh lớn tuổi nhất lớp và sau một thời gian đã biết đọc, biết viết tên mình bằng tiếng Việt. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Chúng tôi có mặt tại lớp học này, ghi nhận có người ở tuổi 50 tuổi vẫn đến lớp. Theo thầy Di đó là thói quen sau một ngày làm việc vất vả của bà con với mong muốn biết con chữ, biết tên mình viết ra sao.

Lớp học nhanh chóng được ổn định, thầy giáo Hơ Văn Đi viết lên tấm bảng những chữ cái, bài tập đọc để mọi người cùng đọc theo.

Đại úy Biên phòng đi xóa mù chữ trong bản “nhiều không”-5.JPG
Không khí trong lớp học của các anh chị, mẹ, bà luôn đầy ắp nhiệt huyết, khát khao học được con chữ với mong muốn được thoát nghèo. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Giờ giải lao, bà Hoàng Thị Sơ (48 tuổi, học lớp xóa mù) kể: Bà theo gia đình từ phía Bắc vào Khằm II từ những năm 1985, giờ đã có cháu, có chắt mới đi học chữ. “Lúc đầu viết cái chữ khó lắm, không viết được tên mình nên buồn lắm, định bỏ học rồi nhưng thầy Di bảo cứ học đi, chưa biết thì mãi cũng biết” – bà Sơ nói.

Từ năm 2022, lớp học ở đây có khoảng 30 đến 40 người tham gia, chủ yếu là người đã lập gia đình, có con cháu rồi nhưng muốn học con chữ.

Đại úy Di cho hay, việc dạy học cho người lớn cũng khó bội phần, phải kiên nhẫn hướng dẫn nhiều lần đến khi bà con nhớ hết mặt chữ, biết viết tên và đánh vần, đọc tên chính xác theo tiếng Việt.

Đại úy Biên phòng đi xóa mù chữ trong bản “nhiều không”-1.jpg
Trong trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, những bài tập đọc của các chị, mẹ, bà vang vọng như đánh thức cả núi rừng miền biên viễn Mường Lát xa xôi để vượt lên chính mình. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

“Đến nay việc học xóa mù của đồng bào Mông ở xã Trung Lý dành cho những người lớn tuổi đã trở thành phong trào. Những người chưa biết viết, đọc tên mình thì buồn lắm nên lại rủ nhau cùng đến lớp học.” - thầy giáo mang quân hàm xanh chia sẻ.

Đại úy Biên phòng đi xóa mù chữ trong bản “nhiều không”-12.jpg
Qua lớp học, theo Đại úy Di không chỉ cho người đồng bào mình biết đọc, biết viết bên cạnh đó còn tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Suốt gần 15 năm qua là những câu chuyện ý nghĩa, gần dân, thấu hiểu tâm tư của đồng bào, chia sẻ những khó khăn, cả những mất mát của đồng bào, trái tim của người lính ấy đã bao lần rung động khi mỗi người viết được tên mình, đọc rõ một bài báo…

Đại úy Biên phòng đi xóa mù chữ trong bản “nhiều không”-2.JPG
Đại úy Hơ Văn Di cùng đồng bào ngược dốc 'cuộc đời' trong hành trình đi tìm con chữ cho chính mình. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Đại úy Biên phòng đi xóa mù chữ trong bản “nhiều không”-3.jpg
Hình ảnh, trái tim người lính ấy đã bao lần rung động mỗi khi thêm một người đồng bào Mông của mình biết viết, biết đọc, biết vươn lên thoát nghèo và cùng nhau bảo vệ biên cương Tổ quốc. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Rời lớp học lúc 21 giờ đêm, bóng thầy giáo - Đại úy Hơ Văn Di đổ dài trên con đường trong hành trình xóa mù cho đồng bào người Mông nơi đây.

Đảng nhà nước, chính quyền địa phương luôn chăm lo đời sống người dân vùng biên nói chung và đồng bào người Mông nói riêng.

Các lớp xóa mù chữ của Đại úy Hơ Văn Di đã giúp nhiều người Mông biết đọc, biết viết, biết làm một số phép tính đơn giản.

Việc làm của Đại úy Hơ Văn Di góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo vệ biên giới của Tổ quốc.

Bí thư Huyện ủy huyện Mường Lát HÀ VĂN CA

Đọc thêm