Ngày 27-12, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị đã triển khai Tiểu dự án 1 của Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Mục tiêu rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng ở miền núi, vùng DTTS.
Đây là loại hình trường chuyên biệt mang tính chất phổ thông, dân tộc và nội trú. Trường PTDTBT được Nhà nước thành lập cho con em đồng bào DTTS, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm góp phần tạo nguồn cán bộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi. Đồng thời bảo đảm thực hiện công bằng trong giáo dục và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS.
Hệ thống PTDTBT đang phát triển nhanh về quy mô, số lượng và cải thiện đáng kể chất lượng giáo dục toàn diện, khẳng định được vai trò trong việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục bền vững ở vùng DTTS và miền núi.
Bởi vậy, trong thời gian qua tỉnh Đắk Lắk đã luôn quan tâm, chủ trọng đến phát triển khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chủ trương này được triển khai sâu rộng, nhằm mục đích rút ngắn khoảng cách giữa khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa với khu vực thành phố, thị trấn, thị xã.
Vẫn theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa, toàn tỉnh hiện có sáu trường PTDTBT ở cấp huyện, trong đó học sinh DTTS chiếm 74%.
“Hiện nay, nhờ sự đầu tư đúng mức, kịp thời, nên hệ thống PTDTBT đang phát triển nhanh về quy mô, số lượng và cải thiện đáng kể chất lượng giáo dục toàn diện, khẳng định được vai trò trong việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục bền vững ở vùng DTTS và miền núi” – ông Phạm Đăng Khoa nói.
Hàng trăm tỉ đồng triển khai cho ngành giáo dục
Vẫn theo ông Phạm Đăng Khoa, trong năm 2022, trong danh mục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, có học sinh bán trú, Sở GD&ĐT hoàn thành các công tác chuẩn bị đầu tư bốn dự án xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học thuộc Tiểu dự án 1 – Dự án 5 (được phân bổ vốn năm 2022); Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng các dự án đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt, với tổng mức đầu tư hơn 30,9 tỉ đồng. Các dự án này đã được giao kế hoạch vốn năm 2022 là 25,7 tỉ đồng và năm 2023 là 2,2 tỉ đồng.
Trong giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở tham mưu của Sở GD&ĐT, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý triển khai quy mô đầu tư các các dự án trong Tiểu dự án 1 của Dự án 5, với tổng mức đầu tư gần 142 tỉ đồng.
“Hiện tại, chúng tôi đang tích cực triển khai thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư, đồng thời đề xuất Ban Dân tộc, Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Đắk Lắk giao chi tiết kế hoạch vốn cho các công trình này để có thể khởi công xây dựng trong năm 2023 và phấn đấu hoàn thành toàn bộ trong năm 2024” – ông Phạm Đăng Khoa cho hay.
Để triển khai Tiểu dự án 1 của Dự án 5 có hiệu quả, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; theo dõi, cập nhật danh sách chuyển đi chuyển đến, các đối tượng mới nhập hộ khẩu để tránh tình trạng thiếu sót tên đối tượng điều tra phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; chỉ đạo các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở làm tốt công tác điều tra, nhập số liệu từ phiếu điều tra vào phần mềm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.